Nông dân học lớp 5 chế tạo máy làm bánh hỏi tự động xuất sang Mỹ

Thứ Bảy, 29/08/2015 13:15  | Chí Trung

|

(CAO) Hơn 25 năm trong nghề trải qua bao gian truân, khổ nhọc nên thôi thúc người nông dân tìm cách chế ra “máy” để nâng cao nâng suất và hiệu quả đỡ tốn nhiều công.

Từ nông dân trở thành kỹ sư

Xuất thân từ những nông dân chân đất quanh năm trồng rẫy, cuộc sống khá khó khăn, vất vả nên 2 vợ chồng ông Bùi Thanh Tú và bà Phan Thị Trinh (ngụ ấp Long Hòa, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) đã chuyển sang làm nghề làm bún.

Ban đầu công việc làm bún khá mới mẻ, vất vả vì tất cả các khâu đều phải làm bằng thủ công nên vừa tốn rất nhiều công sức vừa cả công lao động. Thế nhưng vợ chồng ông bà đã đứng lên bằng đôi bàn tay trắng với nghị lực và lòng chịu thương, chịu khó từ bản chất người “nông dân” thật thà, chân lấm tay bùn.

Hơn 25 năm trong nghề trải qua bao gian truân, khổ nhọc nên thôi thúc ông bà tìm cách chế ra “máy” để nâng cao nâng suất và hiệu quả đỡ tốn nhiều công. Thế là ông Bùi Thanh Tú tự mài mò, chế tạo như một “kỹ sư” với trình độ lớp tiểu học (cả 2 vợ chồng đều mới học đến lớp 5).

Bà Phan Thị Trinh bên hệ thống làm bánh hỏi tự động

Nhiều lúc tưởng chừng như không thành công vì ông bà không biết gì về “cơ khí” tất cả đều phải học, đều phải thực hành và cũng không biết bao nhiêu lần “thất bại”. Nhưng với cái tính làm cho được của ông Tú và được sự động viên khích lệ của bà Trinh thế là “công trình” lại tiếp tục được thực hiện.

Không phụ lòng ông nông dân, máy chạy nước, máy nén bột, máy hấp cắt bánh... được “ra đời” lần lượt. Cái nghề với cái duyên đã giúp ông “kỹ sư” càng có động lực để phát huy những gì mình đang làm được. Kết quả có được đều là những lúc phải phát khóc sung sướng vì chế tạo thành công từng công đoạn của máy.

Tại “nhà máy” sản xuất bánh hỏi do ông Bùi Thanh Tú sản xuất, lắp đặt gồm một dãy băng chuyền dài chừng 12m, một đầu đặt hệ thống nén bột làm bánh, đoạn giữa là dãy hấp bánh bằng hơi nước sôi và đoạn cuối là nơi thu hoạch bánh.

Chia sẻ với chúng tôi Bà Trinh cho biết: “Nếu làm theo kiểu truyền thống thì bình quân mỗi ngày làm chỉ được 50kg bánh, còn cái máy này mỗi giờ làm được hơn 200kg bánh hỏi mà ít tốn nhân công”.

Ngoài sản xuất bánh hỏi thì tại cở sở còn sản xuất dây chuyền bún với 7 công nhân phụ trách: đánh bột, trực máy sản xuất bánh và đón bánh, đóng gói thành phẩm. Thời gian công nhân làm từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều với mỗi công nhân được nhận lương từ 3- 4 triệu/tháng.

Nhớ về những tháng ngày đã qua Bà Trinh chia sẻ thêm: “Để hoàn thành được dây chuyền sản xuất bánh hỏi như hiện nay không phải 1 ngày 2 ngày mà cả một thời gian rất dài tự mài mò, sáng tạo. Mỗi ngày chế một chút mới hoàn thiện. Cô chú học chỉ mới đến lớp 5 là nghỉ nên phải cố làm để nuôi dạy 2 con ăn học”.

Từ kỹ sư trở thành nhà kinh tế

Đến năm 2006, 2 ông bà mới hoàn thiện hệ thống sản xuất bánh hỏi gồm các phần: máy nén bột trên khuôn bằng thủy lực, thanh gạt tự động và hệ thống băng chuyền. Công suất của máy làm bánh hỏi tự động 200kg/giờ và máy làm bún thì hàng ngày cở sở có thể cung ứng thị trường hơn 2,4 tấn/ngày (bún và bánh hỏi) cung cấp cho thị trường Huyện Hồng Ngự, Thị xã Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp), Tân Châu, Châu Đốc (An Giang).

Hệ thống bún tự động của cơ sở Thanh Tú

Sử dụng công nghệ dây chuyện ông bà đã giảm được 1/2 số công nhân và tăng 4 lần năng suất sản phẩm. Trừ các khoản chi phí từ nhân công đến đầu tư nguyên liệu, khấu hao sản phẩm... mỗi tháng cho thu nhập cũng kha khá.

Không dừng lại ở đó ông “kỹ sư nông dân” tiếp tục tiềm hiểu thị trường để có thể đưa sản phẩm chính tay mình chế tạo ra để mọi người được biết đến. Chiếc máy đầu tiên được bán cho một cơ sở sản xuất bánh hỏi tại huyện Tân Hồng. Ngoài sản xuất bún và bánh hỏi để cung ứng thị trường thì từ năm 2006 đến nay 2 vợ chồng ông bà đã cho ra mắt dây chuyền sản xuất bánh hỏi, bún tự động với hơn 30 máy được bán ra thị trường.

Từ một nông dân chân đất ông bà Tú tiếp túc tìm tòi, học hỏi tham gia vào thị trường tiêu thụ và sản xuất bún, bánh hỏi ở nước ngoài. Lúc đầu cũng khá khó khăn vì không biết ngôn ngữ nên việc trao đổi phải thông qua phiên dịch, tiềm hiểu trên mạng “internet” về thị trường đã giúp cho chiếc máy sản xuất bánh hỏi được vươn ra thị trường thế giới.

Danh nghiệp tư nhân Bùi Thanh Tú và đã tiến hành giới thiệu và bán sản phẩm máy dây chuyền sản xuất bánh hỏi qua Mỹ và mở rộng các nước khác như: Ấn Độ, Canada, Úc... Ngoài ra, dây chuyền sản xuất bánh hỏi tự động còn 1 trong 60 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2014.

Bình luận (2)

Thật đáng khâm phục sáng chế của những nông dân mà các nhà khoa học Việt Nam cho là “chắp vá”. Nhìn thực tế ở nước ta, nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học được xây dựng, bao giáo sư, tiến sĩ được đào tạo nhưng chẳng thấy sáng chế “không chắp vá” nào được thế giới công nhận (trừ một sản phẩm vắcxin – nhưng “lá mùa thu” đã “rụng”)!

Ngan - Thứ Bảy, 29/08/2015, 15:11 Trả lời | Thích

Những nông dân chân đất bằng sự cần cù và óc sáng tạo họ đã phát minh ra những cái tưởng chừng như "không tưởng".

TRẦN QUỐC TRUNG - Chủ Nhật, 30/08/2015, 09:39 Trả lời | Thích
Lên đầu trang