Cần chặn ngay kiểu kinh doanh thực phẩm chức năng “lập lờ đánh lận con đen”

Thứ Năm, 10/07/2025 14:05

|

(CATP) Mạo danh thuốc chữa bệnh, lợi dụng hình ảnh thầy thuốc, dược sĩ, cơ sở y tế... để quảng bá bán hàng là “chiêu thức” thường thấy của những người kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) trên thị trường hiện nay. Điều đáng nói, tình trạng này đang diễn ra công khai, rầm rộ, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.

ĐỦ KIỂU MẠO DANH

Trên Facbook giả mạo Viện Dinh dưỡng Quốc gia có giới thiệu các sản phẩm tăng cường sức khỏe và chữa nhiều bệnh cho trẻ em, người già với những hình ảnh và tư vấn từ chuyên gia y tế của “Viện”. Đáng chú ý, loại “thuốc giúp trẻ cao lớn vượt bậc” liên tục xuất hiện, luôn có số lượng người truy cập đông đảo. Khi gọi vào “đường dây nóng” tại đây, một giọng nữ giới thiệu là bác sĩ cho biết: “Thuốc này ra đời từ một công trình nghiên cứu quốc gia, được Tổ chức Y tế thế giới công nhận nên hoàn toàn có thể yên tâm vì chất lượng và công dụng đã được ngành chức năng bảo đảm...”.

Để biết rõ về loại thuốc này, chúng tôi gọi điện thoại hỏi bác sĩ Phan Bích Nga (Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia), và thật sự bất ngờ khi được bà cho biết Viện không nghiên cứu hay sản xuất loại thuốc dành cho trẻ em. Bà khẳng định, những hình ảnh quảng cáo sản phẩm về sức khỏe lấy tên “Viện Dinh dưỡng Quốc gia” là hoàn toàn giả mạo. “Hiện đang có nhiều cơ sở và cá nhân mạo danh Viện Dinh dưỡng Quốc gia lập trang mạng nhằm mục đích lấy uy tín để bán sản phẩm dược không rõ nguồn gốc. Việc này chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, vì vậy người dân cần tỉnh táo để tránh bị mắc lừa” - bà nói.

Thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, mạo danh bị cơ quan chức năng thu giữ

Theo tìm hiểu, không riêng gì Viện Dinh dưỡng Quốc gia mà rất nhiều cơ sở y tế uy tín khác cũng đang bị mao danh dưới những hình thức như: sử dụng logo, hình ảnh, giả danh bác sĩ của cơ sở để quảng cáo, tổ chức tư vấn, khám bệnh... với mục đích lừa đảo bán TPCN. Mới đây, một loạt đơn vị như: Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, Bệnh viện Quân đội 108, Học viện Quân y, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam... đã phải ra thông báo khẩn về tình trạng trên để cảnh báo tới người dân.

“Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh - Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Sài Gòn chia sẻ: Căn bệnh hôi miệng không chỉ gây khó khăn trong giao tiếp mà nó còn ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm khác, nếu không điều trị dứt điểm, có thể sẽ có hậu quả xấu về sau”. Đó là nguyên văn đoạn quảng cáo trá hình mà một fanpage đăng tải kèm theo hình ảnh bác sĩ đang trả lời phỏng vấn truyền hình.

Sự việc trên khiến bác sĩ Nguyễn Xuân Anh (có tiếng trong Chuyên khoa chấn thương chỉnh ở TPHCM) bức xúc: “Trời ơi, thiệt là quá đáng! Hết lôi mình ra quảng cáo chàm lác, bây giờ lại mạo danh quảng cáo chứng hôi miệng. Tôi làm trưởng khoa tai mũi họng hồi nào? Họ đã dùng hình ảnh phóng sự VTV trong ca mình mổ tay cho bệnh nhi để nói về “thuốc hôi miệng...”.

Thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, mạo danh bị cơ quan chức năng thu giữ

Lương y Đinh Công Bảy (Tổng thư ký Hội Dược liệu TPHCM) đã thống kê danh sách hàng loạt các hoạt động đang mạo danh ông để bán TPCN. “Khi thì người ta “phỏng vấn” tôi về chuyện tiểu đêm, mất ngủ, lúc họ lại “trích nguyên văn tôi nói” về thảo mộc chữa bệnh sinh lý, ung thư... Ngoài việc lên tiếng nói rõ cho mọi người biết là mình không bất nhân để đi làm chuyện như thế, thì tôi chưa biết phải làm gì hơn, chỉ tự hỏi tại sao người ta lại có thể tự tung tự tác làm chuyện xảo trá trên sinh mạng con người như thế?”, ông Bảy chia sẻ.

Ngoài ra, các nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng là “nạn nhân” của chiêu trò mạo danh này. Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết đang thụ lý vụ việc một nhóm nghệ sĩ ở TPHCM cùng ký tên tố cáo nhiều nhãn hiệu TPCN mạo danh hình ảnh, tên tuổi của họ để bán hàng.

“Vì liên quan đến lĩnh vực truyền thông, quảng cáo nên hiện cơ quan chuyên môn đã tiếp nhận các tài liệu, chứng cứ để tiến hành làm rõ các hành vi vi phạm” – ông nói khi thể hiện sự cương quyết đến cùng nhằm xử lý nghiêm vụ việc theo quy định pháp luật.

CẢNH BÁO NGƯỜI TIÊU DÙNG

Bộ Y tế vừa ra thông báo về thực trạng mạo danh để bán TPCN lừa gạt người tiêu dùng trên thị trường hiện nay. Cảnh báo này được đưa ra sau khi nhiều cơ sở y tế trên cả nước lên tiếng mạnh mẽ về việc họ bị sử dụng logo, hình ảnh để mạo danh bán hàng TPCN, gây hiểu lầm hết sức nguy hiểm.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, việc quản lý quảng cáo TPCN cực kỳ gian nan. Tình trạng bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe online, quảng cáo qua mạng xã hội, Internet, tư vấn trực tiếp cho người tiêu dùng qua điện thoại, chat... ngày càng phức tạp. Các sản phẩm đánh vào tâm lý người dùng thường là dành cho trẻ hay loại “biệt dược” tăng cường sinh lý, chống lão hóa, giảm cân, chữa các vấn đề sinh sản, xương khớp. Phương thức mạo danh tinh vi khiến họ như bị rơi vào ma trận.

Thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, mạo danh bị cơ quan chức năng thu giữ

Nguy hiểm nhất là tình trạng giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn, bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về các mặt hàng TPCN đang khá phổ biến. Một số trung tâm tư vấn còn quảng cáo hoặc gọi điện thoại trực tiếp đến khách hàng mạo danh là các nhà thuốc gia truyền để tư vấn bán TPCN, thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc nhưng giới thiệu đã được Bộ Y tế thẩm định...

Bên cạnh đó, vài năm gần đây, qua công tác thanh, kiểm tra các cơ sở TPCN được cấp phép hoạt động, cơ quan chức năng của Bộ Y tế cũng phát hiện, xử phạt hàng trăm doanh nghiệp vi phạm về quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh. Ngoài việc “nổ” về công dụng để thu hút người mua, những nơi này còn thuê nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội đứng ra quảng cáo sai sự thật về sản phẩm.

Bộ Y tế cho biết đã đưa ra nhiều giải pháp và hành động cụ thể để chấn chỉnh, xử lý, ngăn chặn tình trạng mạo danh, Luật sư Hoàng Cao Sang - Đoàn Luật sư TPHCM: Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu phạm tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức xử phạt phụ thuộc vào độ nguy hiểm và các tình tiết khác của hành vi phạm tội mà có thể nặng hoặc nhẹ. Riêng hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được sự đồng ý, sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu quảng cáo sai sự thật, lừa dối, gây nhầm lẫn... còn bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng.

Trong trường hợp nếu giả mạo tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng tài liệu đó nhằm lừa dối thì bị phạt tiền hoặc phạt tù - cao nhất đến 7 năm. Ngoài ra, hiện tại những hành vi trên còn được áp dụng Luật An ninh mạng để xử lý. Cá nhân, đơn vị bị mạo danh có thể làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công thương, Công an... xử lý hành vi vi phạm và khởi kiện đối tượng mạo danh hoặc nhà sản xuất để yêu cầu chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, cũng như xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại. quảng cáo TPCN sai quy định đang hoành hành, lừa gạt người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì khâu phối hợp quản lý từ nhiều cấp ngành hiện còn tồn tại bất cập, nhiều khe hở nên việc xử lý triệt để rất khó khăn.

Thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, mạo danh bị cơ quan chức năng thu giữ

Bên cạnh đó, vì lợi nhuận, các đối tượng vi phạm bất chấp các quy định của pháp luật, thực hiện việc dối trá khách hàng. Tất cả những hoạt động kể trên đều tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cộng đồng, bởi đó là điểm “trú ẩn” cho tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng nhái, các mặt hàng không bảo đảm chất lượng... đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Trước những vấn đề này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần cảnh giác cao độ, tìm hiểu thông tin kỹ càng trước khi có nhu cầu về TPCN. Chỉ mua sản phẩm đã được cấp phép, công bố chất lượng, mua ở những cửa hàng, hiệu thuốc có phép hoạt động. Đặc biệt, phải luôn tránh xa những sản phẩm dưới “mác” trá hình như: thư cảm ơn của bệnh nhân, bác sĩ nói về công dụng, sử dụng danh nghĩa, hình ảnh cơ quan y tế quảng cáo...

Bình luận (0)

Lên đầu trang