(CAO) Vụ hỏa hoạn tại chung Carina Plaza đã qua đi nhưng hậu quả mà nó để lại thì không gì có thể lột tả hết. Vì, không chỉ là thiệt hại về tài sản mà còn đấy những cái chết đầy oan uổng. Có những nỗi đau không thể nói thành lời…
Gọi con trong bất lực
“Quá sốc!” – ông Lê Văn Ngà (SN 1959, ngụ Q.8) chỉ có thể nói được như vậy khi gặp chúng tôi. Chỉ sau một trận hoả hoạn, người đàn ông tuổi lục tuần này đã vĩnh viễn mất đi 3 người thân. Cơn ác mộng rạng sáng hôm ấy khiến ông Ngà một lúc mất đi cả con trai, con dâu và đứa cháu nội của mình. Bi kịch, dường như đã này quá sức tưởng tượng của ông.
Ông Lê Văn Ngà đau xót kể về thời phút kinh hoàng mà ông phải đối diện.
Đêm trước ngày xảy ra thảm kịch, gia đình của ông Ngà vẫn còn đang rộn rã những tiếng nô đùa của trẻ nhỏ. “Tối hôm đó, tôi còn nựng thằng cháu nội của mình. Vậy mà…” – đang nói, ông Ngà nấc nghẹn, lấy tay quẹt giọt nước mắt chảy dài.
Theo ông Ngà, khoảng 1h sáng 23 - 3, ông đang ngủ thì nhận được cuộc điện thoại hoảng hốt của một người dân ở trong chung cư Carina Plaza, báo đang xảy ra cháy lớn. "Nghe cháy lớn chung cư nơi con trai ở, tôi vô cùng lo lắng, lập tức lấy xe máy chạy đến. Khi tới nơi thì tôi thấy khói nghi ngút bao trùm cả chung cư, xung quanh nhiều cảnh sát PCCC đang dập lửa, cứu người nên tôi vứt xe phụ đưa những người bị nạn về nơi an toàn”.
Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ông Ngà dù cố gắng gào thét tên các con và cháu của mình nhưng mọi nỗ lực gần như là vô vọng. Cho đến khi, nhân viên cứu hộ đưa từng tử thi bị cháy xém ra để nhận diện thì ông lão gần như đổ quỵ khi nhìn thấy người con dâu và đứa cháu và người em của con dâu. “Tôi cầu trời cho đó không phải là sự thật. Nhưng…” – thêm một lần nữa, nước mắt ông lại rơi.
Trong cơn hoạn nạn, ông Ngà vẫn còn một cơ may cuối cùng là sinh mạng của người con trai Lê Trọng N. đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. các bác sỹ ở đây cho biết, thời điểm hiện tại anh N. đang có biểu hiện tích cực về sức khỏe. “Tôi chỉ còn một niềm tin duy nhất là con tôi vượt qua cơn nguy kịch. Từ hôm qua tới giờ, tôi chỉ biết cầu nguyện và… cầu nguyện!” – ông Ngà chắp tôi tay khi môi đang mím chặt.
Những anh hùng trong lửa dữ
Hôm nay, cũng là ngày diễn ra tang lễ của anh Trần Văn An (SN 1970 - ngụ Q.8). Như CAO đã thông tin, trong đám cháy tại chung cư Carina, anh Trần Văn An, nhân viên bảo vệ tại chung cư này, đã dũng cảm chạy đến từng căn hộ để đạp cử, ứng cứu. Số phận xui rủi, anh An đã vĩnh viễn nằm xuống, để người khác được sống.
Trong đổi với phóng viên Báo CATP, anh Trần Văn Tâm, em ruột nạn nhân cho biết anh trai mình đã làm việc tại chung cư này được hơn 3 năm nay. “Tuy tiền lương không cao nhưng anh ấy làm việc rất uy tín và còn được nhiều bà con trong chung cư yêu mến” – anh Tâm tự hào kể về người anh trai của mình.
Anh Tâm kể, thời điểm xảy ra đám cháy, vì các thiết bị báo cháy không hoạt động, lo sợ người dân sẽ không hay biết để tháo chạy nên anh trai anh đã đưa ra một quyết định hết sức mạo hiểm: đến từng phòng để đập cửa thông báo!
Anh Trần Văn Tâm vẫn bần thần trước sự ra đi của người anh trai xả thân cứu người.
Từ tầng trệt của tòa chung cư, anh Trần Văn An đã bất chấp nguy hiểm, vượt qua lửa dữ di chuyển bằng cầu thang bộ để chạy suốt 4 tầng lầu. Khi mà ngọn lửa bốc cháy mỗi lúc một cao, sức nóng, khí độc đã buộc người đàn ông này tạm dừng cuộc hành trình, vĩnh viễn nằm lại giữa cơn đại hỏa hoạn. Thi thể của nạn nhân được lực lượng cứu hộ tìm thấy tại tầng 5 chung cư Carina.
Cho đến 11 giờ cùng ngày, anh Tâm được công an thông báo đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương để nhận diện người thân. "Nhìn thấy anh là tôi nhận ra ngay. Tuy nhiên, tôi tự dặn bản thân trấn tĩnh để thông báo cho vợ con anh chuẩn bị hậu sự, an táng cho anh" – anh Tâm kể và không quên nhắn gửi: “Tuy anh tôi mất nhưng những gì mà anh đã làm được đáng để chúng tôi tự hào. Tôi sẽ thay anh gánh vác gia đình. Tôi nghĩ rằng nơi suối vàng, anh An cũng có thể mỉm cười vì anh sẽ mãi là một người anh hùng”.
Tại tang lễ, nhiều người may mắn được anh An cứu sống đã cùng đến chia buồn, thắp nén nhang cảm tạ vị ân nhân. Bà Lê Thị Tâm (52 tuổi, hàng xóm anh An) bùi ngùi: “An hiền khô à, sống rất chan hoà nên ở đây ai cũng thương. Nó nằm xuống để người nạn nạn được sống” – bà Tâm thương tiếc.
Kim đồng hồ đã điểm quá 12 giờ trưa. Dòng người tìm đến chia buồn với gia đình người bảo vệ dũng cảm mỗi lúc một đông. Trước linh cửa người đã khuất, ai nấy cũng đều cảm phục và tiếc thương. Trong không khí tang thương, vẫn còn đó câu chuyện về người bảo vệ xả thân cứu người, về những người lính cửu hoả không màng sự sống lao vào lửa dữ. Họ, là những người anh hùng dũng cảm giữa lằn ranh sinh tử, giữa những khoảnh khắc hiểm nguy…