"Cười ra nước mắt" chuyện xây nhà đền bù cho hộ nghèo ở An Giang

Thứ Bảy, 07/04/2018 09:07  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Hàng chục hộ nghèo ở huyện Thoại Sơn (An Giang) phải bỏ ra trên dưới chục triệu đồng để bù cho nhà thầu vì đơn vị này thi công sai thiết kế. Không có tiền nhiều gia đình phải đi vay với lãi cao.

Nói một đằng, làm một nẻo?

Mới đây, Báo CATP nhận được phản ánh của người dân liên quan đến những khuất tất trong việc xây cất nhà cho hộ nghèo ở huyện Thoại Sơn. Từ phản ánh trên, phóng viên đã vào cuộc xác minh.

Trước đây, không có chỗ ở nên gần chục gia đình đến ấp Sơn Đông 1, TT.Núi Sập khai hoang cất nhà cạnh đình Thoại Ngọc Hầu. Tháng 10-2017, họ được chính quyền địa phương thông báo giải tỏa để mở rộng đình. Chính quyền cho biết hỗ trợ 50 triệu đồng tiền cất nhà và 50 triệu đồng tiền di dời đến nơi ở mới. Sau khi giải tỏa mỗi hộ được địa phương bán 1 nền tái định cư ngang 5m, dài 16,5m với giá 11 triệu đồng. Tuy nhiên đến lúc xây dựng họ bị nhà thầu lập lờ nhiều hạng mục, thi công không theo thiết kế dẫn đến bỏ tiền một cách vô lý.

Chỉ tay vào vách nhà có dấu hiệu xuống cấp, ông Phan Văn Sao (68 tuổi, ngụ ấp Bắc Sơn, TT.Núi Sập) trình bày: “Lúc đầu họp với người dân có đại diện nhà thầu và phó chủ tịch UBND huyện. Tại đây họ nói nhà lót gạch bông, cửa kéo Đài Loan…".

"Tuy nhiên, đến khi triển khai mấy ổng nói lót gạch tàu, nếu muốn gạch bông phải bù thêm 4 triệu đồng. Ngoài ra tôi còn tốn thêm 14,5 triệu đồng đổi bộ cửa và mở rộng 2m phía sau hè. Bù thêm tiền đã đành nhưng nhà mới đưa vào sử dụng không bao lâu đã xảy ra hiện tượng nứt”, ông Sao bức xúc.

Nhà xây cho hộ nghèo mới đưa vào sử dụng đã rạn nứt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đối tượng nhận nhà là hộ nghèo hoặc tái định cư và không chỉ diễn ra ở TT.Núi Sập mà còn ở TT.Óc Eo. Tìm đến nơi có nhiều căn nhà vừa được đưa vào sử dụng ở ấp Tân Hiệp B chúng tôi được bà Trần Thị Nết cho biết, bà có 5 người con và cháu làm thợ hồ nhưng không được đứng ra đảm nhận xây nhà của gia đình mà phải giao lại cho chủ thầu. Để có căn nhà hoàn chỉnh gia đình phải bù thêm số tiền hơn 15 triệu đồng.

“Nhà cất ngày 25-10 âm lịch, trị giá 65 triệu đồng. Sau khi hoàn thành có 2 người đến chụp hình chứ quá trình cất không được giám sát gì hết. Khi triển khai xây dựng đơn vị thi công nói nhà nền chỉ 2 tấc trong khi đó mấy hộ xung quanh nhà ai cũng cao sợ mưa xuống ngập nên phải nâng thêm 5 tấc. Ngoài ra tôi còn phải bù thêm tiền thay bộ cửa và lót gạch hết 7,5 triệu đồng nữa”, bà Nết cho hay. 

Để có căn nhà đúng như thiết kế hàng chục hộ dân phải thêm cho nhà thầu cả chục triệu đồng

Theo mẫu nhà ở hộ nghèo được ông Nguyễn Ngọc Điệp – Phó chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn ký duyệt vào tháng 11 năm 2017 cho thấy, tổng dự toán căn nhà hơn 65 triệu đồng; trong đó tổng tiền vật tư hơn 40,8 triệu đồng, còn tiền nhân công hơn 24,4 triệu đồng. Nhà lát gạch ceramic 30x30 vữa M75; nền cát đen tưới nước đầm kỹ, cao 0,4m…

Ôm nợ vì nhà thầu lập lờ

Theo tìm hiểu số tiền hộ dân bù cho nhà thầu ít nhất gần chục triệu còn cao lên đến 22 triệu đồng. Bà Phan Thị Giang (49 tuổi, ngụ ấp Bắc Sơn, TT.Núi Sập) cho biết: “Căn nhà cất thêm 2m bếp, đổi bộ cửa và nâng nền mà bù thêm đến 22 triệu đồng. Mình dốt chẳng biết gì nên họ tư vấn sao nghe vậy. Giờ khổ quá vì con cái cần tiền đi học, tiền điện nước phải đóng hàng tháng mà chẳng lấy đâu ra”.

Rơi vào cảnh đã rồi nên để có tiền bù vào khoản gợi ý nhà thầu đưa ra nhiều hộ dân phải chạy đi vay nợ với lãi cao. Ngồi trong nhà với vẻ mặt buồn bã, bà Hồ Thị Tuyết (61 tuổi, hàng xóm bà Giang) cho biết: “Để có nhà như hiện tại gia đình phải bù thêm 8 triệu đồng, trong đó từ gạch tàu chuyển sang lót gạch bông 4 triệu và nâng nền thêm 3 cục gạch (3 tấc) 4 triệu nữa. Bếp nấu ăn gia đình thuê đơn vị thi công xây rất đơn giảm mà họ ăn tới 7,5 triệu đồng”.

Theo lời bà Tuyết, từ ngày bị giải tỏa đến nay đã mấy tháng nhưng tiền hỗ trợ di dời gia đình bà chưa lãnh. Để có tiền bù vào việc cất nhà, ăn hàng ngày gia đình phải vay 16 triệu đồng và lãi mỗi tháng đóng gần 4 triệu nhưng giờ chẳng làm gì ra tiền đóng.

Nhiều hộ dân bức xúc đơn vị thi công lập lờ đổi từ gạch bông sang gạch tàu

Tương tự bà Nguyễn Thị Loan (68 tuổi) cho hay: “Hàng ngày chồng đi giăng câu, đặt lờ kiếm cá đổi gạo ăn. Để cất được căn nhà hoàn chỉnh gia đình phải chạy vay ở ngoài với số tiền 40 triệu đồng. Do tiền lãi mỗi tháng 8 triệu đồng nên chúng tôi nhiều lần lên UBND thị trấn hỏi tiền hỗ trợ nhưng nơi đây nói chưa có, trong khi đó nói giải quyết trong Tết. Đến nay đã 2 tháng mà tiền lãi không có đóng, gia đình bị chủ nợ thúc giục mỗi ngày”.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Phó chủ tịch UBND huyện Thợi Sơn cho biết: Năm 2017, toàn huyện có cất trên 50 căn nhà loại nguyên căn cho hộ nghèo. Đến nay số nhà trên đã được nghiệm thu và quyết toán xong. Nhà do các nhà tài trợ cho thường kiểm tra và nghiệm thu rất gắt gao cũng như thời gian ngắn nên giao thầu thực hiện chứ không để dân làm. Trước đây có trường hợp họ nhận tiền làm nhưng đến khi nghiệm thu bị dang dở, không đúng với thiết kế ban đầu. Bảng thiết kế nhà 65 triệu đồng nhưng thi công cho dân chỉ 50 triệu đồng do sửa lại bảng thiết kế cũ (?!).

Ông Triều, chủ cơ sở vật liệu xây dựng Mỹ Hạnh thừa nhận: Thiết kế ban đầu nhà cất cho hộ nghèo là gạch bông nhưng nếu không bù thêm 4 triệu nhà sẽ lót gạch tàu (?!). Trước đây cơ sở có hợp đồng với UBND huyện xây nhà cho hộ nghèo với tổng trị giá 52,5 triệu đồng. Tuy nhiên do giá cát, đá sau đó tăng lên nên có xin ý kiến huyện mỗi căn tăng lên 1,5 triệu nữa. Nền theo hồ sơ thiết kế chỉ có 6 khối cát, 1 khối đá nên tăng thêm mỗi tấc 1,5 triệu đồng (hộ từ 3 – 5 tấc) để xây cho đảm bảo. Về việc nhà bị nứt chưa được nghe người dân phản ánh (!?).

Bình luận (0)

Lên đầu trang