Cam sành là loại đặc sản được trồng nhiều ở tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long. Nhờ loài cây này mà nhiều người có thu nhập tiền tỷ, xây được nhà lầu, sắm xe hơi… Tuy nhiên với việc sản xuất ồ ạt, canh tác không theo quy trình kỹ thuật cũng như phát lờ khuyến cáo của ngành chuyên môn đã đưa loài cây tiền tỷ trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nhà vườn.
THỰC TRẠNG ĐÁNG BUỒN
Hàng chục năm qua, có nhiều người phất lên từ cam, nhưng mấy năm trở lại đây không ít nông dân mắc nợ cũng vì loại cây trồng “bạc tỷ” này. Đi về các xã thuộc huyện Châu Thành (Hậu Giang) hỏi về chuyện trồng cam rất nhiều hộ dân than vãn.
Loạt bài này không phải đánh đồng tất cả, nhưng lối sản xuất, nuôi trồng, chế biến các loại sản phẩm nông sản (từng là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Chín Rồng) không đảm bảo chất lượng đang dần trở nên phổ biến. Rất cần phải cảnh báo để các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cấp bách có các biện pháp vực dậy và lấy lại vị thế vốn có của các đặc sản vùng ĐBSCL.
Có 16 công cam sành đốn chuyển sang trồng ổi, bà Võ Mỹ Lộc (ngụ ấp Kinh Mới, TT.Ngã Sáu) kể: “Trước đây, đất gia đình chủ yếu trồng cải trời bán nhưng do thu nhập thấp đành chuyển sang trồng cam. Để có tiền đầu tư tôi phải đi vay ngân hàng 300 trăm triệu đồng để lên liếp, mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Năm đầu tiên, vườn cho thu nhập kha khá đủ để trả lãi ngân hàng. Sau đó 3 năm nay, tốn chi phí phân bón, thuốc bệnh… hơn 100 triệu đồng mà vườn cam gần cho thu hoạch lại bị bệnh vàng lá, không còn cách nào đành đốn bỏ”.
Người dân Hậu Giang đốn bỏ cam sành vì dịch bệnh bùng phát.
Theo lời bà Lộc, vài năm trước vùng đất nơi đây cam xanh tốt bạt ngàn, đến vụ nhà nào cũng có nguồn thu nhập vài trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng. Thế nhưng, với việc phát triển ồ ạt, tự phát nhiều vườn cam chưa cho trái cũng đốn. Ngoài chuyện mất đi thu nhập họ còn tốn thêm chi phí thuê thợ cưa vườn.
Nhà nghèo, không đất vườn, hàng ngày gia đình phải đi làm thuê kiếm sống nhưng thấy nhiều người trong xóm trồng cam xây nhà khiến anh Phạm Hoàng Vũ (ngụ xã Phú Hữu) lấy hết số tiền dành dụm và đi vay thêm bên ngoài để thuê 2 công đất ở Xẻo Chồi trồng cam.
Hai năm sau, vườn cam thu hoạch hơn 5 tấn trái bán được 70 triệu đồng. Sau lần đó, vườn cam bị nhiễm bệnh, suy kiệt khiến anh Vũ phải đốn bỏ trồng lại đu đủ, ổi. Chính vì vậy mà hiện tại anh Vũ không còn mặn mà với cây “hốt bạc” này nữa.
Ngoài huyện Châu Thành, xã Tân Thành (TX.Ngã Bảy, Hậu Giang) từng nổi tiếng là “thủ phủ” cam sành bởi nơi đây có câu lạc bộ “Tỷ phú cam sành”. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên diện tích cam sành bị thu hẹp đáng kể, nhiều “tỷ phú cam” chỉ còn cách chuyển sang trồng mía, nuôi gà.
Bà Trương Ngọc Điệp, Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Nông dân làm vườn có thu nhập cao cho biết, trước đây, địa phương có CLB “Tỷ phú cam sành” vì thời điểm đó các thành viên có thu nhập hàng tỷ đồng sau mỗi lứa thu hoạch.
Tuy nhiên, từ năm 2014 trở lại đây, CLB đổi tên thành “Nông dân làm vườn có thu nhập cao”. Một trong những nguyên nhân chính khiến CLB đổi tên là do cây cam sành hư hại, ảnh hưởng đến thu nhập của các thành viên. Từ đó, 55 héc-ta cam sành của các thành viên trong câu lạc bộ lần lượt bị dịch bệnh phải đốn bỏ thay thế bằng các loại cây trồng khác.
ĐỔ XÔ TRỒNG “CAM RAU”
Lợi nhuận thu được cao gấp chục lần trồng lúa, nhiều nông dân ở tỉnh Vĩnh Long chọn cách trồng “cam rau”. Hình thức này là trồng dày, đắp mô thúng, sử dụng cây giống trôi nổi giá rẻ để làm sao mức đầu tư thấp nhưng lợi nhuận sớm nhất. Trong đó, huyện Trà Ôn được gọi là “thủ phủ cam rau” bởi qua Quốc lộ 54 về hướng xã Thới Hòa đã “chạm mặt” những vườn cam sành bạt ngàn.
Gặp chúng tôi nhiều người nói vui: “Sau mùa thu hoạch xe đầy đường, nhà nhà ghe đậu tấp nập”. Theo người dân đó là tiền bán cam nông dân mua xe mới chạy và ghe vật liệu xây dựng chở hàng đến cất nhà tường. Ngoài ra, trúng mùa cam họ còn tổ chức ăn mừng sáng đêm, vui như Tết.
Gia đình có 5 công đất ruộng nhưng nhiều năm không khá nổi. Do vậy thấy nhiều người chuyển sang trồng cam sành trúng lớn ông Hồ Quốc Tuấn (54 tuổi, ngụ ấp Ninh Hòa, xã Thới Hòa) bỏ lúa chạy theo cam sành.
Người dân Vĩnh Long đang trồng “cam rau” và chỉ 2 lần thu hoạch là đốn vườn.
Ông Tuấn cho biết: “Mấy năm gần đây, vào vụ nghịch giá cam lọai 1 có lúc bán tại ruộng 30 – 35 ngàn đồng/kg, giá bèo cũng trên 25 ngàn đồng nên người nông dân lãi lớn. Vụ thuận dù giá ở mức 15 – 17 ngàn đồng/kg nông dân vẫn có lời”.
Theo lời ông Tuấn, để đầu tư diện tích trên ông bỏ ra số tiền 250 triệu đồng. Ban đầu, mô được đắp cao chỉ 0,4m, khoảng cách giữa các mô là 1,8m. Tuy nhiên sau 4 tháng đầu tư, hơn 2.000 cây cam bắt đầu héo úa vì thiếu kỹ thuật chăm sóc. Lúc này, ông tiếp tục mua giống về trồng cạnh số cam trước đó.
“Lấy dao đào trồng cam mới cạnh cam cũ nhưng một thời gian sau 2 cây xanh tốt, đồng đều trên cùng một mô. Vụ đầu tiên 5 công cam cho thu hoạch trái chiến gần 30 tấn đem về nguồn thu nhập 650 triệu đồng”, ông Tuấn nhớ lại.
Trước khoản lợi nhuận “khủng”, ông Tuấn thuê 5 công đất của người hàng xóm với giá 6 triệu đồng/công cũng tiếp tục trồng cam. Lần này, mỗi mô được ông trồng 2 cây cam và khoảng cách mô được rút ngắn xuống còn 1,2m. Tính ra, mỗi công đất được ông Tuấn trồng lên đến 500 cây, gấp đôi khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Không chỉ trồng dày, cam còn được ông Tuấn để trái khi mới hơn 1 năm tuổi. Ông Tuấn cho biết: “Cam trước khi để trái bấm đọt 5 lần (cách nhau từ 2 – 4 tháng/lần). Mỗi cây bình quân để từ 80 – 100 trái, tính ra mỗi công chi phí đầu tư cho đến khi thu hoạch từ 50 – 60 triệu đồng. Mức chi phí đó đòi hỏi mỗi công cho năng suất 7 tấn mới có lãi”.
Việc trồng cam với khoảng cách dày và để trái sớm dẫn đến tình trạng lạm dụng phân, thuốc. Ông Tuấn chia sẻ: “Chuẩn bị để trái là thuốc phun 1 tuần/lần, đến khi cho trái là 10 ngày/lần. Riêng phân 10 ngày rải một lần. Cam từ lúc làm bông đến thu hoạch trái vừa đúng 1 năm, nhà vườn cứ vô tư trồng bởi giờ có nhân viên công ty xuống tư vấn nào là thuốc ghẻ lở, ra rễ, bệnh…”. Tính ra mỗi vụ cam từ khi làm bông đến thu hoạch nông dân phun gần 40 lần thuốc, 36 lần bón phân.
Ông Nguyễn Minh Thuấn, Phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trà Ôn, cho biết: “Toàn huyện có 3.864 héc-ta cam sành, trong đó có khoảng 90% trồng dày. Việc trồng cây như thế chỉ khai thác chỉ 2 – 3 năm là đốn bỏ bởi cách làm này sử dụng nhiều phân, thuốc và chi phí rất lớn. Trước đây, mỗi ký cám giá 25 – 30 ngàn đồng/kg nay giảm chỉ còn 10 – 11 ngàn đồng do sản phẩm chưa có thương hiệu”.
TIÊM CHÍCH KHÁNG SINH ĐỂ TẬN THU
Việc trị bệnh bằng cách tiêm kháng sinh vào thân cây cam đã xuất hiện nhiều năm qua ở Châu Thành và TX.Ngã Bảy. Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã từng có văn bản nghiêm cấm người dân. Tuy nhiên để gỡ gạc lại vốn liếng sau mấy năm ròng rã đầu tư hàng trăm nhà vườn đua nhau làm “bác sĩ”.
Cây bị vắt kiệt sức người dân bơm kháng sinh để tận thu.
Từ chỉ dẫn, chúng tôi đến vườn cam xen xoài rộng 50 công ở ấp Đông Thạnh (xã Đông Phước, H.Châu Thành) thấy 3 người đàn ông đang lom khom khoan vào gốc cam một lỗ sâu khoảng 2cm, cách mặt đất khoảng 10cm. Sau đó họ dùng ống chích rút dung dịch trong xô rồi mắc vào vị trí đã khoan.
Anh Châu Thanh Đấu, bộc bạch: “Vùng này cam bị vàng lá quá trời nên tôi đi tìm hiểu rồi về áp dụng hòng lấy lại vốn đầu tư. Sau khi thử nghiệm mấy chục cây thấy nó xanh tốt nên thuê người chích thêm vì nếu không làm chắc có nước đốn bỏ”. Theo lời anh, tổng chi phí mỗi gốc cam bỏ ra là 6 ngàn đồng để mua 1 viên Tetracyclin pha với nước biển (nước truyền cho người), 1 ống tiêm.
Tương tự mới bơm thuốc cho khu vườn rộng 75 công với 15.000 cây, anh Phạm Hoàng Lộc (ngụ xã Phú Hữu) cho biết: “Tiêm là hình thức chữa bệnh tạm thời, còn để chữa bệnh lâu dài phải sử dụng nhiều loại thuốc khác. Một số loại thuốc sử dụng cho người nhưng không hiểu vì sao được một số người bơm dạo lại áp dụng lên cây ăn trái. Việc sử dụng kháng sinh vô tội vạ sẽ tạo nên tính kháng, mắc bệnh sẽ khó chữa. Cam trồng chủ yếu bán uống nước bởi dùng phân thuốc cho trái lớn, đẹp chứ không quan tâm đến chất lượng”.
Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long: “Toàn tỉnh có khoảng 8.200 héc-ta cam sành tập trung ở các huyện Tam Bình, Trà Ôn. Giống cây được người dân trồng không đạt yêu cầu bởi thay vì mua 18 - 20 ngàn/cây giống họ tự ghép chỉ vài ngàn đồng. Việc trồng dày và ép cây ra trái sớm chỉ còn cách xử lý bằng hóa chất, bón nhiều phân để kích thích, khiến đất nghèo dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường. Việc tiêm thuốc chỉ xanh tạm thời sau đó cũng hư, rất độc và nông sản dễ bị tẩy chay”. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang: “Việc tiêm kháng sinh vào cam sành bị cấm bởi rất là nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Hiện địa phương đang xây dựng mô hình theo dõi những khu vực tiêm chích và không tiêm chích. Ngoài ra để trồng được cam sạch và giữ vững loại đặc sản chủ lực, địa phương đã triển khai mô hình VietGAP và có thương hiệu với diện tích khoảng 700ha”. |
Còn tiếp...