Tuy nhiên, với việc làm gian dối đã phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và hủy hoại giá trị của các loài đặc sản đồng quê.
Một nhóm lột chuột khác ở bến sông gần chợ Kinh Cùng
Nở rộ nạn chích nước
Chuyển từ nghề làm lò đường sang nghề săn (soi) ếch, chuột, rắn... đã gần chục năm nay, ông Võ Văn Ch. (41 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thành, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết: “Nhà có một công đất nên chủ yếu sống về nghề đi soi. Giờ việc soi chuột phải đi những đồng xa, trước thì chỉ cần đôi ba chục ngàn đổ xăng là đủ giờ phải bỏ ra cả trăm ngàn đồng".
Mỗi ngày, hàng chục thợ săn ở xã Hòa Mỹ và Hòa An, thị trấn Kinh Cùng bơi xuồng đi soi chuột, ếch, rắn
"Mỗi đêm, trừ đi chi phí thì còn lại trên dưới 100.000 đồng. Giờ nghề này dễ kiếm cơm nên nhiều thanh niên trong xóm đua nào làm nghề. 5 giờ chiều, chúng tôi tập trung thành từng đội, mỗi đội 4 - 5 người chạy xuồng máy đi soi và đến khoảng 12 giờ khuya chạy về điểm hẹn lột chuột rồi đem lên chợ bán”, ông Ch. cho biết.
Cả chục xuồng đậu lại voi đối diện chợ Hòa Mỹ để lột, chích chuột, rắn, ếch, cóc
Theo lời ông Ch., thường một ký chuột lột và lấy ruột xong sẽ còn lại từ 700 – 800gram thịt, sau đó được chích nước vào sẽ tăng lên khoảng hơn 1kg.
Địa điểm lột chuột và chích nước là những chỗ trống, vắng nhà để tránh người dân phát hiện và đồn với nhau cũng như dễ nói chuyện. Việc chích chuột này nhằm đối phó với tình trạng cân già của thương lái.
Ngoài chuyện mất ký thì đối với các loài rắn có giá như: hổ mang, hổ hành… chỉ cần nhích ít trăm gram là thấy lỗ.
Nước chích vào chuột là nước sông, kênh chảy từ cống, đồng ruộng ra
Cụ thể nếu đạt rắn nhất và mất gram rớt xuống rắn nhì là mất đôi ba trăm ngàn.
“Chúng tôi đi soi là phải thức đêm, thức hôm mà mà bị ép giá, ăn gian số ký thì cũng buồn lắm. Giờ mỗi lần lên cân là mấy ông thương lái vắt kỹ dữ lắm. Rắn có trứng dù nhất vẫn bị dạt xuống còn rắn bét như rắn hổ lãi 140.000 đồng mà có trứng sẽ còn 40.000 đồng/kg”, ông Ch. cho biết thêm.
Mỗi ký chuột, ếch sẽ chích được 200 – 300gram nước sông
Rõ mồn một chuyện chích nước vào các loài vật, một thợ săn cũng ở xã Hòa Mỹ, chia sẻ: “Trước đây, chuyện chích nước vào chuột, ếch là ít lắm. Tuy nhiên, giờ đây 100% người đi làm nghề là đều làm. Dụng cụ để bơm nước vào các loài vật là ống chích (ống tiêm) dùng bên ngành y tế, loại có thể tích 20 cc.
"Tùy theo trọng lượng của chuột, ếch mà chích nhiều hay ít. Cụ thể, chuột lớn chích khoảng 1,5 – 2 ống (20cc), nhỏ khoảng 1 ống; ếch chích từ 0,5 – 1 ống/con. Bình quân 1 kg chuột, ếch, chích vào khoảng 200 – 250 gram nước sông”, thợ săn cho biết.
Việc chích các loài đặc sản đồng quê diễn ra hơn chục năm nay ở Phụng Hiệp
Được biết, hiện ếch loại nhỏ là 35.000 đồng/kg, ếch nhất là 60.000 – 75.000 đồng/kg; chuột cống là 20.000 đồng/kg, chuột cơm là 40.000 – 45.000 đồng/kg; rắn là từ 100.000 – 600.000 đồng/kg (tùy loại); rắn lục thì bán được 5.000 – 10.000 đồng/con, còn rắn lục đuôi đỏ thì 15.000 – 40.000 đồng/con nên không cần phải chích nước.
Hôm nào soi gần chợ và trúng mánh thì bán chuột vào ban đêm, còn hôm nào săn được ít thì để sáng bán nên thấy cảnh chích nước vào chuột không còn xa lạ gì.
Anh Nguyễn Văn S. ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, cho biết: “Không chỉ việc chích nước diễn ra ở gần chợ Hòa Mỹ mà gần chợ Kinh Cùng (thuộc thị trấn Kinh Cùng_PV) cũng có. Thông thường cứ 1 – 2 giờ khuya là một nhóm thợ săn trên dưới chục người (tùy lúc) sẽ họp nhóm trên sông gần chợ để lột và chích nước vào chuột, ếch, rắn rồi mang lên cân cho bạn hàng. Đối tượng chích nước thường hoạt động trong nơi khuất cây nên việc đi trên lộ khó mà phát hiện được”.
Chích xong các thợ săn mang lên chợ cân cho thương lái ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang…
Trước đây, chúng tôi từng phản ánh về vấn đề chích nước vào chuột, ếch, rắn… trên báo CATP, nhưng nhiều hộ dân cho rằng việc làm gian dối này những ngày cận Tết còn diễn ra nhộn nhịp hơn trước. Vì thế, 0 giờ 20 ngày 11 - 1, chúng tôi quyết định đến chợ chuột, ếch, rắn… cá đồng ở ấp Mỹ Phú (thuộc xã Hòa Mỹ) để ghi nhận về tình trạng nở rộ này.
Để tránh bị phát hiện, xe gắn máy được đậu gần trụ sở UBND xã Hòa Mỹ rồi chúng tôi đi bộ lại cầu La Bách để “phục kích”. Sau gần 1 giờ chờ đợi thì ghi nhận như sau: Chỉ trong vòng chưa đầy 20 phút mà có đến 10 xuồng tấp vào một cái voi đối diện với chợ để lột và chích chiến lợi phẩm săn được.
Sản lượng săn bắt ngày một ít đi, nhu cầu tăng cao nên thợ săn không sợ ế hàng
Theo quan sát, chuột được cánh thợ săn dùng kéo để cắt đầu, đuôi, chân rồi tiến hành lột da, lấy ruột hết rồi dùng ống tiêm rút nước sông Xẻo Môn bơm vào chuột và sau đó là ếch, cóc.
Riêng đối với rắn thì một người cầm một người tiêm, trong số đó có nhiều ống tiêm được chế thêm ống cao su để hút nước lên trực tiếp. Chưa đầy 1 giờ, toàn bộ sản phẩm đã được các thợ săn thực hiện xong, sau đó, họ bơi xuồng qua chợ để cân hàng cho thương lái.
Thương lái và người tiêu dùng nói gì?
Rút lui trước khi thợ săn qua cân hàng, chúng tôi tranh thủ hỏi một thương lái tên Chúc chuyên mua chuột, rắn, ếch, cóc (ngụ phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) và được tiết lộ: “Việc bơm nước vào các loài này cũng khó phân biệt, trừ những người trong nghề. Chuột thì được chích vào phổi, đùi, xương sống; ếch trích vào đùi, thân; rắn thì vào da. Đặc biệt là những loài như: Hổ đất, hổ hành. Mục đích của việc này là để tăng trọng lượng".
"Dù biết rõ nhưng khó mà vắt hết nước ra được (đối với chuột) còn rắn, ếch thì cứ thế mà mua. Rắn hổ hành bơm mỗi trăm gram là 30.000 đồng nên mỗi con họ thu lợi từ 45.000 – 50.000 đồng là dễ như chơi. Mùa nước ếch, rắn tôi thu mua khoảng 30 kg, còn thời điểm này khoảng 10 – 15 kg, chuột thì trên dưới 10kg. Việc chích nước vào các loài này diễn ra khoảng chục năm nay, thương lái chúng tôi ai cũng biết nhưng nói hoài mà họ cũng vậy, bởi đã thành thói quen”, thương lái Chúc cho hay.
Dù bạn hàng vắt kỹ nhưng lượng nước chích vào các loài vật vẫn không ra hết
Theo nhiều thương lái, dù biết sản phẩm của thợ săn toàn bộ đều bị chích nước nhưng vẫn phải mua, vì nếu từ chối hay chọn lựa sẽ không có hàng. Tuy nhiên, nếu thời điểm nào hàng về chợ nhiều thì giá thấp hơn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg do vận chuyển, bán hao hụt, còn khi hút hàng thì loại nào cũng đồng giá.
Địa điểm chích nước là nơi vắng vẻ, ngoài đồng hoặc tại nhà. Những loài vật bị chính sẽ phì ra, bóng hơn, màu sắc nhạt hơn, yếu hơn.
“Rắn, ếch không chích nước chúng tôi còn khoái, vì nếu bán không hết hôm sau bán tiếp. Giờ mà ép giá hay cân già mấy người này không dễ bán cho mình”, một thương lái tên Hiền cho biết.
Thợ săn nói việc chích nước để đối phó với việc cân già nhưng sự thật không phải vậy
Theo quan sát, khi cân hàng cho thương lái, nhóm thợ săn có mang theo cân để tránh tình trạng người mua sử dụng cân già.
Thế nhưng việc làm gian dối của họ vẫn diễn ra trong khi kim tiêm chích vào các loài vật được dùng từ ngày này qua tháng nọ, chích gà, chích vịt, nguồn nước sông ô nhiễm từ cống chợ đổ ra… làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.
Các loài vật chích nước sẽ có màu nhạt hơn, phình to, bóng, yếu hơn
Bà Võ Thị Hạnh (60 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thành) có nhà ngay chân cầu La Bách cho biết: “Hàng đêm thì có nghe tiếng xôn xao nói chuyện sau nhà nhưng không có mở cửa ra nên không thấy việc chích nước vào chuột, ếch, rắn. Trước giờ chưa nghe việc bơm nước vào các loài này nhưng nếu có thì sẽ không rớ đến, bởi nước sông này giờ dơ lắm. Mong sao các ngành chức năng tuyên truyền nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và sức khỏe người tiêu dùng chúng tôi”.