Sự dịch chuyển sản xuất trong chuỗi giá trị toàn cầu:

Cơ hội nào cho nông sản Việt?

Thứ Ba, 26/01/2016 13:51

|

(CAO) Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế thị trường đã lan tỏa rộng khắp thế giới các tập đoàn lớn trên thế giới với chiến lược thâm nhập thị trường đang dịch chuyển sản xuất một cách mạnh mẽ để tận dụng một số ưu đãi về thuế, giá nhân công, lao động và được hưởng các hoạt động tạm nhập tái xuất, gia công chế biến... tại các nước thứ ba.

Họ cũng có nhiều sự lựa chọn hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình qua chuỗi cung ứng toàn cầu mà họ xây dựng ở khắp các nơi trên thế giới mở ra cơ hội cho nhiều sản phẩm của các quốc gia tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị của sản phẩm. Trong khi đó, thực tế cho thấy nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đang thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.

Những sản phẩm mang chuỗi giá trị toàn cầu

Xu thế dịch chuyển sản xuất hiện đang là xu hướng tất yếu đối với nền kinh tế thế giới. Việt Nam – một đất nước có nền chính trị ổn định, ANTT được giữ vững đang là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Sự đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam không chỉ tạo ra cơ hội cho Việt Nam được chuyển giao kỹ năng làm việc, công nghệ, tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm mà còn là điểm cộng để thu hút thêm nhiều nguồn lực từ bên ngoài vào VN, từng bước giúp VN trở thành một trung tâm sản xuất công nghiệp mới của thế giới.

Tuy nhiên, làm thế nào để không chỉ đóng góp giá trị từ sức lao động mà còn đưa thêm các giá trị khác tham gia vào chuỗi giá trị của sản phẩm mang tính toàn cầu đó là một bài toán không dễ trong thời buổi kinh tế thị trường. Thông thường các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư tại các quốc gia thường chú trọng tìm kiếm các nguồn nguyên liệu, vật liệu tại nước sở tại để tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, đi liền với sản phẩm là tên tuổi và uy tín, trách nhiệm của họ, nên họ có những tiêu chí rất khắt khe trong việc chọn lựa nhà cung ứng, đơn vị gia công để đảm bảo mọi sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Điều đó dẫn tới trường hợp khá phổ biến là trong một sản phẩm trên thị trường, có thể sẽ có nhiều nhà cung cấp từ khâu cung ứng nguyên liệu đến bao bì… đến từ nhiều quốc gia miễn sao nguồn cung ứng thỏa mãn tất cả các yêu cầu khắt khe của nhà sản xuất. Do đó, sản phẩm được tạo ra từ một chuỗi giá trị được đóng góp từ các giá trị khác nhau ở khắp nơi trên thế giới. Đơn cử như sản phẩm trà Ô Long Tea + Plus của Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB) được Tập đoàn Suntory Nhật Bản ủy quyền cho phép sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu và tiêu chuẩn của Suntory Nhật Bản tại thị trường Việt Nam, trong đó có trà Ô Long Tea+ Plus. Để sản xuất loại sản phẩm trên, Suntory Nhật Bản và Suntory PepsiCo Việt Nam đều sử dụng nguồn nguyên liệu từ các nhà cung cấp ở các nước khác nhau trong đó có Trung Quốc.

Nguyên liệu được lựa chọn theo tiêu chuẩn của Suntory Nhật Bản để đảm bảo chất lượng của các nguồn nguyên liệu nhập khẩu và đáp ứng được tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng của Tập đoàn Suntory Nhật Bản cũng như yêu cầu an toàn thực phẩm của chính phủ Việt Nam. Đây cũng là những đối tác lâu năm, đạt các tiêu chuẩn về nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như quy trình sản xuất tại nhà máy, được lựa chọn cung cấp nguyên liệu cho tất cả các sản phẩm Trà Oolong của Suntory ở tất cả các thị trường bao gồm cả Nhật Bản..

Câu chuyện “lựa - chọn” trong kinh tế thị trường

Trường hợp của Suntory PepsiCo Việt Namphải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất trà từ Trung Quốc đã đặt ra một câu hỏi rất lớn đối với nền nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp dược liệu của Việt Nam. Kết quả điều tra của Viện Dược liệu gần đây cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng bốn nghìn loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài dược liệu quý được thế giới công nhận như: sâm Ngọc Linh, quế, hồi, các loài tảo, nấm, rêu... có công dụng làm thuốc với nhiều loài có trữ lượng lớn, có khả năng sản xuất trên diện rộng. Tuy nhiên, mặc dù có tiềm năng lớn nhưng thực tế ngành nông nghiệp dựoc liệu trong nước hiện mới chỉ cung cấp được khoảng 15.600 tấn/năm, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của khoảng 300 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu với nhu cầu tiêu thu hằng năm hơn 50 nghìn tấn dược liệu. 70% nguồn dược liệu để thỏa mãn nhu cầu sản xuất phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đến từ Singapore, Trung Quốc.

Bên cạnh bức tranh hơi ảm đạm về cây dược liệu, bức tranh về sản phẩm nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng khá ảm đạm. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 230 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong đó, có 61 doanh nghiệp (chiếm 25,7%) có vốn đầu tư nước ngoài, 138 doanh nghiệp trong nước với đa phần có công suất nhỏ, chỉ dưới 50.000 tấn/năm. Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam có doanh số hàng năm lên tới 6 tỷ USD và nhu cầu luôn đạt mức tăng 13 - 15%/năm, dự kiến đến năm 2020, thị trường cần 25 - 26 triệu tấn thức ăn chăn nuôi. Lẽ ra, với vị trí là nước có tổng đàn heo đứng thứ 4 thế giới và sắp soán ngôi thứ 3 thế giới. Lẽ ra, người chăn nuôi của VN phải khá và giàu nhưng thực tế thu nhập của họ vẫn chỉ đủ lấy thu bù chi bởi giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam hiện cao hơn khoảng 20% so với nhiều nước trong khu vực ASEAN. Điều đó đã biến người chăn nuôi của Việt Nam thành chăn nuôi thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong doanh số 6 tỷ USD, có tới 1/3 giá trị phải chi ngược cho nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp như: bắp, bã đậu nành, bánh dầu và vài phụ liệu khác... trong khi nước ta là nước vốn có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp.

Điều này, không chỉ là nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi của ta tăng, mà còn góp phân bóp chết dần nên nông nghiệp trong nước. Nguyên nhân sâu xa là chúng ta không có nền nông nghiệp sản xuất theo quy mô công nghiệp nên giá nông sản cao hơn so với nông sản nhập ngoại. Điều đó đã khiến các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đang dần quay lưng với nguồn nguyên liệu trong nước. Đó là hệ quả tất yếu bởi trong kinh doanh nhà sản xuất sẽ lựa chọn điều gì mang lại giá trị kinh tế nhất cho mình. Từ sự lựa chọn đó của nhà sản xuất, giá thức ăn chăn nuôi phải cõng theo bao nhiêu là loại thuế, phí, tạo ra hệ lụy là các sản phẩm chăn nuôi của ta như thịt gà, thịt bò đã không thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Úc…

Tham gia vào chuỗi giá trị thế giới đang ngày càng được chuyên môn hóa cao là một xu hướng tất yếu trong kinh tế thị trường nhưng làm thế nào để tham gia sâu rộng trong quá trình tạo ra chuỗi giá trị của sản phẩm là điều không dễ. Có lẽ, đã đến lúc nền nông nghiệp của Việt Nam cần một hướng đi chuyên môn hóa sâu hơn để người nông dân Việt có thể không đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu hóa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang