Đêm Sài Gòn, những mảng đời sáng - tối

Thứ Ba, 04/09/2018 10:39

|

(CAO) Giữa nhịp sống xô bồ, có những phận người hằng đêm mơ một mái ấm để về mà chưa bao giờ thấy; nhưng cũng có những chàng trai, cô gái “bất cần mái ấm”.

Đôi khi, hạnh phúc bị lãng quên của người này lại là giấc mộng quá đỗi xa vời của kẻ khác. Có một đêm thức trắng đi dạo trên các cung đường ở TPHCM, mới thấy được những “gam màu” đối nghịch nhau như thế.

Giấc mơ không có thật

0 giờ ngày 30-8, màn đêm buông dài trên những tuyến phố. Khi ai nấy đã yên giấc thì tại góc đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), vẫn còn một bà lão đang lúi cúi nhặt nhạnh thứ gì đó. Mắt bà thâm quần, tóc rối bù, cử chỉ rề rà, mệt mỏi. “Bà đang làm gì vậy?” – chúng tôi hỏi. Bà lão thều thào: “Tôi lượm ve chai”.

Vậy là sẽ có một người không ngủ để lang thang kiếm sống. Nhưng trước mặt chúng tôi là một bà cụ năm nay đã 70 tuổi, với hàng chục căn bệnh tuổi già đang oằn mình gánh lấy. Bà tên là Nguyễn Thị Bảy, quê Tây Ninh và đã hành nghề nhặt ve chai ở khu vực này mấy chục năm nay.

Bà Bảy lúi cúi nhặt nhạnh, kiếm ăn trong màn sương đêm - Ảnh chụp trên đường Võ Văn Ngân, Q.Thủ Đức

Những câu chuyện bà Bảy kể chẳng có một khởi nguồn nào, chỉ biết rằng ngày xưa bà là một cô giáo ở miền quê. Cuộc đời xui rủi, bà theo chồng lên Sài Gòn xây gia đình nhỏ. Rồi sau một biến cố, chồng mất, bà “lang bạt bỳ hồ”, mất luôn mái ấm nhỏ tự lúc nào chẳng hay.

Nhưng ánh mắt bà Bảy vẫn le lói sáng khi nhắc về đứa con gái út. Chị cũng là một giáo viên và đã xuất giá theo chồng. Bà Bảy nói: “Nó thương tôi lắm. Kêu tôi về ở hoài ấy chứ. Nhà nó ngay ngã tư Bình Thái, Q9 chứ đâu”. “Thế sao bà không về?”.

Nghe vậy, bà Bảy ngoảnh mặt đi nơi khác. “Có con rể giờ sao? Nhiều khi tụi nó mâu thuẫn, gây lộn thật chứ chẳng phải vì mình. Nhưng mình nghe, tủi thân lắm. Thôi thì ra ngoài kiếm phòng trọ ở, tự nuôi thân” – nói xong, bà Bảy mím chặt môi.

Bà Bảy chọn cảnh "lang bạt kỳ hồ" vì không muốn trở thành ghánh nặng của con cái.

Chuyện của bà Bảy có lẽ là một ví dụ điển hình cho hàng ngàn hoàn cảnh khác đang tha phương kiếm sống ở TPHCM. Người cảnh này, kẻ cảnh khác nhưng tựu trung lại vẫn là thiếu thốn một tình thương. Ông Đặng Văn Quá (72 tuổi), là một “cư dân vỉa hè” chánh hiệu ở tuyến đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức.

Chuyện ông Quá thì buồn hiu hắt! 33 năm trước, cũng trong một đêm khuya khoắt, vợ ông nói lời giã biệt sau cơn bạo bệnh. Bi kịch chưa dừng lại khi căn nhà duy nhất của ông cũng bị chủ nợ siết do vay tiền chữa chạy cho vợ không trả nổi. Kiếp không nhà của người đàn ông tội nghiệp bắt đầu từ đây.

“Một ngày tôi lượm ve chai được mười mấy nghìn bạc. Có khi không đủ tiền ăn thì người này, người kia thương tình cho một ít” – ông Quá cười xề xoà. “Vậy lỡ ngày nào không có người cho thì sao?”. “Thì nhịn đói” – ông Quá đáp.

Ông Quá mủi lòng tâm sự với phóng viên Báo CATP về cảnh đời bất hạnh của mình - Ảnh chụp trên đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức

Cuộc sống không nhà chẳng dễ dàng gì. Hành trang duy nhất mà người đàn ông này mang theo là 1 chiếc gối, 2 cái màn và 1 chiếc chiếu. Mùa nắng còn đỡ, chứ gặp mùa mưa, chẳng đêm nào ông được an giấc. “Những đêm mưa lớn, cứ hết hành lang nhà này, tôi chạy sang hành lang nhà khác. Chỗ nào bị nước tạt thì không thể ngủ được” – ông Quá thuật lại, nét mặt trầm ngâm.

Hệ quả của việc “ăn sương nằm gió” đã để lại di chứng nặng nề: Ông Quá bị tai biến, dù may mắn qua khỏi nhưng đến nay vẫn không thể nói chuyện lưu loát như người thường. Trong cảnh bĩ cực ấy, hình ảnh về một mái ấm lại hiện lên mãnh liệt hơn bao giờ hết nhưng rồi qua cơn mơ, tất cả lại trở về thực tại. “Ai mà không muốn có một mái ấm.

Nhưng số phận tôi định vậy. Con bất hiếu nên mình phải sống cảnh lang thang để khỏi thấy cảnh đau lòng. Có đêm mơ thấy gia định sum họp. Nhưng…” – ông Quá ứa nước mắt, giọng chững lại khi nói về ước mơ mà ông biết rằng nó khó trở thành hiện thực.

Vũ điệu “by night”

Giữa nhịp sống xô bồ, có những phận người hằng đêm mơ một mái ấm để về mà chưa bao giờ thấy; nhưng cũng có những chàng trai, cô gái “bất cần mái ấm”. Đôi khi, hạnh phúc bị lãng quên của người này lại là giấc mộng quá đỗi xa vời của kẻ khác. Có một đêm thức trắng đi dạo trên các cung đường ở TPHCM, mới thấy được những “gam màu” đối nghịch nhau như thế.

Cú đêm” là tiếng lóng mà dân Sài Gòn nói về những người thích sống về đêm. Họ có mặt ở khắp các quán xá hoặc bất kỳ khu vực nào đó, nơi mà phố phường và màn đêm trở thành ngôi nhà thứ 2 của họ. Phố lên đèn, chúng tôi tìm tới quán Beer Club W…nằm trên đường Bác Ái, Q.Thủ Đức. Nơi đây được các “cú đêm” vùng ven đánh giá là một “thiên đường ăn chơi” vì từ rượu ngon đến gái đẹp... tất cả đều có đủ.

Các chàng trai, cô gái vô tư hít “bóng cười” trong cuộc thác loạn ở một vũ trường trên địa bàn Q.Thủ Đức, TPHCM

Những bản nhạc remix với âm thanh chát chúa, đó là thứ có thể cảm nhận ngay lập tức, dù khách chưa bước vào cổng quán. Chúng tôi được một nhân viên xếp vào một bàn Vip.

Xung quanh, nhiều nam thanh nữ tú với phong cách ăn mặc sành điệu, sexy đang reo hò, nhún nhảy điên cuồng theo những bản nhạc thời thượng. Họ, đang quên đi tất cả phiền muộn của ngày thường để hoà vào vũ điệu đêm nay: “By night”

Hai tiếng sau, kim đồng hồ đã điểm qua ngày mới, nhưng dường như nhóm khách này vẫn chưa muốn dừng lại. Ngồi kế bàn chúng tôi là một nhóm khách khoảng hơn 20 thanh niên trẻ, người ai cũng chi chít hình xăm và đang lặc lè trong men say.

Những chàng trai, cô gái “bất cần mái ấm”.

Họ liên tục yêu cầu quản lý bật những bản nhạc dồn dập hơn nữa. Chưa hết, một thanh niên trong số đó ngoắc tay gọi phục phụ đến, nói thầm thì gì đó. Chỉ 2 phút sau, nam phục vụ quay trở ra, tay mang theo chùm “bóng cười” và vài bịch nylon có chứa bên trong… loại bột màu trắng!

Các chàng trai, cô gái hấp tấp cầm lấy, rồi chia nhau hít lấy hít để. Đến khi không còn làm chủ được bản thân, người cười, kẻ khóc một cách vô thức trong tiếng nhạc xập xình.

Cánh cửa bình minh

Chính từ những “đêm hoang” không giữ mình như thế mà chiều hướng phạm tội của giới trẻ ngày một tăng. Một vụ án xảy ra vào khoảng giữa năm 2015 - đầu 2016 đã làm rúng động dư luận thành phố. Đó là băng cướp với thủ đoạn tàn độc, hoạt động trên nhiều địa bàn giáp ranh như: Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn đã liên tục gây án trong một thời gian dài. Nhưng ít ai biết được, những tên hung thủ này lại chưa đủ tuổi vị thành niên.

Hồ sơ vụ án thể hiện, đêm 30-7-2015, băng cướp thuê ông Sĩ (60 tuổi) chở từ công viên Phú Lâm về quận Bình Tân. Khi tới đoạn đường vắng trên Quốc lộ 1A, chúng dùng dao tấn công ông Sĩ để cướp xe. Nạn nhân may mắn chạy thoát, trình báo công an.

Hai đối tượng Nguyễn Văn Cường (phải) và Lê Hoàng Anh Vũ

Tiếp tục vào rạng sáng 11-1-2016, chúng thuê ông Cuộc (45 tuổi - hành nghề xe ôm tại khu vực công viên Phú Lâm) chở đi Bình Chánh với giá 100.000 đồng. Cường yêu cầu xe ôm chở đến đường nội bộ bờ kênh xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh.

Đến nơi, một tên rút dao đâm nhiều nhát vào hông, lưng ông Cuộc. Nạn nhân bỏ chạy tri hô thì bị tên cướp nhí đuổi theo tiếp tục đâm nhiều nhát, gục tại chỗ. Sáng cùng ngày, người dân phát hiện người đàn ông chết trên đường nên trình báo công an. 

Hơn 2 tháng sau, với nhiều nỗ lực điều tra, Đội CSHS Công an Q.Bình Tân mới bắt giữ 2 đối tượng tình nghi là Lê Hoàng Anh Vũ (quê Thừa Thiên Huế) và Nguyễn Văn Cường (quê Bến Tre). Cả 2 lúc này đều chưa đầy 18 tuổi (!).

Khi chúng tôi nắm thông tin về vụ án trên, trung tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng Công an Q.Thủ Đức (thời điểm đó là Đội trưởng Đội CSHS Công an Q.Bình Tân), đã không khỏi ngậm ngùi cho hoàn cảnh và tương lai của 2 phạm nhân. Anh kể rằng Cường và Vũ là những đối tượng sống lang bạt, bụi đời và rất lì lợm. Hằng đêm, do không có nhà cửa, chúng hay tìm đến công viên Phú Lâm để ngủ bụi.

Bản án pháp luật đầy nghiêm minh dành cho 2 đối tượng 

Đến khi bị cơ quan công an bắt giữ, chúng vẫn rất ngoan cố và nếu không nắm bắt được gia cảnh cũng như tâm lý để cảm hoá thì đối tượng sẽ không bao giờ hợp tác, khai báo thành khẩn. “Cường là đối tượng có hoàn cảnh đáng thương nhất.

Em bỏ nhà lên Sài Gòn, cắt mọi liên lạc với gia đình vì bị cha mẹ hắt hủi, thường xuyên đánh đập, không thể hiện sự thương yêu. Khi được tôi hỏi: “Có bao giờ em nghĩ rằng ba mẹ mình cũng đang đi tìm mình khắp nơi mà chưa được không?". Cường ấm ức một hồi rồi… khóc ngon lành! Em thừa nhận rằng mình thực hiện cướp với thủ đoạn tàn bạo chỉ vì muốn… trả thù đời! Nghe câu đó, ai cũng sững sờ” – Trung tá Đạt nói.

Kết quả cho hành vi phạm tội thiếu suy nghĩ Cường và Vũ là bản án 18 năm tù (mức án cao nhất đối với người chưa thành niên) cho mỗi tên. Nước mắt, thêm một lần nữa rơi trong phòng xử án. Nhưng liệu rằng nó có “chữa” được một tương lai đã bị hằn lên “vết sẹo” của những phạm nhân trẻ? Cánh cửa nào sẽ mở ra sau chốn ngục tù để các phạm nhân trẻ chuộc lấy lỗi lầm, làm lại cuộc đời mới?

Cũng một đêm không ngủ, rảo xe đi dọc các tuyến đường, chúng tôi đã bắt gặp 2 anh em Tí và Bé đang bán vé số tại một vòng xoay trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Bình Thạnh.

Hai anh em Tí và Bé vẫn đang mưu sinh trên đường dù lúc này trời đã về khuya - Ảnh chụp trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Bình Thạnh

Lúc ấy đã hơn 23 giờ và ngày mai sẽ là ngày các em tựu trường cho năm học mới. “Con ráng bán hết đêm nay. Cô chú nào thương mua thêm vài tờ để mai con phụ mẹ đóng học phí” – nghe câu nói đó của các em, rồi ngẫm lại những cuộc ăn chơi trác táng trong quán bar của nhóm bạn trẻ, chúng tôi bỗng thấy chạnh lòng (!).

Khi phóng sự này đang lên khuôn, Sài Gòn đổ cơn mưa tầm tã. Chúng tôi chợt nghĩ về thân phận của bà những Bảy, ông Quá và anh em Tí, Bé. Rồi đêm nay, họ sẽ tá túc nơi đâu nếu trời mưa không dứt? Chắc chắn rằng tất cả sẽ ngược xuôi chạy nấp cơn mưa đêm.

Hành trình mưu sinh phía trước của hai anh em Tí và Bé là chuỗi ngày dài cực nhọc

Và đó chính là những bước chân chạy theo số phận bất hạnh mà họ vốn dĩ đã được cuộc sống lập trình. Cầu mong cho mưa mau tạnh, để những người như ông Quá quay về giấc mơ hạnh phúc.

Nơi đó, ông sẽ ngồi chung mâm cơm sum họp với người con trai theo lời ông kể, đã từng ngược đãi chính bố ruột mình. Anh tên Dương – cái tên mà ông từng gieo niềm hy vọng về một ánh Mặt trời sáng rạng lúc bình minh. Giấc mơ ấy liệu có quá xa vời?

Bình luận (0)

Lên đầu trang