Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là nguồn con giống kém chất lượng, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và chưa hình thành được chuỗi liên kết.
Ồ ẠT ƯƠNG CÁ GIỐNG TRÊN ĐẤT LÚA
Do giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh, nhu cầu giống thả nuôi lớn nên hàng trăm hộ dân ở tỉnh Long An đã tự phát chuyển đổi từ đất lúa sang ương cá tra. Tính đến ngày 30-7-2018, tổng diện tích ương cá tra giống của tỉnh này là hơn 1.311 héc-ta, tăng khoảng 800 héc-ta so với cùng kỳ năm 2017.
Nhiều cánh đồng lúa bị băm nát vì nông dân đào ao nuôi cá giống.
Số lượng ao nuôi tập trung chủ yếu ở huyện Tân Hưng (hơn 1.000 héc-ta), Tân Thạnh (170 héc-ta) và Vĩnh Hưng 86,5 héc-ta. Năng suất cá giống trung bình đạt 10 tấn/héc-ta/vụ, tỉ lệ sống đạt từ 3 – 5%.Việc tăng diện tích đã làm hạ nhiệt giá cá tra giống nhưng cũng gây ra tình trạng dư thừa. Thực tế cho thấy, người dân chuyển sang ương giống trong khi chưa am hiểu kỹ thuật, kiểm soát chất lượng nước dẫn đến 80% diện tích bị nhiễm bệnh.
Tình trạng nông dân ồ ạt đào ao nuôi cá tra giống không chỉ diễn tại tỉnh Long An mà còn xảy ra ở Đồng Tháp. Việc nông dân rầm rộ đào ao không chỉ băm nát vùng lúa mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá, đầu ra bởi từng xảy ra hệ lụy cung vượt cầu, nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần vì làm tự phát.
Tại địa phương này, các huyện, thị xã có diện tích bỏ lúa nuôi cá nhiều nhất là Tân Hồng và Hồng Ngự. Đứng đầu kênh Tân Thành – Lò Gạch (thuộc xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự) nhìn vào một khu vực rộng hàng chục héc-ta đã được các máy kobe đào xới thành hầm.
Bà Võ Thị Mè (61 tuổi, ngụ ấp Bình Chánh, xã Bình Thạnh) cho biết: “Tình trạng đào ao nuôi cá ở tuyến kênh Tân Thành – Lò Gạch diễn ra rầm rộ mấy tháng nay. Việc này khiến gia đình tôi không khỏi lo lắng bởi sau này nước thải được xả trực tiếp ra kênh, trong khi dựa vào đó để sinh hoạt hàng ngày. Việc đào ao diễn ra hàng cây số từ đầu kênh đến cuối kênh chứ không riêng gì đoạn này”.
Nông dân cho biết nghề nuôi cá tra rất nhiều rủi ro.
Theo nhiều hộ nuôi cá tra giống tại tuyến kênh này cho biết, mỗi héc-ta tiền công đào ao, lắp đặt hệ thống xử lý nước khoảng 100 triệu đồng. Thời gian từ thả nuôi đến thu hoạch gần 3 tháng. Cá bột thả xuống nuôi cho đến khi thành con giống (ký từ 30 - 40 con) sẽ có người đến tận ao thu mua với giá từ 45 – 60 ngàn đồng/kg. Việc nuôi cá tra giống đang trở thành phong trào tự phát nhưng nông dân rất mù mờ về kỹ thuật.
Ông Phan Văn Đol (ngụ ấp Rọc Muống, xã Tân Công Chí, H.Tân Hồng) có ao nuôi rộng hơn 2.500 m2 cho biết: “Đợt vừa rồi thả xuống nuôi chừng nửa tháng không biết bị bệnh gì mà chết hết. Nuôi cá còn hơn đánh bạc bởi cái đó mở ra biết liền, còn này nằm ở dưới nước rất khó phát hiện. Nuôi cá không ít người lâm nợ, bán nhà”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường từng thông tin: “Điều đáng lo ngại là diện tích ương giống gần bằng diện tích nuôi thương phẩm. Không thể chấp nhận chuyện ương 10 con chết hết 9 con. Việc thấy giá cá giống 70 – 80 ngàn đồng/kg mà mở rộng diện tích cả 1.000 héc-ta thì chết”.
NHIỀU LÔ CÁ TRA DÍNH CHẤT CẤM
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản Bộ NN&PTNT cho biết, các tháng đầu năm 2018, ngành hàng cá tra tiếp tục dối mặt với một số khó khăn từ rào cản của thị trường nhập khẩu.
Tại Hoa Kỳ, Bộ Thương mại nước này đã công bố 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm hưởng mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục từ 3,87 – 7,74 USD/kg. Ngoài ra, xuất khẩu cá tra và thị trường EU tiếp tục giảm sút. Song song đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối phó với thực trạng người dân lạm dụng, tùy tiện sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản dẫn đến tồn dư, bị trả về gây thiệt hại kinh tế cũng như uy tín của sản phẩm.
Nhiều lô hàng cá tra Việt Nam bị cảnh báo vì dính chất cấm. Ông Ngô Hồng Phong - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho biết: “Từ khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ bắt đầu kiểm tra các lô hàng cá da trơn nhập khẩu theo lộ trình quy định thì Việt Nam đã có 15 lô hàng cá da trơn bị cảnh báo không đáp ứng các quy định. Các chỉ tiêu cảnh báo chủ yếu là SEM, Malachite Green/Leuco Malachite Green, Gential Violet, cá biệt có lô hàng bị cảnh báo thuốc BVTV.
Đáng lưu ý từ tháng 9-2017 đến nay, đơn vị này đã cảnh báo 3 lô hàng cá tra đông lạnh của Việt Nam vi phạm về dư lượng hóa chất, trong đó 2 lô bị cảnh báo thuốc nhuộm (Crystal Violet, Leuco Malachite Green) và 1 lô bị cảnh báo dư lượng thuốc BVTV Fipronil. Ngoài ra còn phát hiện có Malachite green và các dẫn xuất trong các chế phẩm được lưu thông dưới dạng chế phẩm như: zeolite, enzym… dùng để xử lý môi trường, vệ sinh ao nuôi cá tra”.
Theo lời ông Phong, việc tiếp tục có lô hàng bị cảnh báo vào thời điểm này có thể gây bất lợi cho sản phẩm Việt Nam. Ngoài nhiều lô hàng bị “tuýt còi” việc cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường biên nậu đã khiến cơ quan chức năng không khỏi lo lắng.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: “Tháng 6-2018, từ số liệu Hải quan Việt Nam cho thấy có 15 cá nhân đứng tên xuất khẩu hơn 7.000 tấn cá tra sang Trung Quốc trong số 10.000 tấn cá tra xuất khẩu bằng đường bộ. Ngoài ra 12 doanh nghệp có nhà máy chế biến chỉ xuất khẩu hơn 3.000 tấn cá tra sang Trung Quốc bằng đường bộ”.
Ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành cá tra Việt Nam đang bị cạnh tranh rất lớn do một số nước đã đẩy mạnh phát triển loại thủy sản này. Cụ thể theo ông Cẩn, hiện sản lượng nuôi tại Ấn Độ đã 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn. Năm 2013 đến nay, cá tra xuất khẩu vào Mỹ, Eu liên tục giảm. Hiện Trung Quốc đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn ở Hải Nam với hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, mật độ thưa và giá thành thấp.
“Hiện nay cá sinh trưởng kém vì sử dụng giống không rõ nguồn gốc, ép đẻ non. Ngoài ra, nông dân còn nuôi quá dày dẫn đến dịch bệnh phải lạm dụng việc sử dụng thuốc kháng sinh”, ông Cẩn chỉ rõ.
Theo đại diện Hiệp hội VASEP, trong 2 năm gần đây việc kiểm soát kháng sinh, chất cấm tốt. Tuy nhiên do kiểm soát chặt dẫn đến việc một số chế phẩm xử lý môi trường gây nên bất cập. Cụ thể chế phẩm sinh học nhà sản xuất cố tình đưa vô một số chất cấm như Malachite green...
Còn Cục chế Biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng, một số doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt đã lạm dụng phụ gia để tăng trọng; tỷ lệ mạ băng sản phẩm quá cao để gian lận thương mại, làm giảm chất lượng và uy tính của sản phẩm cá tra Việt nam trên thị trường quốc tế.
Nhiều người làm giàu và đổ nợ vì cá tra phải cầu cứu cơ quan chức năng.
LỐI ĐI CHO NGÀNH HÀNG CÁ TRA
Tại buổi sơ kết tình hình cá tra 6 tháng đầu năm 2018, Bộ NN&PTNT đã chủ trì buổi ký đề án giống cá tra 3 cấp: Đơn vị cấp 1 (viện nghiên cứu/trường đại học, các doanh nghiệp) có nghiên cứu, chọn tạo cung cấp đàn cá tra bố mẹ chất lượng cho đơn vị cấp 2. Đơn vị cấp 2 (trung tâm giống, trại giống…) có nhiệm vụ nuôi cá tra bố mẹ và cho sinh sản ra cá bột. Đơn vị cấp 3 (trung tâm giống, hợp tác xã, nông hộ…) tiến hành ương dưỡng cá tra bột lên thành giống.
Ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng: “Việc nuôi cá tra hiện nay thường xuyên rơi vào vòng luẩn quẩn bởi giá bán cá tra, thị trường tiêu thụ, hiệu quả kinh tế người nuôi chưa ổn định và bền vững.
Đáng chú ý là chất lượng con giống ngày càng suy giảm, nguyên nhân là do đàn bố mẹ có nguồn gốc không rõ ràng, khai thác sinh sản quá mức. Do vậy việc triển khai đề án giống cá tra 3 cấp là hướng đi mới”.
Để nâng cao ngành hàng cá tra, nhiều đơn vị tham gia ký kết đề án giống cá tra 3 cấp.
Tại cù lao Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hòa, TX.Tân Châu, An Giang) UBND tỉnh này cấp 100ha đất để triển khai dự án nuôi cá tra giống theo hướng công nghệ cao. Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Việt – Úc cho biết: “Chúng tôi trăn trở với ngành cá tra giống nhiều năm nay khi giá cá có lúc lên 3 – 4 ngàn đồng/con, lúc xuống 700 – 800 đồng/con.
Việc thả nuôi con giống ngoài trời khiến số lượng hao hụt lớn, khi vận chuyển bằng xuồng đục lại dễ lây nhiễm bệnh từ nguồn nước sông. Hiện tập đoàn đang triển khai nuôi trong nhà, vừa giúp giảm tối đa tỷ lệ hao hụt, vừa chủ động thời tiết và mang lại kết quả bền vững”.
Theo lời ông Văn, trong sản xuất giống cá tra, muốn ổn định lâu dài Nhà nước phải làm đầu mối để các doanh nghiệp liên kết lại.
Ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho rằng, con giống là khâu quan trọng trong phát triển cá tra. Giống sạch bệnh sẽ mang lại hiệu quả cao, nâng cao chất lượng và thương hiệu. Đây là mong muốn chung của người làm giống, người nuôi cá thương phẩm và cơ quan quản lý nhà nước. Đồng Tháp có nhiều cơ sở làm giống cá tra, mỗi năm sản xuất khoảng 1,5 tỷ con giống.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: “Việc xây dựng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao, tạo thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi. Qua đó góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Mục tiêu đến năm 2020, các chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL (nhu cầu từ 2,2 - 2,5 tỷ cá tra giống) và đến năm 2025 đáp ứng được 100%”. Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản: “Năm 2017, tổng diện tích nuôi cá tra là 6.078ha, sản lượng trên 1,2 triệu tấn. Hiện cả nước có trên 150 cơ sở chế biến cá tra xuất khẩu, quy mô công nghiệp với tổng công suất chế biến ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm. Tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 917,5 triệu USD (tăng 21%). Dự báo giá trị xuất khẩu cả năm 2018 đạt từ 2,1 – 2,2 tỷ USD”. |