Thấy gì bên trong những viện dưỡng lão ở Sài Gòn?

Kỳ 3: Khi “cánh nhạn”… bay về

Thứ Năm, 18/10/2018 11:48

|

(CAO) Đêm không trăng. Phía chân trời xa, có tiếng nhạn nỉ non bay về tổ muộn. Nghệ sỹ Diệu Hiền ngồi ở một góc sân trong viện dưỡng lão, cũng đang dõi mắt về hướng ấy.

Bà không thôi nhớ lại quá khứ vàng son đầy cống hiến của mình. Thực tế, các nghệ sỹ già ở viện dưỡng lão này vẫn hằng ngày sống có ích, họ đều đặn ngân vang tiếng hát, lời ca ngọt ngào cho cuộc sống. Và bên ngoài xã hội, cũng còn biết bao người già khác đang góp sức tô thắm cho đời.

Bản vọng cổ vượt thời gian

Viện dưỡng lão nghệ sĩ (Q8, TPHCM) nằm nép mình giữa phố thị ồn ã. Nơi đây là địa chỉ nuôi dưỡng hơn 20 nghệ sĩ, trong đó có nhiều gương mặt vang bóng một thời trên các sân khấu kịch nói, cải lương miền Nam, như: Diệu Hiền, Ngọc Đáng, cố nghệ sỹ Ngọc Hương, Thiên Kim...

Năm nay, các nghệ sỹ ở đây dường như vui hơn hẳn vì họ có thêm sân khấu mới. Sàn diễn này được nhiều mạnh thường quân góp sức xây dựng, đẹp, rộng, thoáng hơn sân khấu cũ vốn đã hư hỏng, chật hẹp và xuống cấp.

"Có sân khấu khang trang, chúng tôi được thỏa sức biểu diễn. Lại tiếp tục mang lời ca làm đẹp cho đời” - nghệ sĩ Ưu tú Diệu Hiền, cười xong lại bật khóc ngon lành khi nói về hạnh phúc không tưởng.

Thế rồi ở trên bục sân khấu đó, nữ nghệ sỹ lại cất lên những bản vọng cổ da diết, đã làm nên tên tuổi của bà năm nào. Từ “Tần Quỳnh khóc bạn”, đến “Nhuỵ Kiều tướng quân”… lời ca ngọt ngào, sâu lắng như xoá sạch khoảng cách về tuổi tác, thời gian. Chả ai nghĩ rằng, người đứng trên sân khấu đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Các nghệ sỹ lão thành tại viện dưỡng lão vẫn luôn là những “cánh nhạn” hực cháy khát vọng, lý tưởng sống

Soạn giả Đức Hiền, Trưởng ban quản lý viện dưỡng lão này cho biết, sân khấu là nơi tổ chức văn nghệ vào các đêm rằm. Chương trình “Đêm hội trăng rằm” do đạo diễn Thanh Hiệp tổ chức, diễn ra định kỳ tại đây nhiều năm qua.

Từ ngày có sân khấu mới, nghệ sỹ nào cũng phấn khởi và cảm thấy tuổi già của họ đang sống có ích. Ông chia sẻ: “Niềm hạnh phúc lớn nhất của các nghệ sĩ lão thành ở đây chính là những đêm sống lại thời còn đứng trên sân khấu".

Niềm vui thì bấy nhiêu ấy. Còn nỗi đau về số phận, nghệ sỹ nào không có. Cố nghệ sĩ Ngọc Hương lúc còn ở đây là người mang nhiều buồn tủi. Vốn là con “nhà nòi” có truyền thống hát bội tại Bến Tre, năm 1964, bà giành được Huy chương vàng giải Thanh Tâm cho vai chính trong tuồng Ảo ảnh Châu Bích Lệ.

Cùng thời điểm, bà kết hôn với soạn giả Thu An rồi hai vợ chồng đi xây tổ ấm, cống hiến cho nghệ thuật. Qua nhiều cuộc bể dâu, thất bại, khó khăn, bạc bẽo có đủ, nhưng vì tình yêu nghệ thuật, 2 ông bà vẫn quyết bám trụ với nghề.

Nghệ sỹ Diệu Hiền đang lục lại những bức ảnh thời vàng son của mình

Đỉnh điểm khó khăn xảy đến khi năm 2005, ông qua đời. Lúc này, ngôi nhà ở bao lâu cũng bị ngân hàng siết nợ vì món tiền vay lo chạy chữa bệnh cho ông quá lớn. Bà đến ở với con trai trong một ngôi nhà nhỏ hẹp rồi bị té cầu thang, phải nằm một chỗ.

Khi đó, bà nhận ra con cái không có điều kiện nuôi dưỡng mình nên xin vào ở viện dưỡng lão này. Những ngày đầu vào đây, dù lạ lẫm nhưng do cùng ngành nghề nên bà nhanh chóng làm quen với những người bạn mới, rồi từ đó họ nắm tay vượt qua nỗi buồn.

“Niềm vui lớn nhất của chúng tôi ở đây là đứng trên sân khấu vào mỗi đêm văn nghệ trong ngày rằm hàng tháng. Ai khỏe thì lên hát, còn không thì ngồi vỗ tay cho các cháu tình nguyện”, cố nghệ sỹ Ngọc Hương từng hứng khởi kể và khẳng định, nếu bà không gắng gượng vì lẽ sống đẹp, thì có lẽ đã không đi đến chặng đường này của cuộc đời. “Tôi có một ước nguyện đơn giản lắm! Nếu chết thì cho tôi được chết trên sân khấu”. Vậy mà ước mơ ấy của bà vẫn còn dang dở.

Ông giáo già và con chữ tình thương

Chiều mỗi ngày, bên trong căn nhà 168 Phan Anh, P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú (TPHCM) lại ê a tiếng trẻ con tập đọc. Đó là lớp học tình thương của ông Đoàn Minh Hùng – ông giáo già của trẻ em nghèo khó ở địa phương này.

Hồi đó, nhà ông Hùng nghèo thê lương! Ngày nào cũng phải cật lực kiếm từng miếng cơm cho gia đình bằng nghề buôn bán dạo, thu lượm ve chai, bán vé số, nhưng cũng không đủ tiền cho con ăn học. Cho nên, ông ước sau này có điều kiện sẽ mở lớp để dạy cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn được biết đọc, biết viết.

Lớp học tình thương ở Q.Tân Phú của ông giáo già Đoàn Minh Hùng

Nuôi hoài định đó, khi cuộc sống đỡ nhọc nhằn hơn, ông cùng con trai lúc đó đang là sinh viên một trường đại học, thuê nhà mở lớp học tình thương. Những ngày đầu, lớp chỉ có vài em học sinh là những đứa trẻ bán vé số. Dần dà, tiếng lành đồn xa, sỉ số của lớp lên tới 130 em.

Ông Hùng được các cháu quý mến gọi là thầy cũng từ thời gian đó. Để duy trì lớp học, thầy mở tiệm cơm chay bán giá 10.000 đồng/suất nhưng với người già neo đơn và những người quá nghèo, thầy miễn phí luôn cho họ.

“Đời mình đã kém may mắn rồi, giờ già rồi, làm được gì giúp cho người khác thì mình làm hết. Việc dạy cho các cháu con chữ còn góp phần tô sáng tương lai cho thế hệ trẻ” – thầy Hùng tâm sự.

Đến với lớp học tình thương này, các em không chỉ được học chữ mà còn được học cách làm người, ứng xử lễ phép với mọi người, nhiều trẻ đã trở thành con ngoan, trò giỏi và biết giúp đỡ cha mẹ. Học sinh lớp học tình thương của thầy Hùng học các môn học như Ngữ văn, Toán, cuối tuần thứ bảy thì học Anh văn.

Thời khóa biểu được chia từ thứ hai đến thứ bảy, bắt đầu từ 18 giờ và kết thúc lúc 19 giờ 45, mỗi buổi là một môn học khác nhau. Có 9 lớp, từ vỡ lòng cho các em chưa biết đọc, viết đến các em học từ lớp 1 đến lớp 8. Ngoài ra còn có một số công nhân chưa biết chữ cũng theo học.

Hỗ trợ thầy trong thời gian qua là các bạn tình nguyện viên sinh viên các trường đại học: Bách khoa, Sư phạm, Sài Gòn. Nói về những ngày dạy tại lớp học tình thương, Đặng Thị Trang, sinh viên năm cuối Trường Đại học Sài Gòn cười tươi: “Ngoài thời gian học ở trường, mỗi đêm rảnh rỗi em lại đến lớp học tình thương của chú Hùng để dạy chữ cho các em”.

Nhiều lúc quá khó khăn, vợ chồng thầy Hùng như muốn buông xuôi nhưng nghĩ tới những đứa trẻ lang thang ham chữ, họ lại động viên nhau cùng vượt qua khó khăn. “Chỉ mong tụi nhỏ sau này trở thành “những con ngoan trò giỏi”. Đó là niềm vui vô bờ bến đối với tôi, vì biết rằng mình đã sống có ích cho đời”.

Sống như những đoá hoa

Bà Nguyễn Thị Dậu (70 tuổi), chủ cơ sở bánh Như Lan, xưa nay không chỉ nổi tiếng là một doanh nhân giỏi, làm nên thương hiệu bánh trứ danh của vùng đất Sài Gòn, mà còn biết đến là một người sống bao dung, năng giúp đời.

Bà vốn là một con người thẳng thắn, luôn tâm niệm rằng: Chỉ có lao động không ngừng mới làm con người ta tử tế. Và thành quả đạt được, chính là trái ngọt cho khát vọng sống chân chính. Tinh thần sống đó đã giúp bà gặt hái được rất nhiều thành công trên con đường mang bánh của người Sài Gòn đến khắp mọi miền đất nước.

Không những thế, tấm lòng vì cộng đồng của bà Dậu còn được nhiều bạn đọc cả nước biết đến, nhờ những cây cầu nối nhịp yêu thương. Thông qua Báo CATP, bà đã tài trợ kinh phí xây hàng chục cây cầu ở các tỉnh miền Tây, giúp cho người dân miền quê lam lũ thoát cảnh luỵ sông, luỵ đò.

Đó là ân tình không giá trị nào so sánh nổi. Ngặt có điều, bà chẳng bao giờ chịu để người khác nêu gương. Dạo đó, phóng viên hỏi: “Sao cô làm từ thiện nhiều vậy mà lại không cho tụi con nêu gương?”. Bà liền xua tay: “Mình làm mình biết, tụi bay nói làm chi”.

Tấm lòng vì cộng đồng của bà Dậu còn được nhiều bạn đọc cả nước biết đến

Bẵng một năm sau, phóng viên lại nhận số điện thoại của bà, với chất giọng trĩu nặng: “Tao nghe ở bên Biển Hồ (Campuchia) có cái làng người Việt mình. Không biết Trung thu này mình có thể gửi sang cho họ 5 ngàn cái bánh không?”. Phóng viên nghe mà ú ớ, rồi nói thật rằng điều đó chắc khó thực hiện được vì biết bao trở ngại. Thế là bà cúp máy, giọng buồn thiu.

Cái tính của bà Dậu xưa nay là vậy, ít nói và âm thầm. Nhưng riêng những ai đã từng tiếp xúc, từng ở bên cạnh thì họ biết rằng, với người nghèo, Như Lan luôn mãi là một đoá hoạ thiện nguyện không bao giờ tàn phai. Còn nhớ, cách đây chừng vài tháng, có một dịp đi phát bánh từ thiện cùng bà, phóng viên lại hỏi: “Lần này cô làm bao nhiêu phần để tụi con thông tin”. Vẫn là cái xua tay đó, bà lẳng lặng bước đi…

Một con đường từ thiện do bà Như Lan dành tiền xây dựng cho người dân Bến Tre.

Có lẽ, chính lý tưởng sống đó đã giúp cho những nhân vật mà chúng tôi đã nêu trong bài viết này, luôn tràn nghị lực. Những số phận khác nhau nhưng lại cùng đồng điệu về tình yêu, khát vọng. Họ, như những “cánh nhạn” năm nào thoả sức chao liệng giữa trời xanh, đến cuối đời, khi bay về, vẫn giữ trọn ước muốn là một cánh chim tô màu cho cuộc sống…

Nghệ sỹ ưu tú Diệu Hiều: “Người già có sự tự chủ của người già”

Các anh chị ở Hội sân khấu TPHCM, Viện dưỡng lão nghệ sĩ sang nhà thăm, thấy hoàn cảnh gia đình đã động viên tôi làm đơn xin vào viện dưỡng lão sống. Tôi suy nghĩ rất nhiều ngày trước khi quyết định làm đơn. Tôi nghĩ đó là lựa chọn tốt cho tuổi già của mình. Các con rất có hiếu với tôi.

Chúng không muốn tôi vào viện dưỡng lão mà khuyên tôi nên ở lại nhà, dù cực khổ thế nào cũng có người quan tâm, chăm sóc. Tôi phải nói chuyện rất nhiều, phải thuyết phục thì các con mới để tôi đi.

Tôi nghĩ vào sống ở viện, không gian thoáng hơn, tôi có chỗ đi lại thì biết đâu bệnh tật giảm bớt. Còn ở nhà, tôi chỉ quanh quẩn giữa mấy bức tường. Các con đi làm từ sáng đến tối. Chúng phải cần thời gian để nạp lại năng lượng, nghỉ ngơi để có sức khỏe thay vì cứ nhìn thấy tôi là nơm nớp lo cho tôi từng chút một. Người già có sự tự chủ của người già.

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang