Muốn năng động, TP.HCM phải mở rộng không gian đô thị

Thứ Năm, 11/10/2018 21:34

|

(CAO) Chiều 11/10, Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý đô thị trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh: Thực trạng, vấn đề và giải pháp”.

Hội thảo thu hút sự tham gia lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu cả nước trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, đô thị...

Các đại biểu dự Hội thảo đã tập trung trao đổi về các nội dung liên quan đến giải pháp xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành đô thị phát triển bền vững; tạo dấu ấn đặc trưng của Thành phố gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn; phát huy vai trò của các sở ngành, người dân Thành phố trong công tác tham mưu, giám sát công tác quy hoạch, quản lý đô thị…

TP.HCM nhìn từ trên cao.

Giáo sư, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề xuất, để tương xứng với vai trò, vị thế TP.Hồ Chí Minh và tầm nhìn trở thành một trong các đô thị hàng đầu trong khu vực và quốc tế, đô thị sống tốt trong bối cảnh phát triển cạnh tranh mạnh mẽ của các đô thị lớn trong khu vực, cần quan tâm mở rộng không gian đô thị TP.Hồ Chí Minh, bởi nó đã trở nên dồn nén, chật hẹp … không đủ điều kiện để phát triển một cách năng động, hiệu quả hơn nữa.

Bên cạnh đó, Giáo sư, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, cho rằng: Mô hình phát triển đô thị TP theo hướng đa trung tâm gắn với việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, đảm bảo việc đi lại thuận tiện, an toàn, văn minh cho người dân trong TP và vùng lân cận.

Ở góc độ quản lý, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, cần tạo ra các thiết chế quản lý chuyên ngành ở TP đủ thẩm quyền, có tính độc lập tương đối với quản lý hành chính, để thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm đối với các vấn đề chuyên ngành.

Mặt khác, muốn nâng cao quản lý chuyên ngành phải đào tạo, trọng dụng các chuyên gia giỏi của các lĩnh vực quản lý đô thị, trao quyền đầy đủ cho họ gắn với xây dựng chế độ đãi ngộ tương xứng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân gợi mở: Cần phải có quy hoạch trung tâm và có quy hoạch khu vực vệ tinh. Quy hoạch cần gắn chặt với vấn đề giao thông. Đặc biệt, trong quy hoạch đô thị, từ thực tiễn, phân tích những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để có giải pháp cụ thể phát triển TP theo hướng nào?

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, cần giải quyết mâu thuẫn của bài toán dân số tăng nhanh trong khi hạ tầng kỹ thuật của TP không đáp ứng được. Tính bình quân 15 năm trở lại đây, cứ 5 năm, dân số TP tăng thêm 1 triệu người. Như vậy, tới năm 2035, dân số thường xuyên của TP khoảng 13,5 triệu, chưa kể dân vãng lai. Với số dân tăng nhanh, hạ tầng không thể đáp ứng được.

Mô hình quản lý hành chính của TP cần xem xét lại để vận hành hợp lý, hiệu quả hơn. Hiện có sự chênh lệch đáng kể về dân số và diện tích giữa các quận, huyện trên địa bàn TP. Nếu so sánh về diện tích, giữa Cần Giờ và một số quận nội thành chênh nhau tới 140 lần, trong khi dân số Cần Giờ ít hơn các quận khác 8,7 lần. Điều này cho thấy sự phân hóa cực kỳ lớn. Tính riêng 2 huyện Củ Chi và Cần Giờ chiếm khoảng 54% diện tích của TP song dân số chỉ chiếm 10% - Bí thư Thành ủy nói.

Kết luận hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Quản lý đô thị là vấn đề đặt biệt quan trọng phát triển, phát huy sức mạnh của các đô thị, nhất là đô thị đầu tàu. Hiện nay, dòng di cơ từ nông thôn về đô thị diễn ra nhanh. Do đó, sức ép đô thị, dịch vụ đô thị quá tải tăng lên rất lớn.

Để giải quyết những vấn đề trên, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú đề nghị TPHCM cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch; có quy hoạch không gian kiến trúc chiến lược gắn chặt chẽ với không gian vùng. Không gian quy hoạch kiến trúc TP phải gắn với không gian kiến trúc của vùng...

Bình luận (0)

Lên đầu trang