TP.HCM và các tỉnh lân cận:

Nhiều dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao

Thứ Năm, 11/10/2018 19:00  | Ngô Đồng

|

(CAO) Trước diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là khu vực phía Nam, chiều 11-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM.

Một trong những khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh tại khu vực phía Nam là có nhiều khu công nghiệp dẫn đến khó quản lý được đối tượng bị bệnh.

Theo thống kê, bệnh tay châm miện tại khu vực phía Nam trong 9 tháng năm 2018 là gần 48.000 ca, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Các ca bệnh phân bố nhiều tại TP.HCM (41%), Đồng Nai (14%), Bình Dương (9%),… Cùng với đó, tại nhiều địa phương số ca bệnh sởi cũng tăng cao.

Theo thống kê, bệnh tay chân miệng tại khu vực phía Nam trong 9 tháng năm 2018 là gần 48.000 ca. Ảnh: NĐ

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai Trần Minh Hòa cho biết, từ đầu tháng 8 số ca tay chân miệng trên địa bàn tỉnh tăng nhanh và liên tục. Trong tháng 9, số ca mắc lên tới trên 200 ca nội trú, khoảng 500 ca ngoại trú mỗi tuần.

Đối với bệnh sởi, tính đến ngày 8-10, Đồng Nai ghi nhận 190 ca, trong đó chỉ tính riêng từ tháng 9 đến nay đã có 161 ca. Qua giám sát và điều tra cộng đồng tại một số điểm có ca bệnh, chùm ca bệnh cho thấy, số ca bệnh phần nhiều tập trung ở nhóm trẻ sống trong các khu nhà trọ của công nhân, trẻ chưa tiêm chủng sởi và trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng.

Cũng như tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, từ tháng 9 đến nay số ca sởi tăng nhanh với 112 ca và trên 3.000 ca TCM. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, có đến 90% đối tượng nhập cư chưa được tiêm chủng hoặc không rõ lịch tiêm chủng.

Tại TP.HCM, báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP cho thấy, năm 2017, TP không ghi nhận trường hợp mắc sởi nhưng từ đầu năm 2018 đến nay có 143 ca nghi sởi nhập viện, trong đó tăng mạnh vào những tuần gần đây. 24/24 quận, huyện của TP có ca bệnh sởi, trong đó nhiều nhất là Thủ Đức, Quận 12, Quận 7,… TP đã ghi nhận hơn 4.000 ca tay chân miệng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, 9 tháng đầu năm có 2.180 ca nhập viện do tay chân miệng, trong đó có 46 ca nặng (độ 3, 4) và 1 ca tử vong. Tính riêng trong tháng 9 đã có 814 ca nhập viện điều trị tay chân miệng, tăng 182,5% so với cùng kỳ năm 2017. Bệnh viện cũng đã tiếp nhận 83 ca sốt phát ban nghi sởi nhập viện; riêng trong ngày 10/10, khoa Nhiễm đang điều trị cho 19 ca sởi. Tương tự, tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện có khoảng 40 trẻ nhập viện vì bị tay chân miệng.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, tại khu vực phía nam, tình hình mắc sởi liên tục tăng cao, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ (Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM…). Qua điều tra dịch tễ của Viện Pasteur TP.HCM, dịch bệnh năm nay có chiều hướng phát sinh ở những khu vực có các khu công nghiệp, nơi có số lượng công nhân lao động, người nhập cư, đối tượng vãng lai di biến động liên tục. Có đến 90% đối tượng là người nhập cư, công nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng. Bên cạnh đó, điều kiện nhà ở, vệ sinh môi trường, nước thải, nước sạch vô cùng kém là điều kiện lý tưởng phát sinh dịch bệnh.

Đối với nhóm trẻ mắc sởi trên 5 tuổi, nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao, vì vậy cần tăng cường tiêm phòng cho các đối tượng ngoài độ tuổi tiêm chủng, chủ động tiêm phòng cho cán bộ y tế, nhất là những nơi tiếp nhận bệnh nhân sởi để tạo “hàng rào” phòng dịch…

Về bệnh tay chân miệng, biện pháp phòng tránh chủ yếu vẫn là tập trung vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.

Gặp gỡ cán bộ, y bác sĩ BV Nhi đồng 1 chiều 11-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với những áp lực, khó khăn những ngày căng thẳng chống dịch bệnh vừa qua. Phó Thủ tướng đề nghị đội ngũ y bác sĩ bệnh viện cố gắng tăng cường, quyết liệt và chủ động trong công tác chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bệnh nhi. Ảnh: CTV

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế thành phố phải chủ động phòng, chống dịch thường xuyên, quyết liệt, tránh tình trạng xảy ra dịch rồi mới cấp tập đi chống dịch.

Bình luận (0)

Lên đầu trang