KỲ CUỐI: TỪ ĐỀ XUẤT ĐẾN THỰC TIỄN
Từ câu chuyện “vạch vàng nhân văn”, lằn ranh giữa “đúng – sai”, giữa “lý – tình” trên chiếc vỉa hè được bàn luật suốt nhiều năm qua đã được giải quyết thấu đáo.
Hiệu quả thực tiễn
Từ ngày UBND TP ra chủ trương tìm cách sắp xếp, tổ chức lại nghiêm túc, khoa học vỉa hè, tạo điều kiện cho người dân mưu sinh và gần đây nhất là đề xuất dành tối thiểu 1,5 m chiều rộng vỉa hè cho người đi bộ của Sở GTVT, lãnh đạo Q.Tân Phú đã chỉ đạo UBND các phường phải nhanh chóng phối hợp cùng Đội QLTT Q.Tân Phú nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế trên địa bàn để áp dụng mô hình kẻ vạch, đánh dấu chỉ giới để người dân kinh doanh trên hè phố biết giới hạn mình được sử dụng.
Thời gian đầu áp dụng mô hình mới theo chủ trương của lãnh đạo TP, một số hộ dân chuyên hoạt động mưu sinh trên vỉa hè còn bày tỏ nhiều ý kiến không đồng tình cũng như bày tỏ các mối hoài nghi về độ thực tiễn của chủ trương. Nhưng sau một khoảng thời gian việc sơn, kẻ vạch được đưa vào thực tiễn đời sống, sáng kiến này đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, được số đông người dân ủng hộ nhiệt tình.
Theo đó, trên toàn địa bàn Q.Tân Phú hiện có 15 tuyến đường thực hiện việc sơn, kẻ vạch chỉ giới. Đặc thù của các tuyến đường này đều có mật độ dân số đông, có hoạt động kinh doanh vỉa hè phong phú nên thời điểm trước khi áp dụng chủ trương của lãnh đạo TP cũng như UBND Q.Tân Phú, công tác quản lý, xử lý trật tự vỉa hè gặp phải vô vàn khó khăn.
Như thường lệ, sáng 2-8, Tổ công tác đặc biệt giữa Đội Quản lý trật tự đô thị (TTĐT) Q.Tân Phú, Tổ QLTTĐT P.Tây Thạnh và lực lượng Cảnh sát trật tự (CSTT), Công an Q.Tân Phú lại bắt đầu công việc quen thuộc là kiểm tra và xử lý những tình trạng cố tình lấn chiếm vỉa hè sau khi đã được UBND quận kẻ vạch, đánh dấu chỉ giới hoạt động.
Nhìn chung tình hình chấp hành theo quy định được các hộ dân kinh doanh hưởng ứng khá tốt. Chị Nguyễn Thị Dung (32 tuổi, tiểu thương kinh doanh tại đường Văn Cao) chia sẻ, trước đây khi buôn bán trên vỉa hè gia đình chị khá lo lắng, không biết lúc nào lực lượng chức năng sẽ kiểm tra. “Từ ngày có cái vạch kẻ ở vỉa hè, mình yên tâm buôn bán, miễn sao không lấn ra phía ngoài vạch kẻ” – chị Hà cho hay.
Đội QLTTĐT Q.Tân Phú tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè
Ông Lâm Văn Tư, Đội trưởng Đội QLTTĐT Q.Tân Phú cho biết, với việc sơn kẻ vạch vàng trên vỉa hè đã giúp ích tích cực cho lực lượng quản lý trật tự đô thị trong công tác kiểm tra và xử lý. Bên cạnh đó, nhờ có vạch kẻ phân chia mà những hộ dân, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn phải mưu sinh bằng nghề “buôn ghánh bán bưng” có thể an tâm kiếm cơm mà vẫn không vi phạm quy định pháp luật.
Đại diện Đội QLTTĐT Q.Tân Phú cũng cho biết thêm, trong thời gian sắp tới, nếu UBND TP thông qua dự thảo của Sở GTVT TP.HCM, đơn vị sẽ tiếp tục soạn thảo các kế hoạch chuẩn bị trình lên Chủ tịch UBND Q.Tân Phú để thực hiện công tác quản lý và sử dụng hữu hiệu diện tích vỉa hè.
“Vỉa hè nếu được quản lý tốt sẽ mang tới một bộ mặt chỉn chu cho địa bàn quận và tạo ra kế sinh nhai cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn” – Đội trưởng Đội QLTTĐT Q.Tân Phú cho hay.
Theo số liệu thống kê của Đội QLTT Q.Tân Phú, trong khoảng thời gian từ 30/7 đến 3/8, đơn vị này đã phát hiện và xử lý 3 vụ vi phạm lấn chiếm vỉa hè, phạt tiền 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, tổ công tác còn thu giữ nhiều xe lôi, xe kéo của các hộ kinh doanh hàng rong không chấp hành quy định pháp luật.
Ngoài ra UBND Q.Tân Phú cũng giao cho các phường đăng ký tuyến đường thi đua, đảm bảo giải quyết thấu đáo tình trạng mất trật tự vỉa hè.
Để giám sát, lãnh đạo quận đã thành lập 2 tổ kiểm tra công vụ do Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND Q.Tân Phú phụ trách mảng quản lý đô thị làm tổ trưởng. Điều đặn mỗi tuần, hai tổ kiểm tra công vụ sẽ đều đặn có mặt tại những “điểm nóng” để kiểm tra mà không báo trước. Nếu địa bàn phường nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ lập tức bị kiểm điểm.
Thời cơ đi đôi thách thức
Có thể nói, chủ trương quản lý vỉa hè của UBND TP.HCM là sáng kiến hữu hiệu để quản lý chặt chẽ việc sử dụng vỉa hè, phần đất công lâu nay bị chiếm hữu một cách vô tư. Tuy nhiên, người dân cần hiểu đúng vấn đề, phần đất phía trong vạch kẻ vốn không phải phần đất tư mà các hộ dân có quyền tự do sử dụng.
Về nguyên tắc, đây là đất công do nhà nước quản lý, nếu có nhu cầu sử dụng, người dân có quyền thuê, mướn lại nhưng phải đáp ứng được những quy định mà pháp luật ban hành. Chính vì lý do này, dự thảo sắp tới đây của Sở GTVT nếu được UBND TP.HCM thông qua, bên cạnh những thời cơ mang lại cũng sẽ đem tới những thử thách không nhỏ cho lực lượng quản lý địa phương trong vấn đề phân chia, quản lý vỉa hè một cách công bằng.
Tại UBND P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, địa bàn có nét văn hóa kinh doanh đường phố đặc trưng nên công tác quản lý vỉa hè làm sao cho trật tự, giải quyết bài toán mưu sinh cho người dân nhưng vẫn thấu tình đạt lý được xem khá nan giải. Ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão cho biết, công tác quản lý vỉa hè ở địa bàn phương được lãnh đạo Q.1 quan tâm sâu sắc vì P.Phạm Ngũ Lão có tuyến phố tây Bùi Viện, bộ mặt du lịch của TP.HCM.
Bà con buôn bán vỉa hè ở khu vực này đa phần có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí nhiều gia đình tới 6 nhân khẩu mà chỉ trông chờ vào một gánh hàng rong trên vỉa hè. Chính vì lý do này nên UBND phường chủ trương không thiết lập trật tự theo kiểu cứng rắn, chỉ chăm chăm đẩy đuổi. Theo đó, cán bộ phường sẽ được phân công xuống địa bàn để nắm bắt tình hình, thiết lập một danh sách thông tin các hộ dân chuyên kinh doanh ở vỉa hè để quản lý.
Các trường hợp cố tình buôn bán phía ngoài vạch vàng sẽ bị lực lượng chức năng P. Phạm Ngũ Lão, Q.1 xử lý nghiêm
Sau khi thiết lập bản danh sách, lãnh đạo phường sẽ tiếp tục phân loại, nếu gia đình nào có khả năng chuyển đổi nghành nghề sẽ được phường hỗ trợ thay đổi công việc, còn hộ nào quá khó khăn sẽ được cán bộ địa phương tạo điều kiện để kinh doanh buôn bán. Vị trí kinh doanh sẽ được sắp đặt hợp lý, không gây mất trật tự trên địa bàn.
Mô hình của P.Phạm Ngũ Lão cũng chính là mô hình chung được nhiều phường khác của Q.1 áp dụng trong công tác quản lý trật tự vỉa hè. Với những sáng kiến quản lý được các nhà quản lý đề xuất kết hợp cùng mô hình kẻ vạch trên vỉa hè đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của vỉa hè thành phố. Từ chỗ những vỉa hè nêm kín những ghánh hàng rong thì hiện nay, hè phố đã bắt đầu thông thoát, sắp đặt khoa học để phát huy tối đa công năng vốn có của nó.
Liên quan tới các vấn đề xung quanh câu chuyện vỉa hè ở thành phố, ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM cho rằng, các cơ quan chức năng của TP.HCM cần phải khảo sát kỹ về thực trạng, nhu cầu xã hội về sử dụng vỉa hè như nơi nào được quyền trông giữ xe, khu vực nào được phép kinh doanh hàng rong để có biện pháp và kế hoạch quản lý hữu hiệu.
Bên cạnh đó, ông Cao Thanh Bình cũng ủng hộ đề xuất của Sở GTVT trong công tác quản lý vỉa hè. “Làm như vậy vừa tạo động lực phát triển kinh tế TP vừa đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo công bằng trong kinh doanh nhưng vẫn đưa các hoạt động nói trên vào khuôn khổ quản lý.” - Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM nêu quan điểm.
Với những sáng kiến hữu hiệu được các nhà quản lý TP.HCM đưa ra nhằm thiết lập trật tự vỉa hè, có thể hy vọng trong thời gian sắp tới, bộ mặt đô thị của TP sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng cần phải nhìn nhận công bằng, dù các cơ quan quản lý nhà nước có gồng mình đưa ra các giải pháp căn cơ song nếu ý thức người dân vẫn không có nhiều cảu thiện thì câu chuyện vỉa hè suốt bao năm qua... đâu vẫn hoàn đó.
Bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND Q.Tân Phú: Liên quan tới vấn đề quản lý vỉa hè trên địa bàn quận, lãnh đạo Q.Tân Phú đã liên tục chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ quản lý thật chặt vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm tới vấn đề mưu sinh của người dân, tìm hiểu cuộc sống của bà con để có hướng chuyển đổi nghành nghề cho họ. Sắp tới, nếu dự thảo của Sở GTVT TP.HCM được UBND TP thông qua, UBND Q.Tân Phú sẽ chuẩn bị những bộ kế hoạch cụ thể để thực hiện nghiêm công tác quản lý, đảm bảo trật tự vỉa hè theo đúng chủ trương của TP giao. Bà Hứa Thị Hồng Đang Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM: Tôi hoan nghênh đề xuất dành tối thiểu 1,5m vỉa hè cho người đi bộ và ưu tiên cho khoảng đất còn lại để phục vụ các nhu cầu kinh doanh chính đáng của các hộ dân. Suốt một quãng thời gian qua, chúng ta vẫn đang loay hoay với bài toán thiết lập trật tự vỉa hè. Rất nhiều cuộc ra quân rầm rộ nhưng tất cả mới chỉ giải quyết được phận ngọn vấn đề còn sâu bên trong chúng ta vẫn chưa giải quyết ổn thỏa. Mong rằng với việc thông qua dự thảo này, vỉa hè TP nói riêng và bộ mặt đô thị nói chung sẽ có những sự chuyển biến tích cực. Ông Trần Văn Hiếu, tiểu thương khu ẩm thực đêm Chợ Bến Thành: Văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam được xem là một trong những đặc sản du lịch của chúng ta để níu chân khách du lịch. Suốt một quãng thời gian dài, việc phát huy tối đa hiệu quả từ chiếc vỉa hè chưa được quan tâm đúng mức, dẫn tới tình trạng mình ai nấy chiếm, mạnh ai nấy giữ khiến vỉa hè TP rơi vào tình trạng mất trật tự. Mong rằng với những sáng kiến quản lý mới của UBND TP.HCM, đặc biệt là “vạch vàng nhân văn” sẽ giúp ích để nét văn hóa đường phố của TP ngày một phát triển, tạo ra nguồn lợi kinh tế cho nhiều hộ dân. |
Hoàng Đạt – Đức Nam – Huỳnh Văn