Những người “chạm mặt tử thần” (kỳ cuối)

Thứ Tư, 01/08/2018 20:46  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Để có tiền thuốc men cho người thân và tiện việc chăm sóc, người vợ, người chồng, người cha quyết định trở thành “bác sĩ”. Dẫu việc này không ít vất vả nhưng lại được nhiều gia đình bệnh nhân lựa chọn.

KỲ CUỐI: “BÁC SĨ” BẤT ĐẮC DĨ

Không thể sống xa nhà vì đơn chiếc, còn con nhỏ, người thân phải làm việc để kiếm tiền lo chi phí chạy thận… Do vậy nhiều bệnh nhân chọn cách lấy thuốc, dung dịch về nhà để người thân thao tác. Khi đó, những người vợ, người chồng, người cha… trở thành “bác sĩ” bất đắc dĩ.

Người nghèo mắc bệnh nhà giàu

Đó là lời tâm sự não nề của anh Nguyễn Khắc Huy (41 tuổi, ngụ ấp Thị 2, TT.Chợ Mới, H.Chợ Mới, An Giang). Anh Huy ngồi tựa vào bức tường nhà rồi kể: Cách nay 4 năm, nhiều lần đi giao bột anh và chị Bùi Thị Ngọc Liễu chạm mặt, rồi xin lòng cảm mến. Chẳng lâu sau, họ kết hôn rồi sống chung với cha mẹ vợ ở Chợ Mới.

Ban đầu, cả hai sống rất hạnh phúc và vẽ lên nhiều kết hoạch cho tương lai. Được người bạn ngỏ lời, chị Liễu nghỉ việc ở công ty cũ về làm chung với chồng. Sau hơn 1 tháng làm việc ở môi trường mới, bất ngờ một ngày nọ cơ thể chị có nhiều biểu hiện bất thường, rồi nhập viện sau đó.

Nhớ lại tai họa ập đến gia đình, anh Huy bùi ngùi: “Chính sách công ty cũ thay đổi nên vợ tôi xin nghỉ. Lúc đó chỉ nghĩ vợ chồng làm chung sẽ có nhiều thuận lợi. Qua đây chẳng được bao lâu, vợ tôi thấy như mình bị cao huyết áp, nặng đầu nên được chở đi khám. Bác sĩ kết luận chỉ viêm xoang. Nhiều ngày uống thuốc không khỏi, đưa vợ đi bệnh viện tuyến trên, họ làm các xét nghiệm và kết luận bị suy thận. Nghĩ là ăn Tết xong sẽ đưa đi điều trị nào ngờ…”.

Mồng 2 Tết Nguyên đán của 3 năm trước, trong lúc đang ngồi ăn cơm chị Liễu lăn ra bất tỉnh, được chồng chở vào BVĐK huyện Chợ Mới cấp cứu. Sau đó chị được chuyển vào BVĐK TT An Giang điều trị suy thận mãn tính giai đoạn cuối.

Sau nhiều tháng điều trị, chị Liễu cùng chồng dọn về sống với cha mẹ vợ. Khoảng 2 năm sau, họ qua đời cũng là lúc đứa em ở chung đuổi anh Huy và chị Liễu ra khỏi nhà vì sợ là gánh nặng. Không còn chỗ ở, vợ chồng anh Huy kéo nhau qua huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thuê trọ ở.

Nhiều thân nhân phải đến bệnh viện mua thuốc chở về lọc thận cho bệnh nhân.

Anh Huy cho biết: “Vợ chồng làm dư cả trăm triệu đồng chuẩn bị cất nhà, nhưng rồi dùng hết vào việc chữa bệnh. Ngoài số tiền đó, tôi còn vay mượn ở ngoài hơn 40 triệu đồng. Chúng tôi là dân nghèo mà mắc toàn bệnh nhà giàu, bởi va vào là sạch tài sản, bỏ số tiền không nhỏ để trị bệnh”.

Thấy hoàn cảnh đáng thương em trai và em dâu anh Huy đưa chị Liễu về TT.Lai Vung chăm sóc. Ngoài ra người này còn vận động anh Huy về cất nhà trên mảnh đất người cha để lại.

Đang trò chuyện với chúng tôi, gặp người cô anh Huy than: “Chắc con hốt hụi để giải quyết nợ nần, chứ giờ không biết làm sao cô ơi”. Người kia đáp: “Hốt vậy đóng lại chết luôn mầy ơi!”. Nối tiếp đó là lời than thở về hoàn cảnh của anh Huy.

Những “bác sĩ” không lương

Anh Huy cho biết, lúc vợ anh nhập viện điều trị bệnh suy thận mãn tính giai đoạn cuối, bác sĩ nói có 3 phương pháp: chạy thận, thẩm phân phúc mạc hoặc thay thận với giá vài tỷ đồng. Tuy nhiên việc thay thận cũng có người khỏe người không.

Sau nhiều ngày trằn trọc, anh quyết định chọn phương pháp thẩm phân phúc mạc vì không yêu cầu phải đến trung tâm lọc máu, quá trình này có thể thực hiện tại nhà và anh có thể tranh thủ đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho vợ.

Phương pháp này mỗi tháng chỉ cần đi 2 lần đến bệnh viện khám và lãnh 19 thùng thuốc, dung dịch với chi phí khoảng 3 triệu đồng. Mỗi ngày, bệnh nhân được thẩm phân 4 lần (lần 4 – 6 tiếng): 5 giờ sáng, 10 giờ trưa, 5 giờ chiều và 10 giờ tối. Mỗi lần thẩm phân mất khoảng 30 phút.

“Xây phòng kín đáo, đèn tia cực tím và nhiều vật dụng khác để khử trùng hàng ngày. Giờ vợ không làm gì nặng được nữa và những lúc mệt em xin nghỉ về chăm sóc, lọc thận; còn khỏe hơn nhờ đứa em dâu thực hiện. Trước khi thao tác phải vệ sinh cơ thể, rửa tay sạch sẽ, khử trùng… Đang có dự định xin về vì hiện hoàn cảnh quá khó khăn”, anh Huy chia sẻ việc anh và người thân trở thành “bác sĩ” bất đắc dĩ.

Ông Nam ngồi hàng giờ mỗi ngày để người thân lọc thận duy trì sự sống.

Vừa đến trạm xá chích thuốc tạo máu về, ông Vi Văn Nam (46 tuổi, ngụ ấp Hòa Hạ, xã Kiến An, huyện Chợ Mới) cho biết, bản thân bị bệnh suy thận mãn tính đã 3 năm nay. Trước khi bị bệnh, ông làm mướn đủ thứ việc như: chở rơm, xịt thuốc, vác lúa để kiếm tiền nuôi gia đình, bởi là trụ cột chính.

“Lúc đó, tôi thường xuyên bị xây xẩm mặt mày, nôn ói nghĩ là đau bao tử nên qua trạm xá chích thuốc cả tháng trời. Nào ngờ bữa đi làm vườn mệt vô tôi chặt trái dừa uống, nằm võng nghỉ mệt định đứng lên đi vệ sinh bỗng té xỉu, rồi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ kiểm tra phát hiện tôi bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối, khiến gia đình hết sức khó khăn”, ông Nam kể lại.

Được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị, nhưng vì lo sợ không tiền ông Nam đã trốn về tìm “thầy”. Khoảng nữa tháng đầu, uống thuốc của các thầy lang vườn, ông Nam thấy sức khỏe mình dần bình phục. Thấy vậy, ông lấy thuốc uống thường xuyên hơn. Nào ngờ khoảng 1 tháng sau bỗng chân sưng lên và tê chẳng còn cảm giác. Nghĩ rằng “còn nước còn tát” ông Nam đến hàng chục thầy thuốc khác nhưng rồi ai cũng… bó tay!

Thấy sức khỏe ngày cảm giảm, gia đình đành chở ông Nam qua bệnh viện điều trị. “Lúc đó tính đâu tôi đã lên bàn thờ. Thấy bệnh có chuyển biến xấu, người nhà đưa tôi lên một bệnh viện ở TPHCM, nhưng bác sĩ nói về địa phương lọc máu chứ không có cách chữa khỏi. Sau đó, tôi được người nhà chuyển qua BVĐKTT An Giang phẫu thuật thẩm phân phúc mạc để giữ mạng sống”, ông Nam nhớ lại.

Từ ngày chồng bệnh bà Nguyễn Thị Thủy Em (vợ ông Nam) phải gánh vác mọi việc. Bà Em cho biết: “Lúc chồng tôi mổ ra là bác sĩ chỉ cách thay thuốc, rửa vết thương, lọc thận rất cụ thể. Ban đầu, điều dưỡng hướng dẫn người nhà thao tác trên các hình mẫu, sau đó chuyển qua làm thực tế. Khóa hưỡng dẫn khoảng 1 tuần và ai làm được mới cho bệnh nhân xuất viện. Mắc bệnh này ai cũng mệt mỏi, lo đủ điều, phải bỏ tiền xây phòng cách ly, vay nợ để mua dụng cụ lọc thận…”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang