Nhiều băng nhóm dù bị cơ quan công an triệt phá nhưng để khởi tố đúng tội danh thì lại là chuyện không hề đơn giản…
KỲ CUỐI: KỲ CÔNG PHÁ ÁN
Theo các cán bộ điều tra của Đội CSHS Công an Q.Tân Phú, chuyên án 718V mới đây và trước đó là chuyên án 118C được xem là “cú đấm thép” nhắm thẳng đến các băng nhóm xã hội đen câu kết thành những “liên minh ma quỷ”, ngày ngày bóc lột người dân.
Trần ai đeo bám
Cũng theo Cơ quan CSĐT Công an Q.Tân Phú, để xử lý thành công một nhóm đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi là hết sức khó khăn. Trần ai đầu tiên phải kể đến là công tác đeo bám, ngoại tuyến. Bước vào thực hiện chuyên án 718V, các trinh của Đội CSHS Công an Q.Tân Phú đã phải chịu nhiều vất vả, vì bọn chúng thường xuyên sử dụng xe ô tô để đi lại và và ở trong những khu chung cư cao cấp, rất khó bám đuôi.
Cảnh sát khám xét căn hộ của các đối tượng cho vay nặng lãi nằm trong chuyên án 718V
Chưa kể, một chuyên án triệt phá một băng nhóm như vậy, tính từ thời điểm xác lập đến khi cất vó, có khi cơ quan công an phải mất cả nửa năm trời đeo bám. Trực tiếp theo chân lực lượng trinh sát hình sự Công an Q.Tân Phú, hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu điều đó.
Có trinh sát, cả tháng ròng không thể về nhà thăm vợ con do phải bám sát 24/24 hành tung của các đối tượng. Các anh phải chứng minh được từng tên một hành nghề cho vay nặng lãi chuyên nghiệp, chứng minh chi tiết quá trình chúng bóc lột, đe doạ, hành hung người dân.
Hàng trăm công nhân bị bọn côn đồ bóc lột
Quá trình làm việc với Nguyễn Khắc Đức, cảnh sát phát hiện hơn 100 bộ hồ sơ có kèm giấy tờ tùy thân của các công nhân đang làm việc bên trong khu công nghiệp Poucheng. Số công nhân này đều là con nợ của Đức; trong đó có người vay 20 triệu đồng nhưng mức lãi suất lại lên tới 60%.
Trước đó, khi được các cơ quan báo chí đặt câu hỏi rằng “sau vụ khám phá thành công chuyên án 118C (cũng là chuyên án đấu trang đường dây cho vay nặng lãi), liệu Công an Q.Tân Phú có tiếp tục mở thêm những chuyên án tương tự?”, lãnh đạo công an quận này khẳng định rằng sẽ tiếp tục truy quét quyết liệt hoạt động phạm tội nói trên, trong đó chú tâm đến những băng nhóm cho vay nặng lãi trà trộn vào cuộc sống của công nhân trên địa bàn để hoành hành.
Tất cả phải tuyệt đối bí mật và phải đầy đủ cơ sở, nếu không, sẽ gây khó cho quá trình điều tra của lực lượng điều tra viên ở những bước tố tụng về sau.
Các đường dây “tín dụng đen” bề ngoài là các băng nhóm du đãng song bên trong lại được tổ chức và vận hành khá bài bản, quy củ. Không loại trừ mỗi một đường dây đều “câu” về cho mình một “quân sư” riêng là các luật sư giỏi để “tham mưu” pháp luật, “vạch đường chỉ lối” cho các đối tượng dù thực hiện hành vi phạm tội nhưng cũng “tuyệt đối an toàn”.
Với phương thức hoạt động này, các đối tượng sẽ biết cách né tránh công an một cách hữu hiệu. Chúng biết rõ việc nên làm và không nên làm trong quá trình phạm tội, luôn đề cao cảnh giác sự theo dõi, khiến việc đeo bám rơi vào cảnh trăm đường khó khăn.
Những “bản hợp đồng mua bán” thay cho giấy tờ mượn nợ mà Công an Q.Tân Phú phát hiện sau những vụ triệt phá vừa rồi là một minh chứng cụ thể nhất cho việc các đối tượng cho vay nặng lãi am tường pháp luật.
Chữ tâm của người phá án
Trong quá trình điều tra, lực lượng điều tra viên cũng gặp phải vô vàn khó khăn khi đấu tranh với các đối tượng “đầu sỏ”, vì thực tế là chúng rất đam tường luật pháp. Trước đây, để cấu thành tội danh cho vay lãi nặng, quy định pháp luật ràng buộc rất nhiều yếu tố như: Cho vay với lãi suất cao hơn 10 lần mức Ngân hàng Nhà nước công bố, hoạt động cho vay có tính chất chuyên nghiệp và bóc lột người vay.
Đầu tiên, chứng minh “mức lãi suất cao hơn 10 lần Ngân hàng Nhà nước công bố” đã không dễ dàng, vì quá trình “hành nghề”, chẳng có một băng nhóm nào để con nợ viết giấy nợ với nội dung kèm theo lãi suất như thế. Rồi đến việc làm rõ “tính chất chuyên nghiệp và bóc lột”, đây là 2 yếu tố khiến cơ quan điều tra gặp phải không ít khó khăn.
Nhiều vụ việc, sau khi cảnh sát tiến hành bắt giữ đối tượng thì rất nhanh sau đó, phải lập tức thả ra, đình chỉ điều tra chỉ vì không chứng minh được dấu hiệu định tính trên.
Công an tiến hành kiểm tra một căn hộ tại chung cư The Star (P.Tân Tạo, Q. BìnhTân) – nơi trú ngụ của các đối tượng trong đườn dây “tín dụng đen” do Nguyễn Khắc Đức cầm đầu.
Tháo gỡ “nút thắt” tội danh
Kể từ ngày 1-1-2018, Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã tháo gỡ các “nút thắt” vừa nêu để cơ quan tố tụng dễ dàng xử lý nạn tín dụng “đen” núp bóng. Theo một cán bộ điều tra thuộc Đội CSHS Công an Q. Tân Phú, hiện nay tại Điều 201 BLHS 2015 đã quy định người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS), thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm. Còn thu lợi trên 100 triệu đồng thì bị phạt tù 3 năm.
“Lãi suất theo BLDS 2015 là “không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay”. Như vậy, với quy định trên, cơ quan tố tụng chỉ cần chứng minh 2 yếu tố là “gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS” và “thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng” là có thể bị xử lý hình sự mà không cần phải chứng minh các dấu hiệu khác” - luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết (Đoàn Luật sư TPHCM), phân tích.
“Đa phần các vụ cho vay nặng lãi khi bị khởi tố, cơ quan điều tra đều phải sử dụng ở một khung tội danh khác như giam giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản hay tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Việc chưa thống nhất quan điểm buộc tội giữa Viện kiểm soát và Cơ quan CSĐT cũng là một trong những yếu tố gây khó khăn, khiến việc xử lý một vụ án cho vay nặng lãi hay gặp phải bế tắc” – một điều tra viên thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TPHCM, đánh giá.
Trong chuyên án 118C mà Công an Q.Tân Phú đã khởi tố đúng tội danh “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, bước đầu lực lượng chức năng đã làm rõ băng nhóm này cho vay mức lãi suất từ 20 đến 90% một tháng. Ngoài ra đường dây tín dụng “đen” do Nguyễn Văn Tư và Trần Đình Cường cầm đầu còn thu lợi hàng trăm triệu đồng, thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của điều luật.
Chính vì lý này, các quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can đã được Viện kiểm soát phê chuẩn. “Vụ khởi tố đúng tội danh của băng cho vay nặng lãi ở Q.Tân Phú là thành công rất lớn của lực lượng điều tra Công an TPHCM. Chúng tôi đã phân công lực lượng cảnh sát điều tra của đơn vị đến quận này để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm xử lý” – lãnh đạo công an một tỉnh miền Tây, chia sẻ.
Hồ sơ, sổ sách phục vụ cho hành vi cho vay nặng lãi bị công an thu giữ.
Dù gặp phải rất nhiều vướng mắc song với sự mưu trí của các điều tra viên thì việc chuyển hóa các chứng cứ phạm tội để thoả mãn những yêu cầu tố tụng, đã tạo ra sự thành công của vụ án. Và quan trọng không kém là sự sáng tạo, quyết tâm trong quá trình đeo bám, thu thập chứng cứ trước đó của lực lượng trinh sát, đó luôn là những nền tảng vững chắc bước đầu.
Thành công từ các vụ triệt phá cho vay nặng lãi của Công an Q.Tân Phú chắc chắn sẽ mở ra những kinh nghiệm rất quý báu cho quá trình điều tra của lực lượng công an, đúng như kỳ vọng trước đó của thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó giám đốc Công an TPHCM) trong công tác đấu tranh với vấn nạn này.
Mở rộng chuyên án
Ngoài 11 đối tượng có liên quan tới các đường dây tín dụng “đen” đã bị bắt, đến chiều 19-7, Công an Q.Tân Phú tiếp tục bắt nóng 5 đối tượng khác để phục vụ công tác điều tra mở rộng chuyên án 718V, nâng tổng số đối tượng bị bắt giữ lên thành 16 người. Cầm đầu đường dây mới này là Nguyễn Khắc Đức (SN 1980, quê Hà Nội). Theo tài liệu trinh sát, Đức ngụ ở P15 (Q.Tân Bình), cũng là một trong những chủ nợ của chị P. (nạn nhân chúng tôi đã nêu trong 2 bài viết trước).
Khi chị P. không còn đủ sức trả lãi, Nguyễn Khắc Đức tỏ ra vô cùng tức tối, quyết kéo “quân” tới tận khu xưởng của nạn nhân ở P.Hiệp Tân (Q.Tân Phú) để lấy tiền. Trong nhóm người cùng theo chân Đức lần này có Lê Thành Nam (SN 1989, quê Hà Nội), Nguyễn Danh Tuấn (SN 1989, quê Hà Nội), Phạm Xuân Sơn (SN 1993, quê Hà Nội) và Huỳnh Văn Nhi (SN 1982, quên Hà Nội).
Đối tượng Nguyễn Khắc Đức
Ngay lập tức, các trinh sát đã có mặt tại hiện trường, bắt quả tang Đức và đồng bọn đang thực hiện hành vi phạm tội. Tại cơ quan điều tra, Đức khai vào tháng 4-2018, y có cho chị P. mượn 100 triệu đồng với lãi suất hơn 60 %/tháng. Sau khi cấn trừ 20% tiền phí làm hồ sơ và lấy trước 5 ngày tiền lãi, số tiền thực chất Đức đưa cho chị P. chỉ là 70 triệu đồng.
Ngay sau khi đối tượng Đức thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nêu trên, ngay trong tối 19-7, 2 tổ công tác nhanh chóng được cử đến nơi cư trú của băng này để khám xét, thu giữ tang vật. Tại chung cư The Star (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân – là nơi Đức ở), cảnh sát phát hiện và thu giữ hàng trăm bộ hồ sơ, chứng từ thể hiện việc đối tượng này và các đàn em có liên quan tới việc tổ chức cho vay nặng lãi.
Các đối tượng đàn em của Nguyễn Khắc Đức bị công an bắt giữ.
Ngoài những tài liệu thu giữ được ở đây, tại chung cư The Rubik (P.15, Q.Tân Bình), cảnh sát còn thu giữ thêm hồ sơ, sổ sách quan trọng khác thể hiện hoạt động cho vay tín dụng đen trải rộng trên nhiều quận – huyện, tỉnh – thành của băng này. Điều tra bước đầu của cơ quan công an cũng cho thấy, hoạt động cho vay nặng lãi được Đức tổ chức từ hơn 2 năm nay. Trung bình, số tiền bất chính mỗi tháng mà y và “chân rết” bóc lột từ túi người dân có khi lên tới cả tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, số nạn nhân liên quan đến chuyên án 718V vẫn chưa dừng lại. Tại Đội CSHS Công an Q.Tân Phú mấy ngày nay, số nạn nhân tìm đến để tố cáo các đối tượng nằm trong đường dây cho vay nặng lãi ngày càng tăng. Nhiều trường hợp nạn nhân khi tìm đến trình báo đã lâm vào cảnh tán gia bại sản.
Đức Nam (ghi)
Phát hiện hàng ngàn tờ rơi tín dụng "đen"Cũng trong quá trình khám xét, lực lượng chức năng còn phát hiện bên trong căn hộ lưu trú của các đối tượng đã cất giữ hàng ngàn tờ rơi cho vay nặng lãi. Làm việc với Phạm Xuân Sơn, đối tượng này khai nhận số tờ rơi nói trên được các đối tượng sử dụng vào việc quảng cáo, thu hút người dân tìm tới để vay mượn tiền. Để tờ rơi tiếp cận đến tay người dân, Đức giao Sơn và các đàn em hằng đêm tìm đến các công công ty trong khu công nghiệp Poucheng, Q. Bình Tân và khu vực lân cận để gián lên tường rào. Trung bình mỗi tối, Sơn và các đối tượng khác sẽ dán khoảng từ 1000 đến 2000 tờ rơi, trải dài hàng chục km xuyên qua nhiều quận, huyện tại TP.HCM.
Các tờ rơi tín dụng "đen" bị công an phát hiện bên trong nơi cư ngụ của các đối tượng