Phan Văn Vĩnh có vai trò thế nào trong đường dây đánh bạc gần 10.000 tỷ?

Thứ Bảy, 21/07/2018 11:11  | Mai Loan

|

(CAO) Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đây là vụ án có tổ chức, liên kết chặt chẽ, nhiều đối tượng tham gia, thủ đoạn rất tinh vi, sử dụng công nghệ cao để thực hiện tội phạm.

Đáng chú ý, trong vụ án này còn có sự tiếp tay của một số cán bộ Nhà nước, tạo điều kiện cho đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố 105 bị can, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát, đề nghị truy tố 92 bị can; tạm đình chỉ 13 bị can, trong đó có 12 đối tượng đang bị truy nã, 1 trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo.

Hai ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa

Làm trái quyết định của Bộ Công an

Từ kết quả điều tra vụ án “Tổ chức đánh bạc” trực tuyến trên mạng Internet, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã có căn cứ làm rõ hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của ông Phan Văn Vĩnh - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an và ông Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Tổng cục Cảnh sát. Hai bị can đều là người có chức vụ, quyền hạn cao trong lực lượng bảo vệ pháp luật.

Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định: Ngày 4-2-2010, Bộ Công an ban hành Quyết định số 450/QĐ-BCA, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của C50, trong đó quy định C50 có nhiệm vụ, quyền hạn được thành lập công ty bình phong để phục vụ yêu cầu nghiệp vụ.

Khoảng giữa năm 2011, ông Phan Văn Vĩnh chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa, nghiên cứu lập tờ trình xin chủ trương thành lập công ty bình phong. Nguyễn Thanh Hoá giao Phòng Tham mưu - C50, do ông Võ Tuấn Dũng - Trưởng phòng nghiên cứu, xây dựng các thủ tục thành lập công ty bình phong.

Trong thời gian xin chủ trương thành lập công ty bình phong, Phan Văn Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương (SN 1975, ngụ P.Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội, chỗ ở chung cư Vincom Bà Triệu, P.Lê Đại Hành, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) gặp Nguyễn Thanh Hóa để thành lập công ty bình phong cho Cục C50.

Sau đó, Nguyễn Văn Dương đến gặp Nguyễn Thanh Hóa và thống nhất để Dương thành lập công ty làm công ty bình phong cho C50.

Ngày 30-9-2011, Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao (viết tắt là CNC) và làm Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam

Sau khi giới thiệu cho bị cán Hóa để hợp tác, thành lập công ty bình phòng, lợi dụng Quyết định số 450/QĐ-BCA ngày 4-2-2010 và Quyết định số 2436/QĐ-BCA ngày 11-5-2015 của Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của C50, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa chỉ đạo cấp dưới tham mưu ban hành Quyết định số 158/QĐ-C41(C50) ngày 14-5-2015 về việc thành lập công ty bình phong thuộc C50 (Công ty CNC) trái với Quyết định của Bộ Công an và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an; đồng thời cho Công ty CNC được thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội do Tổng cục Cảnh sát quản lý.

Từ việc này mà các đơn vị có chức năng quản lý, phòng ngừa đấu tranh lầm tưởng Công ty CNC là công ty nghiệp vụ của Tổng cục cảnh sát, để tạo vỏ bọc cho Dương và đồng phạm tổ chức đánh bạc trên mạng intenet được thuận lợi.

Biết Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, Phan Văn Vĩnh không ngăn chặn, xử lý mà còn ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức đánh bạc cho Công ty CNC. Đồng thời, còn chỉ đạo Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an cho Công ty CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc (vận hành cổng trò chơi đổi thưởng game bài Tip.Club) và bút phê đồng ý vào văn bản hợp thức ngày 12-10-2011 để che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công an.

Cơ quan điều tra khám xét, thu giữ kho tiền của các đối tượng

Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện Công ty CNC vận hành 2 game bài RikVip.com và 23zdo.com là đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu có báo cáo. Tuy nhiên Phan Văn Vĩnh không chấp hành ý kiến chỉ đạo, đến khi có văn bản lần thứ 2 sau 50 ngày mới chỉ đạo C50 tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, nhưng báo cáo không đúng sự thật và cũng không chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc.

Ngoài ra, Phan Văn Vĩnh còn chỉ đạo ông Nguyễn Công Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát ký tiếp văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cho vận hành game bài đánh bạc của Công ty CNC.

Liên minh "ma quỷ"

Đối với Phan Sào Nam, Năm 2014 Nam cùng Hoàng Thành Trung (40 tuổi, ngụ chung cư 282, P.Lĩnh Nam, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) hợp tác phát triển, kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài.

Sau đó, theo đề nghị của Trung, Nam gặp Đỗ Bích Thủy (46 tuổi, chị họ Nam), Giám đốc Công ty TNHH phát triển nhà và đất Nam Việt, thống nhất việc mượn pháp nhân Công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến.

Năm 2015, Phan Sào Nam gặp Nguyễn Văn Dương và được biết Công ty CNC là công ty bình phong của Cục C50 nên đã đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài, Dương đồng ý.

Ngày 1-4-2015, Dương chỉ đạo Lưu Thị Hồng (42 tuổi trú chung cư Mandarin Garden, P.Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), Tổng giám đốc Công ty CNC, ký hợp đồng số với Nam về việc “cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ” cho dịch vụ “Win2All khai thác thương mại với tên RikVip theo địa chỉ Web Www.rikvip.com”. Hai bên thỏa thuận tỷ lệ phân chia theo doanh thu như sau: Nếu doanh thu đến 5 tỷ đồng/tháng, thì CNC hưởng 30%, VTC online (của Phan Sào Nam) hưởng 70%; nếu doanh thu từ trên 5 tỷ đồng/tháng đến dưới 15 tỷ đồng, thì CNC hưởng 35%, VTC online hưởng 65%; nếu doanh thu trên 15 tỷ đồng/tháng, thì CNC được hưởng 40%, VTC online hưởng 60%...

Sau khi ký hợp đồng với Công ty CNC, Phan Sào Nam chỉ đạo Phan Anh Tuấn (40 tuổi), Phó Giám đốc công nghệ - Công ty VTC online mua thiết bị, ký hợp đồng thuê chỗ đặt máy chủ, thuê dải IP tại Công ty dữ liệu VNPT - Chi nhánh Tổng công ty dịch vụ viễn thông, TP Hà Nội để hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến bằng game bài RikVip. Sau đó Tuấn đã tuyển một số nhân viên thiết lập hệ thống 262 máy chủ vật lý, 6 máy chủ ảo hóa, 7 thiết bị SAN lưu trữ dữ liệu để cho game bài RikVip hoạt động.

Phan Sào Nam đồng thời chỉ đạo Phan Anh Tuấn liên hệ kết nối với cổng thanh toán Smartlink và Banknet, sau hợp nhất thành Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Napas, cổng thanh toán MyCard (Đài Loan) và cổng thanh toán PayOneQ (Hàn Quốc) để cho đối tượng đánh bạc sử dụng tiền trong tài khoản ATM của 33 ngân hàng tại Việt Nam và thẻ thanh toán quốc tế đánh bạc trực tuyến; ký các hợp đồng phân phối thẻ Gocoin do Công ty VTC online phát hành với Tổng công ty viễn thông Viettel, Công ty cổ phần công nghệ VIMO, Công ty MoMo để bán cho đối tượng sử dụng đánh bạc trực tuyến tại cổng game bài RikVip…

Để trả thưởng cho các con bạc, Phan Sào Nam chỉ đạo Lê Văn Kiên liên hệ mua mã thẻ điện tử (gồm thẻ viễn thông Viettel, Vinaphone, Mobifone và các loại thẻ game) của 12 công ty (gồm: Tổng công ty viễn thông Viettel, Công ty TNHH Nhà nước MTV thương mại và xuất nhập khẩu Viettel, Công ty cổ phần thanh toán điện tử VNPT, Trung tâm VNPT Hà Nội, Công ty cổ phần Lô Gích, Công ty cổ phần công nghệ Mobifone toàn cầu, Công ty cổ phần viễn thông - tin học bưu điện, Công ty VTC công nghệ và nội dung số, Công ty cổ phần công nghệ VIMO, Công ty TNHH sản xuất và thương mại An Thịnh, Công ty cổ phần viễn thông và giải pháp công nghệ Việt Nam, Công ty cổ phần Ngân Lượng), bàn giao cho Kim Thanh Thủy (33 tuổi), Trưởng phòng Core (cơ sở dữ liệu) - Công ty Nam Việt, để nhập vào kho thẻ trả thưởng trong hệ thống cơ sở dữ liệu của cổng game bài RikVip.

Ngoài ra, các đối tượng còn đăng ký tài khoản Topup tại Công ty cổ phần thanh toán điện tử VNPT (VNPT EPAY) cho kết nối với cổng game bài RikVip. Liên hệ với Công ty cổ phần Lô Gích “xử lý” tiền để nộp vào 3 tài khoản đại lý tổng “Skyline” do Lê Anh Tú (40 tuổi ở P. Cẩm Thành, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) điều hành và 12 tài khoản đại lý tổng “Worlbank69” do Hoàng Ngọc Tú (36 tuổi, ở TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) điều hành, để các đại lý tổng thực hiện thu mua lại Rik của các “đại lý cấp 1”.

Để có tiền nộp vào các tài khoản của đại lý tổng “Skyline” và “Worlbank69”, Phan Sào Nam trực tiếp liên hệ, thỏa thuận với Nguyễn Trọng Thắng (43 tuổi), Chủ tịch hội đồng quản trị - Công ty cổ phần Lô Gích để “xử lý” tiền cho Công ty VTC online, với chi phí 0,9% trên tổng doanh số.

Theo kết luận điều tra, đến nay đã có đủ căn cứ kết luận xác định đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu, gồm 25 “đại lý cấp 1”, 5.877 “đại lý cấp 2” và 42.956.718 tài khoản tham gia đánh bạc; số tiền doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến đã chứng minh được là hơn 9.853 tỷ đồng.

Sau khi chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành là hơn 3.700 tỷ đồng, các cá nhân được hưởng lợi trên 4.700 tỷ đồng, trong đó: Phan Sào Nam hưởng lợi 1.475 tỷ đồng; Nguyễn Văn Dương - CNC hưởng lợi 1.655 tỷ đồng; nhóm Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) hưởng lợi 1.574 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên của các bị can và những người có liên quan hơn 1.343 tỷ đồng. Qua điều tra cũng đã có đủ căn cứ đề nghị truy tố Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa là đồng phạm về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Khoản 2, Điều 356 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bình luận (0)

Lên đầu trang