Những người "chạm mặt tử thần" (kỳ 1)

Thứ Tư, 25/07/2018 18:16  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Lao động và sinh hoạt bình thường, một ngày nọ, họ phát hiện trong người có nhiều biểu hiện bất thường nên vào bệnh viện kiểm tra. Được bác sĩ thông báo kết quả, tất cả dường như chết lặng vì biết mình mang căn bệnh quái ác thời kỳ cuối.

Kỳ 1: NHỮNG NGÀY BỊ HÀNH HẠ

Hàng ngày, sống trong những căn phòng tập thể oi bức, người mắc bệnh suy thận mãn tính đợi đến lịch tới bệnh viện lọc thận. Họ cho biết, chạy thận để duy trì sự sống, được ngày nào hay ngày đó. Đêm đến, bệnh nhân thường xuyên bị tức ngực, nôn ói và sợ nước tràn lên phổi, nên chỉ còn cách ngủ ngồi, tựa đầu vào những chiếc thùng giấy hết sức khổ sở.

Ăn không ngon, ngủ không yên

Được sự giới thiệu của bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Trung tâm (BVĐKTT) An Giang, chúng tôi tìm về Trung tâm Nuôi dưỡng người nhà và trẻ mồ côi nằm trên đường Ngô Văn Sở (khóm Đông An, phường Mỹ Xuyên, TP.Long Xuyên) – nơi có hơn 10 bệnh nhân tá túc tại đây.

Nằm trên giường với vẻ mặt tiều tụy, ông Tô Văn Đực (56 tuổi) cho biết: “Bản thân tôi mắc bệnh suy thận mãn tính đến nay đã 2 năm, thấy khỏe vậy chứ mệt lúc nào không hay. Ban đêm, tôi và nhiều người phải ngủ ngồi vì nếu không làm thế nước sẽ tràn lên tim, phổi. Khi ngủ đầu tựa vào chiếc thùng giấy đặt cái gối lên trên. Mỗi đêm, người nào ngủ nhiều cũng chỉ được 2 – 3 tiếng đồng hồ, bởi lượng nước cứ tăng lên hoài. Ngoài ra một số trường hợp bị ói và thở không được”.

Trước đây, ông Đực có vợ ở TP.Long Xuyên, nhưng vì quá lệ thuộc vào kinh tế gia đình bên kia dẫn đến vợ chồng ly dị. Hai đứa con theo mẹ, ông sống một mình nên quyết định lên Bình Dương làm phụ hồ. Trong một lần làm việc, ông Đực thấy trong người hơi mệt và ói được các đồng nghiệp đưa vào Bệnh viện 175 khám.

“Bác sĩ xác định tôi bị suy thận mãn thời kỳ cuối nên tiến hành lọc thận. Do số tiền dành dụm đã hết và không bảo hiểm đành chuyển về quê. Nguyên nhân bệnh của tôi có thể do làm việc ở điều kiện bụi bặm hít thở lâu ngày, phát không hay đến khi khám là thời kỳ cuối”, ông Đực buồn bã kể.

Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, nơi có hơn trăm bệnh nhân chạy thận nhân tạo mỗi ngày

Tương tự mắc bệnh khi còn khá trẻ, anh Võ Văn Thọ (34 tuổi, ngụ xã Lê Trì, H.Tri Tôn) kể, gia đình có đến 9 người anh em. Lúc anh chị có chồng anh ở chung với người cha già để tiện việc chăm sóc. Vì cuộc sống khó khăn anh gửi cha lại cho anh chị em chăm sóc để lên Bình Dương phụ hồ, với thu nhập 250 ngàn đồng/ngày.

Sau mấy năm làm việc, anh Thọ thấy mình tự nhiên lên cơn sốt, ói rồi mua thuốc uống cho qua ngày. Hơn 2 tháng sau, anh sốt nặng được đưa vào bệnh viện thử máu, nước tiểu. Bác sĩ thông báo anh bị suy thận mãn tính, phải tiến hành chạy thận. Sau hơn 1 tháng chữa trị, tiền hết sạch bệnh không khỏi anh đành xin về TP.Long Xuyên điều trị theo diện BHYT.

Anh Thọ tâm sự: “Bị bệnh không có người đưa rước đành nhờ xóm giềng tiếp giúp. Mắc bệnh đến nay đã hơn 3 năm, có khi đôi ba tháng vô nhập viện 1 lần, nhưng lắm lúc 2 – 3 ngày và bất kể giờ giấc. Sau 1 ngày lọc thận, tay chân sẽ căng phồng như… ổ bánh mì. Tay tôi ghim kim tiêm giờ bị phù hết rồi, trời nóng nực mà nước cũng chẳng dám uống vì sợ mệt. Đến bữa ăn cũng hạn chế, bởi không còn tiêu hóa như trước. Ngoài ra chức năng đi tiểu cũng không còn”.

Anh Thọ cũng từng mơ ước lập gia đình, làm ra nhiều tiền nuôi dưỡng người cha già, nhưng tất cả dường như đã tan biến. Anh nói giọng chua xót: “Trời kêu ai nấy dạ chứ biết sao bây giờ!”.

Hiểu rõ cuộc sống bệnh nhân, chị Trần Thị Tiền (30 tuổi, ngụ xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên) nuôi mẹ và cha chồng cho biết: “Hai người thân bị bệnh thận 2 năm nay rồi. Không chỉ người bệnh mà người nuôi bệnh cũng thức trắng, bởi đêm ngủ được vài tiếng là mừng. Họ hết kiêng cữ ăn trái cây đến uống nước dừa. Thấy họ ăn cũng chẳng ngon mà ngủ không yên, đài đọ thân xác thiệt quá tội”.

Muốn chết cho xong!

Ngồi trước cửa phòng với vẻ mặt rầu rĩ, hồi lâu nước mắt lăn dài trên đôi má nhiều nếp nhăn. Cụ Trần Thị Én (87 tuổi, ngụ TT.Óc Eo, H.Thoại Sơn) cho biết, bản thân mắc bệnh đến nay đã 6 tháng. Trước đây, bà có nổi sạn phía sau lưng, vừa mổ không bao lâu phát hiện bị suy thận mãn tính. Từ ngày bị bệnh đến nay, bà ốm ra và không còn vui cười như trước nữa.

Bà tâm sự: “Tôi ở dưới quê với người con út và mấy đứa cháu, nhìn chúng vui đùa mỗi ngày giờ lại phải sống chật hẹp bảo sao không buồn. Lên đây có chỗ ở chứ nếu mướn nhà chắc chết luôn quá! Già không làm ra tiền mà tuần phải chạy thận 2 lần tốn hơn 600 ngàn đồng. Mình bệnh con cái phải lên nuôi chẳng làm gì được, nên thấy chết cho khỏe thân chứ sống làm khổ chúng nó”, bà Én khóc nức nở.

Trước đây, gia đình bà Én ở gần cầu Mướp Văn (Thoại Sơn), sau đó bị giải tỏa đưa về khu kinh tế mới TT.Óc Eo. Hàng ngày, vợ chồng con cái phải tá túc trên mảnh đất của người hàng xóm. Dù mới bị bệnh và lịch chạy thận ít hơn, nhưng bà Én cũng chẳng thể về nhà vì đường xa, mỗi lần di chuyển tốn gần cả triệu đồng do không ngồi được xe máy.

Bệnh nhân chạy thận sống trong cảnh khổ sở, ngủ ngồi.

Theo lời bà Én, bà sống đến từng tuổi này mà giờ mới biết được căn bệnh quái ác này. Không chỉ người già mà những người trẻ cũng mắc phải. Ông Nguyễn Thành Sơn (65 tuổi, ngụ Long Điền B, H.Chợ Mới) với làn da đen sạm, mắt mờ đục, cánh tay nổi đầy những nốt sần. Vết kim tiêm ngày một nhiều khiến cánh tay ông càng thêm nhăn nheo hơn. Một tháng nay, bệnh trở nặng khiến ông không thể về nhà, ăn uống kém, thường xuyên nôn ói.

“Có lẽ tôi sắp về chầu trời rồi!”, ông ngồi tựa lưng vào tường nói một cách thản nhiên. Ông nói rằng bệnh nhân chạy thận tá túc tại đây đều xác định sẽ chết, chỉ là nó xảy ra sớm hay muộn. Niềm an ủi lớn nhất là người vợ ở bên động viên, vỗ lưng, đấm bóp để ông đủ sức chống lại bệnh tật.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Khoa Nội thận - Tiết niệu thận nhân tạo – BVĐKTT An Giang cho biết: “Mỗi ngày đơn vị tiếp hơn hơn 110 ca chạy thận. Việc chạy thận bắt đầu từ 4 giờ sáng, bởi mỗi ngày có đến 3 ca. Mỗi bệnh nhân lọc thận từ 2 – 3 lần/tuần tùy vào mức độ bệnh nặng nhẹ”.

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang