Những người “chạm mặt tử thần” (kỳ 3)

Thứ Hai, 30/07/2018 13:05  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Trong hơn 10 bệnh nhân sống ở “xóm chạy thận” hoàn cảnh chị Trần Thị Thúy Oanh (36 tuổi, ngụ H.Chợ Mới, An Giang) là đáng thương hơn cả. Chồng bị tai nạn giao thông trở thành người điên dại, còn chị mắc bệnh quái ác sống xa nhà cho đến nay. 

KỲ 2: KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT KHÓ KHĂN

Chồng bị tai nạn giao thông trở thành người điên dại, mọi gánh nặng dồn lên vai chị Oanh. Trong lúc vừa kiếm tiền chữa bệnh cho chồng, cơm gạo nuôi con bỗng chị mắc phải căn bệnh quái ác. Xa con, xa chồng chính là nỗi đau lớn nhất của đời chị.

Chồng đợi tiền ráp não

Ngồi tựa vào chiếc ghế đá đặt trước cửa phòng cấp cứu bệnh viện đợi người hàng xóm chở về nơi ở tập trung là hình ảnh một người phụ nữ gầy ốm, mặt xanh xao, mắt thâm quầng, tay dán nhiều miếng bông băng. Hỏi thăm người này cho biết là Trần Thị Thúy Oanh, một trong những phận đời tá túc tại “xóm chạy thận”.

Chị này cho biết: Chị và anh Dương Quốc Trọng (33 tuổi) kết hôn đến nay đã 5 năm. Trước đây, do nhà không đất vườn, nên vợ chồng kéo nhau lên TPHCM lập nghiệp. Lên đấy, người chồng đi mua loa bông bí, đĩa nhạc cũ bán lại cho dân chơi đồ cổ, còn chị ở nhà lo việc nội trợ.

Sau 1 năm cưới nhau, chị hạ sinh 1 bé gái kháu khỉnh. Lúc này, đôi vợ chồng trẻ rất hạnh phúc và vẽ nên nhiều kế hoạch cho tương lai, nào ngờ tai họa ập đến dập tắt mọi thứ.

Nhớ lại khoảng thời gian định mệnh của đời mình, chị Oanh buồn bã kể: “Vào khoảng 21 giờ tối, chồng tôi về nhà như thường lệ. Tuy nhiên chỉ còn cách nhà chưa đầy 10m bất ngờ bị tan nạn giao thông. Lúc đó, ảnh quẹo xe vào nhà thì chiếc xe gắn máy chạy phía sau tông trực diện phải đưa vào Bệnh viện 175 cấp cứu.

Bác sĩ xác định ảnh bị chấn thương sọ não, sau đó hộp sọ được gửi lên BV Phạm Ngọc Thạch nuôi dưỡng. Họ nói ráp sọ tốt nhất là 6 tháng trở lại nhưng đến nay đã 4 năm rồi, theo quy định 5 năm sẽ hủy”, hai dòng nước mắt lăn dài trên má chị Oanh.

Suy thận mãn không chỉ là nỗi đau của chị Oanh mà còn nhiều gia đình khác.

Chị Oanh còn cho biết, bác sĩ nói hộp sọ của chồng chị đã cũ, nếu có thay phải ráp sọ nhân tạo, chi phí cho ca phẫu thuật thời điểm đó khoảng 40 triệu đồng dù có bảo hiểm y tế. Lúc tỉnh lúc mê nhưng vì hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, phải nuôi con nhỏ, anh Trọng quyết định đi lãnh vé số bán. Được một vài tháng, mỗi lần trời có nắng lên đầu anh đau nhức và cuối cùng đành bỏ ngang cuộc mưu sinh.

Từ ngày chồng bị tai nạn, gia đình chị Oanh trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Trở thành trụ cột, bao nhiêu gánh nặng đè lên vai người mẹ, người vợ, bởi không chỉ lo chăm sóc chồng con, chị Oanh còn phải chạy vại từng bữa ăn cho gia đình.

Thấy cảnh của họ không tấc đất cắm dùi, nhiều người dân ở xóm gửi con cho chị dạy kèm, để có nguồn thu nhập đắp đỗi qua ngày. Những ngày tháng ấy, họ chắc chiu từng đồng để mong sao có bữa cơm no bụng.

Ráng sống vì con, vì chồng

Tưởng chừng giông bão qua đi, nào ngờ tai họa một lần nữa giáng xuống gia đình nghèo không có… tấc đất cắm dùi. Nhớ lại khoảng thời gian dường như rơi vào tuyệt vọng, chị Oanh nước mắt ngắn dài kể: “Hàng ngày, tôi phụ trách công việc dạy thêm cho hơn 10 em nhỏ trong xóm để chuẩn bị vào lớp 1.

Cách nay gần 3 năm, tôi thấy trong người khó chịu như bị cao huyết áp và mình mẩy sưng phù, nên đến bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận tôi bị suy thận mãn tính phải tiến hành lọc máu để giữ mạng sống. Từ ngày, bị bệnh con gái chỉ còn cách gửi cho người chị chồng nuôi, còn chồng được cha mẹ ruột rước về bên ấy”.

Từ ngày ấy, chị Oanh sống cảnh xa chồng, xa con và phải tìm mọi cách để chống chọi với căn bệnh quái ác. Đã khó nay còn khổ hơn khiến người phụ nữ này nhiều lúc rơi vào tuyệt vọng. Tuy nhiên, nghĩ đến đứa con nhỏ dại, người chồng cần người chăm sóc một lần nữa chị phải đấu tranh tư tưởng để vượt qua số phận đầy nghiệt ngã.

Chị Oanh sau ca chạy thận kéo dài 4 tiếng đồng hồ tại bệnh viện.

Chị Oanh tâm sự: “Năm đầu, lịch chạy thận ít tôi sắp xếp về nhà để chăm sóc con nhỏ. Đến năm thứ 2, tôi phải chạy thận 3 lần/tuần, nhà ở xa đành dọn ít vật dụng vào nương náu hành lang bệnh viện đợi đến ca vào chạy thận.

Hơn 2 năm ròng ở trong bệnh viện chạy thận, tôi nhớ nhà, nhớ chồng con da diết nhưng không về được. Bây giờ, mọi chi phí chạy thận của tôi đều trông chờ vào tình thương của anh em, bà con và sự thương tình các nhà hảo tâm”.

Theo lời người phụ nữ này, xa con, xa chồng chính là nỗi đau lớn nhất của đời chị. Nó còn hơn cả căn bệnh hiểm nghèo đang hành hạ hàng ngày. Mỗi tuần chị chạy thận 3 ca: 1 ca máy nhà nước, còn lại 2 ca dịch vụ, tính ra chi phí cho mỗi tháng điều trị khoảng 2 triệu đồng.

“Buồn vô cùng như ráng sống vì đứa con nhỏ, dù bệnh này bác sĩ nói chạy suốt đời. Ở đây thấy ai mắc bệnh cũng nghèo khổ, không còn tài sản, sống những ngày có nhà không được về”, chị Oanh nói trong nước mắt.

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang