Những người “chạm mặt tử thần” (kỳ 2)

Chủ Nhật, 29/07/2018 06:59  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) “Tôi nhớ con quá, mỗi lần nghe điện thoại không thể kiềm được nước mắt”, “Tôi thương người cha già không ai chăm sóc”, “Tội nghiệp ổng đã lớn tuổi còn phải vất vả kiếm từng đồng gửi lên cho tôi". Đó là nỗi lòng của những bệnh nhân chạy thận.

Kỳ 2: CÓ NHÀ KHÔNG ĐƯỢC VỀ

Do lịch chạy thận được bố trí 3 lần/tuần cũng như nhà ở xa, chi phí đi lại tốn bạc triệu những bệnh nhân suy thận mãn tính phải chấp nhận cuộc sống xa nhà, gia đình, vợ con và người thân.

Nương náu hành lang bệnh viện

Sáu tháng trở về trước, hàng chục bệnh nhân thuộc các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh An Giang chọn hành lang bệnh viện là nhà. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng tất cả đều xem nhau như người thân trong gia đình. Hễ ai nhập viện những khỏe mạnh đi xin cháo vô thăm hoặc gom tiền lại mua sữa giúp họ bồi bổ.

Được biết, mỗi tuần số tiền chạy thận tiêu tốn khoảng 1 triệu đồng. Hoàn cảnh ai cũng khó, nên có người phải bỏ lịch không chạy, đợi người nhà đem tiền lên hoặc chờ nhà hảo tâm mang đến cho. Mỗi lần bỏ cử, người bệnh đau đớn đến mức chỉ muốn chết.

Đối với những người chủ động được phải chạy thận theo lịch 3 lần/tuần, khiến những bệnh nhân nhà ở xa quyết định chọn hành lang bệnh viện là nhà trong suốt thời gian dài. Cứ thế, họ xin cơm từ thiện ăn và trải 1 chiếc chiếu nhỏ để ngã lưng hàng đêm.

Nhưng giấc ngủ có bao giờ trọn vẹn khi tiếng bước chân cấp cứu, siêu âm, xét nghiệm trong bệnh viện cứ thi nhau kéo đến. Chưa kể, có người bị bệnh “hành”, cả đêm ngồi ôm chiếc thùng giấy thở nặng nhọc.

Hành lang bệnh viện, từng là nơi nương náu của hàng chục bệnh nhân chạy thận.

Có nhiều kỷ niệm với nơi này, ông Phạm Văn Ai (ngụ huyện Tri Tôn) kể: “Trước đây, từ nhà đến bệnh viện cha con phải vượt đoạn đường hơn 80 cây số. Được bố trí lịch chạy 3 lần/tuần, nên chúng tôi quyết định chọn hành lang bệnh viện là nơi tá túc. Do vậy, mướn ghế bố với giá 10 ngàn đồng để cha con ngủ lại. Những lúc trời nắng hoặc đông bệnh nhân, chúng tôi phải mang ghế ra ngoài, chịu cảnh dầm sương, muỗi đốt hết sức vất vả”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngân (57 tuổi, ngụ xã Mỹ Hiệp, H.Chợ Mới) tâm sự: “Hơn 1 năm chạy thận, những lúc không tiền tôi đành ngưng lại. Cơ thể gần như mất hết sức lực, hơi thở yếu ớt, cơn đau nhức kéo đến khổ lắm! Chạy thận chỉ là để duy trì sự sống, được ngày nào hay ngày đó. Nhà xa với lại đâu ngồi được xe máy, muốn đi về phải bỏ ra cả triệu đồng trong khi đó mình không tiền”.

Theo lời ông Ai, bà Ngân và nhiều bệnh nhân một thời nương náu nhờ bệnh viện cho biết, thời điểm đó cho đến bây giờ máy móc thuộc diện nhà nước không nhiều, nên phải tranh thủ. Ở xa đến không kịp trễ ca phải dời lại ca sau, vừa mất thời gian lại nguy hiểm.

"Xóm chạy thận" giữa lòng thành phố

Mấy tháng nay, được bệnh viện hỗ trợ chỗ ở, lo chi phí điện, nước những phận đời ấy đã thoát được cảnh xem hành lang là nhà. Họ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo về đây ở gần nhau trong một dãy phòng mang tên…“xóm chạy thận”. Chiều nắng đã vơi, chúng tôi tìm về xóm này nằm trong đường Ngô Văn Sở.

Khu nhà có hơn 10 phòng xây kiêng cố, nhưng hiện tại có 3 phòng dành cho các bệnh nhân chạy thận. Bệnh nhân sống ở đây già có, thanh niên trai tráng cũng đôi ba người. Những người ở đây đều có chung một hoàn cảnh: tiền bạc eo hẹp, nhà ở xa thành phố hoặc sống tận vùng sâu. Ở đây, bệnh nhân đều rơi vào giai đoạn cuối của căn bệnh suy thận mãn tính.

Đến buổi những bệnh nhân "xóm chạy thận" đi xin cơm ăn vì ai cũng lâm cảnh nghèo khó.

Sống ở đây, ai cũng có các đồ dùng cá nhân riêng, mỗi người tự phục vụ mình để có sức chống chọi với bệnh tật. Trong căn phòng cuối dãy là nơi sinh hoạt của 4 người phụ nữ thuộc nhiều lứa tuổi, bi đát nhất là trường hợp của chị Oanh. Nhìn chị có vẻ già nua, yếu ớt hơn hẳn, bởi ít gì cũng gần 3 năm gắn bó với bệnh viện. Sang phòng bên cạnh là nơi những người có độ tuổi trung niên ở.

Bước vào trong, chúng tôi thấy Minh còn thiu thỉu ngủ sau ca chạy thận buổi trưa. Lọ mọ thức dậy vơ chiếc khăn mặt lau cho tỉnh táo, Minh chậm rãi nói về cuộc đời của mình. Người này cho biết bị bệnh khi mới 21 tuổi. Minh chấp nhận sống chung với căn bệnh quái ác này và không bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương hay có một gia đình nhỏ bé của riêng mình.

Ngồi cầm quyển sách đọc dở, Minh tâm sự: “Suốt nhiều năm trời chạy thận, khiến kinh tế gia đình em trở nên kiệt quệ. Hiện tiền chạy thận do các nhà hảo tâm, hàng xóm, bệnh viện đóng góp chứ không thôi đã không giữ được mạng cho đến ngày hôm nay”.

Dù chuyển về “xóm chạy thận” không bao lâu nhưng cũng có mấy trường hợp ra đi vĩnh viễn. Trưởng nhóm xóm này cho biết: “Phòng nào giờ cũng có giường trống. Trường hợp Phạm Thị Lằn (58 tuổi, ngụ Chợ Mới) sau gần 2 năm điều trị mất cách nay hơn 10 ngày. Cạnh bên là trường hợp ông Đinh Phước Diễn (47 tuổi) mất cách nay 6 tháng…”.

Nằm trên giường với nét mặt buồn, anh Thọ cho biết: “Vắng một người căn phòng trở nên lạnh lẽo hơn, riêng tôi không biết sống được đến ngày nào, nghĩ đến là buồn”.

Ở “xóm chạy thận” họ yêu thương, đùm bọc, nương tựa nhau, dìu dắt nhau sống với sự lạc quan, tin tưởng vào một ngày sẽ khỏi bệnh và được ra viện. Càng về chiều, “xóm chạy thận” càng thêm hiu hắt, ảm đạm, nhịp sống nơi đây cứ âm thầm diễn ra như những nốt nhạc buồn.

Bác sĩ Dương Thị Thu Cúc - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ BVĐKTT An Giang chia sẻ: “Trước đây, những bệnh nhân suy thận ở trước cổng hoặc hành lang bệnh viện để chờ đến lượt chạy thận. Sau khi chuyển qua bệnh viện mới, tình cảnh ấy lặp lại, khiến sức khỏe họ không được đảm bảo, mất mỹ quan.

Vì thế bệnh viện vận động nhà hảo tâm, cán bộ nhân viên liên hệ trung tâm thuê 3 phòng, chi trả điện nước để họ ở. Bố trí nơi đó bởi có cơ quan y tế hỗ trợ kịp thời khi bệnh trở nặng. Việc ăn uống của họ có Hội Từ thiện đảm nhận. Dự định tới đây sẽ bố trí xe đưa rước cho thuận tiện”.

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang