Những người “chạm mặt tử thần” (kỳ 4)

Thứ Ba, 31/07/2018 17:26  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Thấy những người có cùng hoàn cảnh như con mình phải lội bộ hàng cây số để lọc thân, người cha nghèo tự nguyện làm “xe ôm” miễn phí. Ông nói: “Giờ mình không còn gì hết nên chia sẻ được khó khăn gì thì làm thôi!”.

KỲ 4: LÁ RÁCH ĐÙM LÁ NÁT

Từ ngày đứa con lớn bị căn bệnh quái ác đeo bám, người cha chạy vạy khắp nơi để hỏi tiền duy trì sự sống, thậm chí bán luôn cả chỗ che nắng, che mưa. Không còn chỗ ở, cũng như tiện việc chữa trị cho con, người đàn ông ấy đành tá túc tại hành lang bệnh viện.

Nhờ sự giúp đỡ, họ được bố trí chỗ ở đàng hoàng, nhưng phải di chuyển đến mấy cây số. Hàng ngày, người cha chở những người có cùng số phận như con mình đi lọc thận mà chẳng lấy tiền như nhiều xe ôm khác.

Nghĩa cử của anh “xe ôm”

Suốt 5 năm ròng “đóng đô” ở bệnh, những đồng bạc tích góp cuối cùng của gia đình em Thái Thuận Minh (24 tuổi, ngụ ấp Mỹ Á, xã Núi Voi, H.Tịnh Biên) cạn dần. Chăm sóc cho Minh là người cha nhân hậu, dù miệng lúc nào cũng cười nhưng lòng đau như xát muối.

Ông Phạm Văn Ai (48 tuổi) buồn bã nói: “Lúc trước, con tôi là sinh viên như ai. Nhập học chưa hết năm nhất ở Trường Đại học An Giang, thằng bé trở bệnh phải ngừng. Vợ tôi bỏ đi từ lúc hay tin con mình phát bệnh nặng. Bệnh nó đã chuyển qua giai đoạn cuối, để con vui được ngày nào là hạnh phúc với tôi ngày đó”.

Hoàn cảnh như vậy, nhưng ông Ai sẵn sàng giúp các bệnh nhân có chung căn bệnh như con trai mình. Từ ngày chuyển ra Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi TP.Long Xuyen, thấy mọi người đi chạy thận bất tiện, ông Ai tự nguyện đưa, rước mọi người miễn phí (mỗi ngày 6 lượt).

Nhiều năm nay, ông Ai tự nguyện làm "xe ôm" cho các bệnh nhân ở "xóm chạy thận".

Thấy ông nghèo khổ nhiều người đóng góp chút tiền đổ xăng. Nói về việc làm của mình, ông Ai chia sẻ: “Ngoài chở họ chạy thận theo ca: 2,4,6 hoặc 3,5,7 tôi còn đảm nhận đưa những trường hợp bệnh trở nặng đi cấp cứu. Giờ mình không còn gì hết nên chia sẻ được khó khăn gì thì làm thôi!”.

Trước đây, gia đình ông Ai được 5 công ruộng trồng lúa 2 vụ. Sau 1 năm chạy thận cho con, đất vườn bán sạch vì không làm ra thu nhập. Gia đình chưa có bảo hiểm y tế nên 3 năm đầu con trai ông Ai phải chạy thận bằng máy dịch vụ. Mỗi tuần chạy 3 lần, mỗi lần tốn 250 ngàn đồng.

Ngoài ra còn tốn tiền đi đứng, thuốc men… lên đến vài trăm triệu đồng. Tài sản không còn, cha con ông Ai được đưa vào diện hộ nghèo và thuộc nhóm đối tượng “có thâm niên”, nên mỗi tuần chỉ 1 ca dịch vụ, còn lại là máy nhà nước.

Hết tiền Minh đi bán vé số, còn ông Ai làm phụ hồ. Thấy được nỗi vất vả của hai cha con, người dân kêu họ nghỉ để đứng ra hỗ trợ chi phí. Từ ngày sang hết đất và nền nhà, ông Ai xin người em gái cất nhờ cái chòi để người con út (học lớp 8) có chỗ nương náu và tranh thủ lúc rảnh rỗi về thăm.

Là một trong gần chục bệnh nhân được ông Ai đưa rước miễn phí, chị Trần Thị Thúy Oanh (36 tuổi) cho biết: “Chồng tội bị tai nạn giao thông, con còn nhỏ nên phải tự thân vận động. Mỗi ca chạy thận kéo dài 4 tiếng đồng hồ, nhưng anh Ai đều đợi để đưa rước. Thấy hoàn cảnh cũng khổ bà còn có gom tiền tiếp giúp nhưng kẹt dữ lắm ảnh chỉ lấy đủ tiền đổ xăng”.

Xa xôi tấm bằng Đại học

Con đường tương lai tưởng như rộng mở ngay trước mắt với thành tích học tập đáng nể, nhưng nay lại trở nên quá xa xôi đối với chàng sinh viên năm nhất đại học. Thái Thuận Minh (24 tuổi, con ông Ai) mắc bệnh suy thận khi mới 21 tuổi. Sau khi rót nước mời khách, Minh bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về gia cảnh hết sức bi đát của mình.

Từ ngày mắc bệnh quái ác Minh bỏ dở việc học.

Minh cho biết, bản thân thích chơi đá bóng, nhưng gần cuối học kỳ 1 năm nhất phát hiện mình hay mệt trong người. Nhà ở xa Minh không thông báo với người thân hay đến bệnh viện thăm khám.

“Đá banh xong, tối ngủ em giật mình thức dậy nói chuyện không được. Cứ nghĩ là người quá nóng nên em ra TP.Long Xuyên uống một hơi 4 trái dừa tươi. Thi xong em về nhà nhưng lại thấy khó chịu, đớ lưỡi, sùi bọt mép và chỉ còn cách uống thuốc đợi trời sáng đi bệnh viện. Sau đó, bác sĩ đo nồng độ thận nóng gấp 3 người bình thường...”, Minh kể lại.

Thế là Minh được chuyển ra Châu Đốc, bác sĩ cho biết bị suy thận mãn tính thời kỳ cuối. Biết bệnh tình của con, gia đình ông Ai xin bệnh viện cho chuyển lên TPHCM điều trị. Ông Ai nhớ lại: “Lọc thận nửa tháng tốn chi phí cả trăm triệu đồng, về nhà nó khỏe được 18 ngày, bỗng phát bệnh giật như mắc động kinh. Lập tức tôi chở xuống BVĐKTT An Giang cấp cứu. Thời điểm đó nhà xa cha con đành ngủ lại hành lang bệnh viện”.

Ngoài bán sạch tài sản, gia đình ông Ai vay nợ với số tiền trên 60 triệu đồng. Hàng ngày, hai cha con xin cơm ở bếp ăn từ thiện để no bụng. Nói về quá trình học tập của mình trước khi bị bệnh, Minh kể: “Năm đầu, em thi đậu ĐH Luật TPHCM, nhưng do cha mẹ xảy ra mâu thuẫn đành bảo lưu kết quả về quê. Năm sau, em thi ngành Luật ĐH Cần Thơ nhưng do thấp điểm chỉ đậu ĐH An Giang chuyên ngành Lý luận chính trị. Ở trong kí túc xá em thường xuyên ra các chùa, bệnh viện để xin cơm ăn, tranh thủ thời gian rảnh đi làm công ở quán nhậu để có tiền trang trải việc học”.

Sau 2 năm phát bệnh, để có tiền chạy thận diện dịch vụ Minh chỉ còn cách lãnh vé số kiến thiết bán những ngày không vô bệnh viện. Minh tâm sự, giờ tương lai ước mơ của mình xem như kết thúc, chỉ còn hy vọng vào đứa em út. Mắt của Minh giờ mờ dần, tay chân trở nên yếu ớt. Buồn cho một tương lai đáng lẽ rất rộng mở nay lại phải bỏ dở ước mơ giữa chừng.

“Được đi học là điều mong ước lớn nhất của em, bởi chỉ như thế mới có thể thoát nghèo, làm cha yên lòng. Em mong muốn trở thành giáo viên, nhưng có lễ điều ấy đã không trở thành hiện thực. Giờ nằm đêm nhớ lại em vô cùng đau đớn, do vậy lâu lâu đem sách ra đọc cho vơi đi nỗi buồn”, Minh nói trong xót xa.

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang