Những thách thức khi TP.HCM quyết dành 1,5m vỉa hè cho người đi bộ (kỳ 1)

Thứ Sáu, 03/08/2018 12:41

|

(CAO) Chiến dịch "giành lại vỉa hè" tại TP.HCM lâu nay luôn trở thành chủ đề nóng bỏng được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, để trật tự vỉa hè luôn được duy trì, hơn lúc nào hết người dân đang kỳ vọng vào một giải pháp căn cơ từ phía cơ quan quản lý.

KỲ 1: ĐỀ XUẤT HỢP LÒNG DÂN

Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa gửi đề xuất đến UBND TP, kiến nghị dành tối thiểu 1,5 m chiều rộng trên vỉa hè để phục vụ nhu cầu đi bộ. Phần còn dư lại (nếu có), sẽ được sử dụng để kinh doanh và phục vụ các hoạt động khác. Đây được xem là hành động cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm xác lập một khung pháp lý chung để giải quyết vấn đề vỉa hè một cách căn căn cơ.

Ưu tiên 1,5 m cho người đi bộ

Dự thảo lần này quy định chiều rộng hè phố nếu từ 1,5m trở xuống thì kiên quyết chỉ dành cho người đi bộ. Khi chiều rộng hè phố từ 1,5m đến dưới 3 mét thì dành tối thiểu 1,5 m hè phố cho người đi bộ, phần hè phố còn lại có thể sử dụng phục vụ làm điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, làm điểm trung chuyển vật liệu phục vụ xây dựng, mở bãi giữ xe tự quản hay kinh doanh dịch vụ.

Nếu chiều rộng hè phố từ 3 mét đến dưới 5 m thì dành tối thiểu 1,5 m hè phố cho người đi bộ, phần hè phố còn lại có thể dùng làm điểm trông giữ xe 2 bánh có thu phí, tự quản; tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội; kinh doanh buôn bán và trung chuyển vật liệu, phế thải phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình.

Đối với các tuyến đường có vỉa hè rộng trên 5m sẽ dành tối thiểu 1,5 m hè phố cho người đi bộ, phần hè phố còn lại có thể sử dụng để phục vụ nhu cầu kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa; trông giữ xe 2 bánh hoặc xe ô tô có thu phí...

Đề xuất mới quy định phải dành tối thiểu 1.5 m vỉa hè để phục vụ cho người đi bộ

Bản chất lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra tại sao khi đã quy định rõ trong luật mà cơ quan quản lý vẫn khó khăn trong công tác thực hiện? Nguyên nhân cơ bản là do vỉa hè đang trở thành nồi cơm nuôi sống nhiều gia đình. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm làm sạch vỉa hè, mà không quan tâm tới các vấn đề xã hội phía sau, không thay đổi kết cấu giao thông thì việc quản lý vỉa hè sẽ mãi rơi vào vòng lẩn quẩn.

“Vạch vàng nhân văn”

“Vạch vàng nhân văn” – cụm từ được số đông người dân vẫn ngày ngày tìm sinh kế trên những chiếc vỉa hè nhắc đến. Nhờ có chủ trương này của lãnh đạo UBND TP.HCM, những phận đời cơ cực lại có thể tiếp tục nuôi hy vọng từ những quải ghánh hàng rong, làm phong phú thêm văn hóa đường phố Việt Nam nhưng vẫn không phạm vào các quy định hiện hành của pháp luật.

Thời gian đầu sau khi quyết liệt giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhiều hộ kinh doanh buôn bán đã lâm vào khó khăn vì không có chỗ đậu xe, chỗ gửi xe thì quá tải và giá cao. Anh Phạm Hoàng Lâm (chủ một quán cà phê trên đường Dân Chủ, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức) cho biết, vì các quy định trật tự lòng lề đường được ban hành, khoảng hơn 1 năm nay anh Lâm đành phải thuê thêm một bãi đất trống để trông giữ xe cho khách.

Anh Phạm Hoàng Lâm đang cố gắng sắp xếp xe nằm gọn bên trong vạch kẻ vỉa hè.

Để giải quyết vấn đề trên, TP.HCM đã ban hành, cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe có thu phí, phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa. Một phần chỉ thị nêu rõ, sẽ triển khai việc kẻ vạch sơn, lắp đặt biển báo các vỉa hè cấm để xe, buôn bán và thông tin rộng rãi để có cơ sở giám sát, xử lý.

Tuyến đường phố Tây Đề Thám (P. Phạm Ngũ Lão, Q.1) đã được UBND P.Phạm Ngũ Lão và tổ Trật tự đô thị tiến hành sơn kẻ vạch vàng để người dân có chỗ kinh doanh buôn bán nhưng vẫn đảm bảo hè thoáng cho người đi bộ. Bà Nguyễn Thị Bé Ba (65 tuổi, ngụ P.Phạm Ngũ Lão) chia sẻ, ngày trước chưa có vạch vàng ranh giới, bà và nhiều hộ dân khác kinh doanh hàng rong khác luôn trong tình trạng thấp thỏm lo âu. “Nhưng giờ thì chúng tôi đã có thể yên tâm kiếm sống. Nhà nước đã tạo điều kiện thì mình phải nghiêm túc chấp hành” – bà Ba vui vẻ tâm sự.

Vỉa hè đường Đề Thám được lượng lượng trật tự đô thị P. Phạm Ngũ Lão quản lý chặt chẽ.

Tại một cuộc họp về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội trong năm 2017, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đề nghị các địa phương mau chóng tìm phương án tổ chức kinh tế vỉa hè cho người bán hàng rong. TP.HCM có đặc trưng kinh tế vỉa hè nên quan điểm của UBND TP.HCM cần phải tìm cách sắp xếp tổ chức lại cho nghiêm túc, khoa học vỉa hè, tạo điều kiện cho người dân mưu sinh. “Tổ chức lại để không ảnh hưởng đến giao thông chứ không phải là dẹp” – Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh!

Vỉa hè có công năng chính dành cho người đi bộ, ngoài ra, một số nơi, vỉa hè còn có thể bố tri không gian phục vụ cho nhưng công năng khác nữa. Trách nhiệm của của nhà làm luật phải quy hoạch những công năng đó trên từng lô vỉa hè cho phù hợp với từng địa phương.

Đừng tái diễn buông lỏng "đất vàng" vỉa hè

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền TP.HCM có hướng khai thác và sử dụng vỉa hè như trên. Trong quá trình đưa vào hoạt động, các quy định trước đây còn bộ lộ nhiều thiếu sót, chưa giải quyết hết được nguyện vọng của người dân, dẫn đến việc chấp hành theo các quy định nói trên còn khá thờ ơ.

Trước khi Sở GTVT TP.HCM nghiên cứu và trình bản dự thảo về vỉa hè nói trên, UBND TP cũng đã có quy định vỉa hè rộng trên 3m thì chừa 1,5m để người dân đi bộ, phần còn lại cho sử dụng tạm theo quy định. Lực lượng chức năng tổ chức sơn, kẻ vạch vàng quy định ranh rới sử dụng và phục vụ cho người đi bộ.

Việc áp dụng việc sơn kẻ vạch được xem là biện pháp hữu hiệu trong công tác quản lý trật tự vỉa hè. Những vạch kẻ ranh giới sẽ góp phần không nhỏ để giải quyết bài toán mưu sinh, phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, mưu sinh cho người dân trên những tuyến đường có vỉa hè tại TP.HCM. Cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là các đội quản lý đô thị quận có thể căn cứ theo đó mà quản lý và xử phạt nếu phát sinh sai phạm.

Một đoạn dài vỉa hè đường Lý Thái Tổ (đoạn trước BV Nhi Đồng 1, Q.10) bị các hộ cửa hàng kinh doanh cát cứ, lấn chiếm hết

Tuy nhiên, việc áp dụng kế hoạch này suốt một thời gian qua chưa được thực hiện môt cách đồng bộ, gây nên tình trạng mất trật tự vỉa hè suốt một thời gian dài. Nhiều lãnh đạo quận, huyện của TP.HCM dù thường xuyên “thân chinh” xuống địa bàn vẫn không thể giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Một số chuyên gia về quy hoạch đô thị nhận định, hiện nay TP.HCM có nhiều tuyến đường có giá trị thương mại cao, từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu một mét vuông. Với giá trị khủng như vậy, khi cơ quan quản lý buông lỏng, sẽ có ai đó sẵn sàng đứng ra lấn chiếm, sử dụng vào mục đích thu lợi cá nhân.

Hiện nay, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định công năng vỉa hè dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, trong thời kỳ kinh tế đang ngày một phát triển như vũ bão, ngoài công năng phục vụ người đi bộ thì vỉa hè còn được xem là địa điểm phù hợp để phục vụ cho nhiều hình thức sử dụng khác. Ở một số quốc gia trên thế giới, vỉa hè còn được trưng dụng cho các hoạt thương mại dịch vụ, mô hình nhà hàng cà phê, sạp báo, quầy bán rau quả…

Những công năng này cần sớm được quy định rõ ràng, tránh để mọi hoạt động kể trên tiếp tục phát triển một cách tự phát. Và lúc đó, việc quản lý vỉa hè sẽ càng trở nên phức tạp hơn. Chính vì thế, dự thảo sắp tới của Sở GTVT được UBND TP.HCM thông qua hay câu chuyện về “vạch vàng nhân văn” mà chúng tôi nhắc đến trong bài sẽ giải quyết được bài toán quản lý vỉa hè.

“Vạch vàng nhân văn”, câu chuyện được nhiều người nhắc đến, được xem là sáng kiến được người dân ủng hộ. Nhờ vạch vàng này, những phận đời cơ cực có thể tiếp tục an tâm, kiếm sinh nhai từ nghề “buôn ghánh bán bưng”, duy trì nét đẹp cho văn hóa thành phố, đưa chiến dịch quản lý trật tự vỉa hè tới hồi kết. Và để đưa chủ trương này đi vào thực tiễn một cách bền vững, chắc chắn không phải là công tác dễ dàng dành cho nhà quản lý.

Năm 2008, TP.HCM đã ban hành Quyết định 74 quy định cụ thể việc triển khai sử dụng lòng đường. Có 6 trường hợp được phép sử dụng vỉa hè. Cụ thể: Sử dụng vỉa hè cho hoạt động tổ chức tiệc cưới, tang lễ; Hoạt động trông giữ xe công cộng có thu phí; Phục vụ thi công xây dựng để sửa chữa các công trình; Buôn bán hàng hoá; Hoạt động xã hội; Để xe tự quản trước nhà…. Tuỳ từng trường hợp sẽ có những quy định cụ thể.

Hoàng Đạt (ghi)

 Còn nhiều tuyến đường “mặc kệ" chủ trương

Sáng 29-7, phóng viên có mặt dọc theo tuyến đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua địa bàn các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp) để ghi nhận tình trạng ngang nhiên cát cứ vỉa hè. Cả ngày lẫn đêm, hầu hết vỉa hè con đường đều đã trở thành điểm buôn bán, giữ xe, bãi đổ xà bần công trình xây dựng của các hộ dân xung quanh dù đã có vạch kẻ ngăn cách. Chị Trần Thanh Tuyền (36 tuổi, buôn bán nước giải khát) nói: “Vẫn biết bán như vậy là lấn chiếm vỉa hè nhưng mưu sinh mà phải chịu thôi chừng nào bị đuổi thì mình dẹp”.

Vỉa hè đường Phạm Văn Đồng dù ngày hay đêm đều bị các hộ kinh doanh chiếm trọn - Ảnh chụp ngày 29-7

Tiếp tục có mặt tại tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn qua địa bàn Q.3) trong buổi sáng cùng ngày, chúng tôi tiếp tục chứng kiến khung cảnh bát nháo từ hai bên đường. Các cửa hàng kinh doanh vô tư chiếm đóng phần vỉa hè của người đi bộ để thiết lập các điểm trông giữ xe dù đã có vạch vàng quy định. Anh Cường 28 tuổi người đi bộ ngang đây đã không khỏi bức xúc, vừa đi vừa lầm bầm: “Buôn bán kiểu gì mà bày ra hết cả vỉa hè, thật chẳng hiểu nổi”.

Đi bộ trên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám được xem là điều không thể - Ảnh chụp tối 29-7

Đường Lý Thái Tổ (đoạn qua địa bàn Q.10) cũng nằm trong tình trạng tương tự. Ghi nhận của nhóm phóng viên Báo CATP sáng 1-8, nhiều cửa hàng kinh doanh phụ kiện điện thoại đã tận dụng gần như toàn bộ chiều rộng vỉa hè để bày biện các bảng hiệu quảng cáo, khiến khách bộ hành phải ngao ngán đi xuống lòng đường.

Hoàng Đạt (ghi)

(Còn tiếp) 

Bình luận (0)

Lên đầu trang