Nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao Dương Thanh Biểu:

“Việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ không hề đơn giản”

Thứ Hai, 20/03/2017 09:09

|

Việc giành lại vỉa hè đang nhận được sự đồng thuận của dư luận. Đa số đều cho rằng, đây là việc làm cần thiết vì một thành phố văn minh, sạch đẹp. Phóng viên Báo CATP đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND Tối cao về vấn đề này.

Thưa ông, việc đòi lại vỉa hè là điều đương nhiên nhưng vì sao khi thực hiện lại gặp phải một số phản ứng?

TS. Dương Thanh Biểu: Hiện nay trên thế giới, nhất là các nước văn minh, người ta quan niệm vỉa hè đường phố là “công thổ quốc gia”. Nghĩa là vỉa hè thuộc tài sản công, có chức năng dành cho người đi bộ. Đã gọi là tài sản công thì không được bất cứ tổ chức, cá nhân nào chiếm dụng.

Ở nước ta, việc sử dụng vỉa hè đường phố cũng đã được pháp luật quy định rất rõ ràng. Quốc hội đã ban hành hai đạo luật quan trọng: Luật giao thông đường bộ và Luật xử phạt vi phạm hành chính. Chính phủ đã có nhiều nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện các luật trên, trong đó đáng chú ý Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 về hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Như vậy, việc UBND quận 1, TPHCM (cũng như các địa phương khác trên cả nước) đang tiến hành “chiến dịch giành vỉa hè cho người đi bộ” là đúng thẩm quyền và đúng trách nhiệm.

Tuy nhiên, thực tiễn vừa qua cho thấy, nhiều nơi “ra quân rầm rộ” nhưng sau đó “đâu lại vào đó” như người dân thường nói. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, trong phạm vi bài này tôi xin nêu hai nguyên nhân quan trọng sau đây:

Thứ nhất: Việc chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh đã có từ rất lâu. Dường như nhiều người quan niệm rằng, việc sử dụng vỉa hè là chuyện bình thường để làm nơi kinh doanh, buôn bán, nhậu nhẹt... Người nào không kinh doanh thì cho thuê với giá khá cao. Nhiều người coi đây là tập quán mang tính “văn hóa vỉa hè” ở nước ta. Nguyên nhân này cho thấy, việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ không hề đơn giản.

Thứ hai: Nguyên nhân về công tác quản lý của chính quyền. Rõ ràng để xảy ra việc chiếm dụng vỉa hè thời gian dài lâu như vậy có trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương. Nhà nước giao cho chính quyền nhiệm vụ trông coi, quản lý sử dụng vỉa hè cho người đi bộ nhưng nhiều cấp chính quyền, nhất là chính quyền cấp cơ sở không quan tâm, buông lỏng quản lý. Cấp dưới thì thiếu trách nhiệm, thậm chí, có nơi có sự bảo kê, lợi ích nhóm của cán bộ công quyền.

 

Có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm “đúng quy trình” trong việc lập lại trật tự vỉa hè như quy trình xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Ông có ý kiến thế nào?

TS. Dương Thanh Biểu: Việc ra quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu tháo dỡ và cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng... được quy định tại các văn bản pháp luật như: Luật xây dựng, Luật đất đai, Nghị định 23/2009 về xử phạt hành chính lĩnh vực xây dựng; Nghị định 180/2007/NĐ-CP về xử lý vi phạm trật tự đô thị; Nghị định 37/2005/NĐ-CP về quy định cưỡng chế; Thông tư 16/2010/TT-BTNMT ngày 26-8-2010.

Như vậy, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng khác với các biện pháp giải tỏa vỉa hè cho người đi bộ. Nếu trong lĩnh vực xây dựng thì phải tiến hành theo các bước: Xử phạt hành chính, yêu cầu tháo dỡ công trình và cuối cùng là cưỡng chế tháo dỡ công trình (Nghị định số 180 và số 37), thì trong lĩnh vực giao thông đường bộ (chiếm dụng vỉa hè) là buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu, buộc phải tháo dỡ công trình... (Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016).

Rõ ràng, việc buộc phải tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, xâm chiếm vỉa hè bị các cơ quan chức năng tại TPHCM, Hà Nội và một số nơi khác là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.

 

Ông đánh giá thế nào về sự quyết liệt của Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các địa phương trong việc lập lại trật tự đô thị?

TS. Dương Thanh Biểu: Vỉa hè đường phố bây giờ không chỉ là sự gắn chặt với cuộc sống mưu sinh của nhiều người, mà trong đó còn bao nhiêu quan hệ nhằng nhịt, có cả sự chống lưng và lợi ích nhóm như phát biểu thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Bởi vậy, giành lại vỉa hè cho người đi bộ là đụng chạm đến nhiều người nên gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Việc nhiều cán bộ lãnh đạo sở, quận huyện, phường xã trực tiếp chỉ huy đợt ra quân “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ là bước đi tiên phong trong chiến dịch này, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cần được biểu dương nhân rộng, đồng thời chúng ta cần thông cảm, chia sẻ với những vất vả, khó khăn của họ.

- Ngày 10-3-2017, Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TPHCM. Chỉ thị đã đưa ra các nội dung cụ thể nhằm giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, ách tắc giao thông hiện nay trên địa bàn TP. Ông có đánh giá thế nào về việc ra đời của chỉ thị này?

- Việc Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị số 11 là rất kịp thời, tiếp thêm sức mạnh và cũng đưa ra các hướng dẫn cụ thể nhằm thực hiện lập lại trật tự đô thị một cách căn cơ, bền vững hơn, như: cả hệ thống chính trị tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, công nhân, đoàn viên, hội viên, người lao động, sinh viên, học sinh và nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng trật tự kỷ cương, văn minh đô thị, đồng thời có những giải pháp hợp tình hợp lý trong việc giải quyết các vấn đề an sinh liên quan đến sử dụng vỉa hè.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm trật tự đô thị trên địa bàn quản lý; bộ máy quận, huyện phải quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè... Như vậy, chỉ thị đã nêu rõ ràng, cụ thể những yêu cầu để các cấp căn cứ vào đó quản lý, xử lý tình trạng lập lại trật tự đô thị, trong đó có việc lấn chiếm vỉa hè như hiện nay.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang