Liên tục các tin về việc xâm hại tình dục trẻ em được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần đây. Sáng 19-3, Báo CATP tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Làm gì khi con bạn bị xâm hại?” rất kịp thời và nhận được nhiều quan tâm của các bậc phụ huynh.
Sự tổn thương về thể xác, tinh thần và di chứng tiêu cực dài lâu mà các nạn nhân phải gánh chịu là rất nặng nề. Bên cạnh đó phải kể đến nỗi đau riêng dai dẳng của cha mẹ nạn nhân.
Việc xâm hại tình dục trẻ em có dấu hiệu phát triển trên diện rộng thành một tệ nạn xã hội. Các gia đình có con em nhỏ tuổi đặc biệt quan ngại. Xã hội bức xúc, đòi hỏi động thái phản ứng thích hợp của nhà chức trách, cộng đồng để ngăn chặn, bài trừ tệ nạn đáng ghê tởm và đáng lên án này.
Nhiều ý kiến cho rằng nạn xâm hại trẻ em và nói chung sự trỗi dậy của thú tính ở con người là do môi trường xã hội ngày càng độc hại dẫn đến sự suy đồi đạo đức. Về phần mình, sự xuống cấp của môi trường xã hội được cho là gắn với tác động tiêu cực của internet, của mạng truyền thông như một trong những nguyên nhân chính.
Đúng là trong điều kiện internet được phổ biến rộng rãi, cả cái tốt và cái xấu đều có thể lan truyền dễ dàng và nhanh chóng. Trong khi đó, con người ta luôn bị giằng xé giữa thiện và ác. Nếu tính thiện cần được tôi luyện, tu dưỡng công phu để được hoàn thiện, thì tính ác chỉ cần sự xao lãng, buông thả là có thể bùng phát. Chắc chắn, những trò dâm ô bậy bạ được truyền tải trên mạng đã có ảnh hưởng, tác động đến suy nghĩ và hành vi của những kẻ thủ ác trong các câu chuyện xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên, phải hiểu rằng mạng truyền thông chỉ là phương tiện chuyển tải thông tin, giống bao nhiêu phương tiện thông tin khác như sách, báo, hệ thống truyền thanh, truyền hình. Mọi phương tiện thông tin đều có thể được sử dụng để quảng bá điều tốt và điều xấu. Vấn đề đặt ra đối với xã hội là làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất có thể tác dụng tiêu cực của các phương tiện này.
Để ứng phó với tệ nạn, các gia đình phải trang bị cho các con em những công cụ cần thiết để tự bảo vệ. Phải giúp con em tự nhận thức những mối nguy hiểm, đe dọa đang rình rập chung quanh để cảnh giác; phải nhắc con em biết lên tiếng báo động, kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ mỗi khi bị tấn công, xâm hại. Phải cung cấp cho con em ở độ tuổi thích hợp các thông tin, kiến thức cơ bản về giới tính để con em hiểu và từ đó có thể làm chủ hành vi của mình.
Đối với kẻ có hành vi đồi bại, phải chế tài thật nghiêm khắc. Có thể cân nhắc cải cách luật hình sự theo hướng tăng nặng, thậm chí thật nặng hình phạt đối với các tội dâm ô, đặc biệt trong trường hợp nạn nhân là trẻ em.
Trong dài hạn, kinh nghiệm cho thấy giáo dục luôn tỏ ra là biện pháp hữu hiệu nhất để hoàn thiện các phẩm chất của con người theo các tiêu chí đạo đức và văn minh. Muốn có xã hội tốt, nghĩa là xã hội với đại đa số thành viên tốt, biết ứng xử đúng mực trong quan hệ nhân văn, thì nền giáo dục phải tốt.
“Tốt”, như là tính từ mô tả chất lượng của nền giáo dục, hàm chứa những điều sâu sắc. Trước hết, môi trường giáo dục phải trong lành. Đặc biệt, quan hệ thầy - trò phải được xây dựng như hình mẫu quan hệ xã hội về các phương diện tôn ti trật tự và tính nhân văn. Chương trình giáo dục ở cấp học phổ thông phải được xây dựng nhằm trang bị cho người học không chỉ kiến thức khoa học cơ bản, mà còn giúp người học có sự hiểu biết tường tận về môi trường văn hóa, cũng như nắm vững các chuẩn mực đạo đức và thấm nhuần đạo làm người.
Nội dung giáo dục phải giúp cho người học nhận dạng bức tranh lịch sử và bức tranh hiện tại của cuộc sống một cách chính xác, toàn diện, đồng thời nhận thức rõ ràng sứ mạng của mỗi cá nhân, cũng như trách nhiệm cá nhân trong việc tự hoàn thiện bản thân và góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh.