Ông Trương Lâm Danh - Trưởng ban pháp chế HĐND TP.HCM:

Củng cố lực lượng dân phòng đủ mạnh để xử lý các vụ cháy

Thứ Sáu, 17/03/2017 20:43  | Lê Ngân

|

(CAO) Sáng 17-3-2017, Ban Pháp chế HĐND TP.HCM tiến hành khảo sát tình hình thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn quận Tân Phú.

Tại phường Phú Thọ Hòa, đoàn khảo sát nhận thấy nguy cơ cháy nổ vẫn còn tiềm ẩn, mang tính phức tạp. Chẳng hạn, việc sử dụng vật liệu dễ cháy để cơi nới, che chắn nhà, nơi ở vẫn còn phổ biến.

Trung tá Nguyễn Quốc Hiệp - Phó Phòng CS PCCC quận Tân Phú

Nhiều cơ sở sản xuất còn xen kẽ trong khu dân cư có khả năng dẫn đến tái hình thành các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao nếu không có biện pháp xử lý triệt để. Ngoài ra, mạng lưới hẻm nhỏ, chằng chịt, việc lấn chiếm để kinh doanh vẫn còn nhiều, làm cản trở và gây khó khăn cho việc tiếp cận của xe chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn.

Mạng lưới cung cấp điện cũ kỹ, quá tải, chằng chịt dễ gây chạm, chập phát sinh cháy; các hộ dân nằm sâu trong hẻm, nhà cấp 4 hầu hết sử dụng hệ thống điện và thiết bị điện cũ không đảm bảo là nguyên nhân chủ yếu của các sự cố cháy nổ.

Theo thống kê của phường Phú Thọ Hòa, trên địa bàn có 1.810 cơ sở sản xuất kinh doanh lớn nhỏ, trong đó có 237 cơ sở thuộc diện quản lý phòng cháy (gồm 5 chung cư, 1 chợ, 13 nhà hành-khách sạn, 6 trường học, 2 trạm xăng dầu, 2 đại lý gas) là những địa điểm mà khi cháy nổ không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự xã hội.

Trước đó làm việc với đoàn khảo sát, trung tá Nguyễn Quốc Hiệp - Phó Phòng CS PCCC quận Tân Phú, nêu lên những hạn chế, khó khăn trong công tác PCCC, đó là do đặc điểm địa giới hành chính của quận, từ Phòng Cảnh sát PCCC quận đến điểm xa nhất khoảng 8km nhưng hiện nay chưa có đội chữa cháy khu vực nên bán kính bảo vệ của đội chữa cháy chưa đảm bảo.

Một số công trình xây dựng và hoạt động từ thời điểm trước khi Luật phòng cháy và chữa cháy năm 2001 chưa được thẩm duyệt về PCCC, không đủ điều kiện an toàn về PCCC theo các quy định hiện hành nhưng vẫn tồn tại và hoạt động kinh doanh mà chưa có giải pháp phù hợp để tháo gỡ.

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn PCCC tuy đã được tăng cường nhưng chưa thật sự tác động sâu sắc đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và các doanh nghiệp về trách nhiệm đối với công tác PCCC, chưa phát huy hết khả năng sức mạnh của lực lượng PCCC tại chỗ.

Lực lượng PCCC tại một số cơ sở, doanh nghiệp đã được thành lập và tổ chức tập huấn nghiệp vụ theo quy định của pháp luật; trang thiết bị, phương tiện chữa cháy cũng được hướng dẫn kiểm tra, bảo quản thường xuyên nhưng hoạt động không hiệu quả khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

Lực lượng dân phòng tuy có thành lập nhưng không ổn định, đa phần lực lượng này là dân quân kiêm nhiệm tại các khu phố, phần nhiều thay đổi về quân số nên chất lượng hoạt động không cao, chưa đáp ứng yêu cầu công tác; trụ sở làm việc cũng như chế độ phụ cấp chưa có.

Trước thực trạng trên, ông Trương Lâm Danh - Trưởng ban pháp chế HĐNDTP, đề nghị Phòng CSPCCC quận Tân Phú phải phối hợp ký kết liên tịch với từng phường trong công tác PCCC, đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn PCCC, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định an toàn PCCC đối với các cơ sở thuộc diện quản lý, đặc biệt đối với các cơ sở nguy hiểm về cháy nổ, các cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa và các khu dân cư dễ cháy.

Ông Trương Lâm Danh - Trưởng ban pháp chế HĐND TP

Xây dựng kế hoạch kiểm tra an toàn PCCC đối với các chuyên đề cơ sở sản xuất, kinh doanh nguy hiểm cháy, nổ cao nằm xen cài trong khu dân cư; chung cư, nhà cao tầng, các công trình có tầng hầm, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất; cơ sở chế biến gỗ, các cơ sở trong khu công nghiệp và các khu dân cư.

Đồng thời, củng cố lực lượng dân phòng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu nạn – cứu hộ đối với lực lượng này để đảm bảo tất cả các khu phố có lực lượng, phương tiện chữa cháy đủ mạnh để xử lý kịp thời các vụ cháy khi mới phát sinh, ngăn chặn không để cháy lan, cháy lớn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang