Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Bổ sung thêm hình thức tố cáo qua bản fax, email, điện thoại

Thứ Tư, 15/03/2017 07:38  | Thanh Hoà

|

(CAO) Đây là đề nghị của Ủy ban Pháp luật khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo (sửa đổi) tại phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa được khai mạc hôm 14-3 tại tòa nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, việc xây dựng Luật tố cáo (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật tổ cáo năm 2011 như về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong nhiều trường hợp chưa rõ ràng; chưa quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước; một số quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo thiếu chặt chẽ hoặc chưa cụ thể; thiếu các quy định cụ thể, chi tiết, đầy đủ, toàn diện, khả thi nhằm bảo vệ kịp thời, hiệu quả người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; chưa quy định rõ ràng về hành vi, thiếu các chế tài cụ thể xử lý trách nhiệm đối với những người có trách nhiệm cũng như công dân khi có những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố cáo…

Bên cạnh đó, xây dựng Luật tố cáo (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo của công dân là quyền con người; đồng thời tiếp tục quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Dự thảo Luật gồm 9 chương với 64 điều quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật: tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo; khen thưởng và xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, để phân biệt tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động tố tụng hình sự, hành chính, dân sự, khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật đã quy định: “Tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động tố tụng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này mà được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng”.

Đáng lưu ý, trên cơ sở kế thừa, phát triển các quy định về bảo vệ tố cáo của Nghị định số 76/2012/NĐ-CP, dự thảo Luật đã dành một chương quy định về bảo vệ người tố cáo.

Theo đó, bên cạnh một số quy định chung về bảo vệ người tố cáo, dự thảo Luật quy định cụ thể về bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo trong quá trình tiếp nhận giải quyết tố cáo; trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo trong trường hợp họ là cán bộ, công chức, viên chức và trong trường hợp họ là người làm việc theo hợp đồng lao động mà không phải là viên chức.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo Luật, song có ý kiến đề nghị cần cân nhắc để có quy định với những đơn tố cáo nặc danh nhưng có hồ sơ, chứng cứ rõ ràng.

Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày tờ trình dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến: “Về nguyên tắc thì chúng ta giải quyết đơn có danh nhưng đối với những đơn tố cáo nặc danh có địa chỉ rõ ràng, có sự việc rõ ràng thì chúng tôi đề nghị phải có hình thức để xem xét”. Lý do bà Nga đưa ra là việc bảo vệ người tố cáo của chúng ta chưa tốt, cho nên thực tế nhiều trường hợp người ta ngại lộ danh tính sẽ bị trả thù.

Về hình thức tố cáo, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị cần bổ sung thêm hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại… vì thực tế, đã có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng được phát hiện thông qua các hình thức này.

Hơn nữa, điều này cũng đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng và Bộ luật tố tụng hình sự. Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, nếu mở rộng các hình thức tố cáo này trong Luật thì cần nghiên cứu để quy định chặt chẽ, tránh bị lợi dụng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang