Khai mạc lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI

Thứ Bảy, 11/03/2017 10:03  | Duy Hoà

|

(CAO) Tối 10-3, tại Quảng trường 10/3 TP.Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.

Tham dự buổi lễ khai mạc có các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; ông Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Nước; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh, thành trong cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2017, ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk nhấm mạnh, kế tục thành công của 5 kỳ lễ hội trước, với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - phát huy bản sắc - Liên kết phát triển” việc tổ chức Lễ hội lần này tiếp tục quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, khẳng định vị thế của cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.

Đồng thời, đây còn là cơ hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và mời gọi những dự án đầu tư, thương mại, du lịch lớn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Lễ hội lần này có 3 chương trình lớn: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6; Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017; và Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4.

Ban Tổ chức trao bằng chứng nhận cho các đơn vị tài trợ

Với 16 nội dung hoạt động phong phú, đa dạng, đặc sắc, hấp dẫn, các chương trình của Lễ hội hứa hẹn sẽ mang lại cho nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cùng du khách trong và ngoài nước những cảm nhận sâu sắc về cà phê Buôn Ma Thuột, về Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Lễ hội là dịp để các nhà đầu tư trong và ngoài nước trao đổi, tìm hiểu cơ hội đầu tư ở vùng đất Tây Nguyên giàu tiềm năng và đang trên đà phát triển.

Lễ hội còn là hoạt động thiết thực kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột - giải phóng tỉnh Đắk Lắc (10/3/1975-10/3/2017) mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc khai mạc Lễ hội

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ghi nhận những đóng góp của tỉnh Đắk Lắk đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, trong năm vừa qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã đoàn kết nhất trí, khắc phục khó khăn, chung sức, chung lòng để xây dựng Đắc Lắc ngày một phát triển. Sản phẩm cà phê của tỉnh Đắk Lắk, mà tiêu biểu là thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” nổi tiếng đã có mặt tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Năm 2016, Đắk Lắk đã đóng góp 50% giá trị xuất khẩu cà phê của cả nước, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 1,76 triệu tấn, doanh thu 3,86 tỷ USD. Đắc Lắc nói riêng, Tây Nguyên nói chung còn có bản sắc văn hóa đa dạng và độc đáo, tiêu biểu là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vinh dự được tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và chúc mừng tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực nhằm tôn vinh những người trồng cà phê, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà chế biến, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội đã có nhiều đóng góp cho cây cà phê phát triển. Đồng thời, giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo Tây Nguyên và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra với bạn bè thế giới.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Đắk Lắk và các địa phương trồng cà phê trong cả nước cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển cà phê theo hướng bền vững, đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng cây giống, ứng dụng khoa học tiên tiến vào chế biến cà phê để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cà phê.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương cần hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên trong nghiên cứu khoa học, tạo cơ chế chính sách cho người trồng cà phê và sản phẩm cà phê. Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cần phát huy vai trò là đầu mối để các tỉnh chia sẻ kinh nghiệm, làm cho cây cà phê và sản phẩm cà phê phát triển ổn định.

Tây Nguyên được xác định là vùng chuyên chuyên canh lớn cà phê, với diện tích hiện nay 582 nghìn ha, chiếm gần 90% diện tích và sản lượng cà phê cả nước; trong đó riêng tỉnh Đắk Lắk có 203 nghìn ha, đây là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, năng suất và sản lượng cà phê.

Chính vì vậy, mục tiêu trong Lễ hội Cà phê lần thứ 6 này, cũng như những lễ hội trước, tỉnh Đắk Lắk luôn hướng đế quảng bá mạnh mẽ về thương hiệu, chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng, cà phê Việt Nam nói chung, nhằm nâng vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường cà phê thế giới. Điểm mới của Lễ hội cà phê lần thứ 6 năm 2017 này là gắn hoạt động quảng bá thương hiệu cà phê với các hoạt động Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.

Lễ hội diễn ra từ ngày 8 đến 12-3 với ba chương trình lớn là Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI; Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ IV với nhiều chương trình, hoạt động phong phú, đa dạng và hấp dẫn như: Hội chợ, triển lãm chuyên ngành cà-phê, triển lãm thời sự, nghệ thuật về cà phê, âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, Hội thảo triển vọng ngành hàng cà-phê, Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, lễ hội đua voi và thuyền độc mộc, lễ hội đường phố….

Ngay sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng do các nghệ sĩ, ca sĩ, các đoàn nghệ thuật của tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh biểu diễn ngợi ca Đảng, Bác Hồ, Tây Nguyên đổi mới, giàu đẹp...

Trước đó, chiều 10-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về thăm và tặng 20 suất quà cho các gia đình chính sách ở xã Khuê Ngọc Điền và tặng 30 suất quà cho bà con dân tộc thiểu số ở buôn Da, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.

Bình luận (0)

Lên đầu trang