Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình:

Để tội phạm lộng hành, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm!

Thứ Ba, 07/03/2017 15:43  | Thanh Hoà

|

(CAO) Sáng 7-3, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá thực trạng tội phạm và tệ nạn xã hội hiện nay.

Tội phạm về ma túy tiếp tục gia tăng

Báo cáo của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, năm 2016, nhiều băng nhóm lưu manh, côn đồ sử dụng vũ khí, hung khí để thực hiện hành vi phạm tội, có vụ vài chục đối tượng tham gia, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Tội phạm giết người gia tăng, nhất là các vụ giết người thân, giết người do mâu thuẫn thù tức cá nhân, bột phát xảy ra nhiều, một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây phẫn nộ dư luận.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tội phạm về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, lĩnh vực với tính chất nghiêm trọng, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn là nguy cơ lớn đối với hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia. Đáng lo ngại là tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công, quản lý, vận hành ở các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước gây thất thoát lớn nguồn vốn của nhà nước.

Tội phạm về ma túy tiếp tục gia tăng, nhiều vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn được phát hiện, các đối tượng luôn sử dụng vũ khí quân dụng, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị bắt giữ từ tuyến biên giới Lào vào Việt Nam. Gần đây liên tục xảy ra các vụ học viên đang cai nghiện tại các Trung tâm gây rối, đập phá cơ sở vật chất tại các trung tâm rồi trốn ra ngoài gây bức xúc, hoang mang trong nhân dân ở nhiều tỉnh, thành phố.

Việc mua bán, vận chuyển và sử dụng một số loại ma túy mới như “cỏ Mỹ”, “lá Khat”, “tem giấy”, “bùa lưỡi” có xu hướng gia tăng, đang trở thành trào lưu trong giới trẻ, học sinh, sinh viên nhưng chế tài xử lý còn gặp khó khăn ảnh hưởng đến công tác phát hiện, điều tra xử lý về hình sự.

TP.HCM dẫn đầu cả nước về số người nghiện ma tuý
 

Trong năm 2016, các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 42.558 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý 80.210 đối tượng; phát hiện 16.823 vụ phạm tội về kinh tế, 244 vụ tham nhũng; xác minh, điều tra 669 vụ liên quan đến sử dụng công nghệ cao phạm tội; xử lý 17.622 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; đấu tranh triệt phá 18.742 vụ, bắt 28.970 đối tượng phạm tội về ma túy. Điều tra khám phá 234 vụ, bắt 308 đối tượng mua bán người.

Báo cáo của Tổng cục Cảnh sát cũng cho hay, nước ta vẫn là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em gái để hoạt động mại dâm; đưa người trái phép ra nước ngoài lao động thời vụ, du lịch, học tập, thăm thân, chữa bệnh... tiềm ẩn nguy cơ bị mua bán; lợi dụng quy định về hiến ghép tạng để mua bán tạng trái phép.

Cần cách ly đối tượng nghiện nặng để phòng ngừa phạm tội

Quang cảnh hội nghị

Những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm, những nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng và giải pháp khắc phục đã được các đại biểu đưa ra. Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM đề nghị: với những đối tượng có dấu hiện nghiện đến mức loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp, cần cách ly để phòng ngừa phạm tội ở mức độ nghiêm trọng hơn vì loại này rất khó quản lý, xử lý tại cộng đồng. Với cai nghiện tại cộng đồng, cần nghiên cứu cụ thể hóa các quy định trong các trường hợp không ràng buộc được trách nhiệm của gia đình đối với thân nhân người nghiện. Cần chia sẻ thông tin về di biến động của các đối tượng phạm tội hoạt động liên tỉnh hoặc đối tượng nghi vấn.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ ra rằng, cấp ủy, chính quyền cơ sở một số nơi, một số ban, bộ, ngành còn chưa quan tâm, chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm. Trách nhiệm người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa được đề cao và thực hiện hiệu quả. Nơi nào lãnh đạo địa phương thiếu quan tâm là nơi đó tình hình tội phạm diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng truy nã, không để hình thành các băng nhóm, tổ chức tội phạm “lộng hành”, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Nơi nào để tội phạm hoạt động “lộng hành” trong thời gian dài, lãnh đạo UBND địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục xác định các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội để chuyển hóa thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm tội phạm đến mức thấp nhất. Việc truy nã đối tượng phải kiên quyết kể cả tội phạm đang trốn tránh trong nước lẫn tội phạm trốn chạy ra nước ngoài.

Cho rằng người nghiện ma túy là nạn nhân, là con bệnh nhưng đồng thời họ cũng là người tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật và trở thành tội phạm, đặc biệt là người ngáo đá, mặc dù công tác cai nghiện đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu các loại thuốc điều trị thay thế có hiệu quả, xây dựng chương trình kiểm soát ma túy ở gia đình và cộng đồng. Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu triển khai đề án xây dựng Tòa ma túy để quản lý các đối tượng nghiện ma túy có hành vi vi phạm pháp luật nhưng ở mức ít nghiêm trọng và phi bạo lực.

Bình luận (0)

Lên đầu trang