Tưng bừng lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6

Thứ Hai, 06/03/2017 14:23  | Duy Hoà

|

(CAO) Sáng 6-3, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo về lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 – Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4.

Theo Ban tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 có chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển” sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 13-3-2017 tại tỉnh Đắk Lắk, với các hoạt động chính: Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê, tổ chức từ ngày 8 đến 13-3, dự kiến có hơn 220 doanh nghiệp, với 735 gian hàng tham gia. Lễ khai mạc lễ hội diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 10-3 tại quảng trường thành phố Buôn Ma Thuột.

Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 do Ban Chỉ đảo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức vào ngày 11-3, dự kiến có 500 đại biểu tham dự và tại hội nghị này, UBND các tỉnh Tây Nguyên sẽ trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án của nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 83.937 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và chỉ đạo nghị Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4. Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân, nghệ sỹ của các tỉnh Tây Nguyên và 4 đoàn nghệ thuật nước ngoài.

Ban tổ chức lễ hội trả lời những câu hỏi của các nhà báo, phóng viên liên quan đến lễ hội năm 2017

Lễ bế mạc lễ hội với chủ đề “Buôn Ma Thuột hẹn ngày gặp lại”, sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 13-3, tại quảng trường thành phố Buôn Ma Thuột. Cũng tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 – Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 còn có một số hoạt động khác, như lễ hội đường phố; Hội thảo, hội nghị về chuyên ngành cà phê; Hội thi nhà nông đua tài; Lễ hội đua voi, đua thuyền độc mộc và thưởng thức cà phê miễn phí.

Kế tục sự thành công của những lễ hội lần trước, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 – Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 nhằm mục đích quảng bá thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”; giới thiệu bản sắc văn hóa vùng đất Tây Nguyên, nhất là Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại” vào năm 2005.

Thông qua lễ hội, còn giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 – Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 còn có ý nghĩa lịch sử, thiết thực Kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột – giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10-3-1975-10-3-2017).

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hải Ninh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết, Lễ hội lần này không chỉ là sự kiện đơn thuần quảng bá cho cà phê Buôn Ma Thuột mà qua đó sẽ mở rộng cơ hội hợp tác giao lưu đối với việc thúc đẩy đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung. Đây là điểm khác biệt mà chúng tôi cho rằng là lớn nhất.

Cùng với đó, Ban tổ chức hướng tới mục tiêu chủ thể của lễ hội sẽ là người dân. Cụ thể, việc tổ chức hội thảo cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức hội chợ triển lãm liên quan đến ngành hàng cà phê sẽ thu hút được sự quan tâm thực sự từ người nông dân đến các nhà khoa học, đến người sản xuất kinh doanh xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng tổ chức hội thảo phát triển nông nghiệp nhìn từ những nông dân tỷ phú. Tất cả những người nông dân có thu nhập từ 1 tỷ/ha sẽ có cơ hội thể hiện chính kiến cũng như tiếng nói của mình đối với việc đóng góp cho sự phát triển của nông nghiệp Tây Nguyên.

 Quang cảnh buổi họp báo

Đối với liên hoan văn hóa cồng chiêng tính đại chúng thể hiện rõ nhất là không chỉ có các đoàn nghệ nhân của 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia mà còn có nhiều đoàn khác của các tỉnh cùng tham gia.

Với các chương trình đặc sắc Lễ hội hứa hẹn sẽ mang lại cho du khách và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên những cảm nhận sâu sắc về tinh hoa cà phê Buôn Ma Thuột, về bản sắc của không gian văn hóa cồng chiêng với sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ nhân cồng chiêng của các tỉnh Tây Nguyên và nhiều đoàn nghệ thuật trong nước cũng như nước ngoài.

Bên cạnh đó, thời gian diễn ra lễ hội cũng là dịp để các nhà đầu tư trong và người nước trao đổi, tìm hiểu cơ hội đầu tư ở vùng đất Tây Nguyên giàu tiềm năng và trên đà phát triển.

Bình luận (0)

Lên đầu trang