Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM hướng dẫn cách thoát nạn khi cháy, nổ

Thứ Bảy, 07/01/2017 19:49  | Tiến Mạnh

|

(CAO) Người dân phải chủ động phòng ngừa, kiểm tra nguồn điện, báo ngay lập tức cho cơ quan chức năng khi xảy ra cháy, nổ và tìm mọi cách để thoát thân ra khỏi đám cháy.

Số người chết do cháy, nổ đầu năm 2017 gần gấp đôi cả năm 2016

Mới hơn một tháng đầu năm 2017, toàn TP đã xảy ra 12 vụ cháy làm 13 người chết. Trong khi đó, năm 2016 xảy ra 361 vụ cháy làm 8 người tử vong.

Thông tin này được đưa ra trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017 của Cảnh sát PCCC TP.HCM vào ngày 6-1.

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết trong năm 2016, TP xảy ra 361 vụ cháy, 1.583 điểm báo xảy ra sự cố cháy, 16 vụ cháy do tự đốt làm 8 người tử vong, bị thương 27 người, thiệt hại khoảng 260 tỷ đồng.

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM trả lời báo chí về tình hình cháy, nổ

Lực lượng Cảnh sát PCCC TP.HCM đã cứu được 29 người trong các vụ cháy. Trong số 263 vụ tai nạn, sự cố, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã hướng dẫn cho hơn 300 người tự thoát nạn, tổ chức cứu được 62 người và tìm được 46 thi thể nạn nhân, hút nước chống ngập tại 73 điểm ngập úng trên địa bàn 15 quận, huyện, cứu được 200 xe ô tô các loại và gần 2.000 xe máy và nhiều tài sản khác.

Theo đại tá Bửu, hơn một tháng trở lại đây, trên địa bàn TP xảy ra một số vụ cháy nhà dân dẫn đến chết người khiến lực lượng chữa cháy đau xót, nhất là khi Tết Nguyên đán cận kề.

Người dân cần trang bị bình chữa cháy trong nhà

“Các hộ dân kinh doanh nên kiểm tra lại hệ thống phòng cháy chữa cháy, các nguồn nhiệt như nơi nấu ăn, thờ cúng, nơi đốt vàng mã… nhất là nơi câu, mắc điện. Tôi đề nghị người dân nên dành thời gian kiểm tra lại các góc khuất của ngôi nhà, ví dụ như trên mái nhà, trần nhà, đường dây điện, các thiết bị tiêu thụ điện có đảm bảo an toàn hay không để khắc phục”, đại tá Bửu khuyến cáo.

Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM cũng đề nghị người dân TP nên trang bị bình chữa cháy mini trong nhà để khi có sự cố xảy ra thì kịp thời xử lý, tránh dẫn đến thiệt hại về người cũng như tài sản. "Cách sử dụng bình chữa cháy rất đơn giản. Trên mỗi bình chữa cháy đều có hướng dẫn sử dụng và tại các điểm bán thiết bị này cũng hướng dẫn khi có người mua. Ngoài ra, Cảnh sát PCCC chúng tôi sẽ hướng dẫn cho người dân cách sử dụng bình chữa cháy, khi bà con có yêu cầu là chúng tôi có mặt ngay”, đại tá Bửu cho hay.

Đại tá Bửu nói về cách thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ: “Khi xảy ra sự cố cháy, nổ thì người dân nên bình tĩnh và tìm cách thoát thân ra ngoài một cách nhanh nhất bằng cách leo lên mái nhà, chạy ra ban công hoặc tuột xuống bằng lan can của cầu thang, hoặc đập ra một khoảng không gian để chạy ra khỏi đám cháy”.

Đối với các hộ kinh doanh, đại tá Bửu khuyến cáo nên sắp xếp và để hàng hóa xa nguồn nhiệt, nguồn điện, xa những nơi sử dụng ngọn lửa trần để tránh xảy ra hiện tượng cháy, nổ.

“Tôi đề nghị bà con mạnh dạn gọi đến số điện thoại 114 khi xảy ra cháy, nổ để lực lượng chữa cháy ứng cứu kịp thời. Càng nhanh chừng nào thì chúng tôi xử lý tình huống tốt chừng đó và hạn chế được mức độ thiệt hại đén mức thấp nhất. Cảnh sát PCCC chúng tôi luôn sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống”, đại tá Bửu nói.

Theo đánh giá của Cảnh sát PCCC TP, năm 2016, tình hình các tai nạn, sự cố liên quan đến cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ tăng nhanh và xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng cả về người lẫn tài sản.

Số vụ cháy tập trung tại các khu dân cư, chủ yếu là các nhà dân đơn lẻ (chiếm 153/361 vụ), số vụ cháy tại các công ty doanh nghiệp, cơ sở tăng mạnh và diễn biến phức tạp (tăng 18 vụ, tăng 1 người chết và tăng 10 người bị thương).

Bình luận (0)

Lên đầu trang