(CATP) Báo CATP ngày 30-12-2016 đăng bài "TP.Hồ Chí Minh: Vỉa hè hư hỏng, không ai sửa?", phản ánh tình trạng vỉa hè nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp lâu ngày, nhếch nhác, không những cản trở, gây nguy hiểm cho giao thông mà còn làm xấu mỹ quan.
Sau khi báo phát hành, nhiều bạn đọc đã gởi ý kiến về tòa soạn hiến kế cho việc sửa chữa vỉa hè. Ngày 3-1-2017, Báo CATP đã phỏng vấn ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý giao thông đô thị (QLGTĐT), Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM - về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, hiện Sở GTVT có thống kê được bao nhiêu con đường có vỉa hè bị bong tróc, hư hỏng và công tác khắc phục được thực hiện thế nào?
- Ông Ngô Hải Đường: Theo báo cáo từ UBND các quận, huyện, vỉa hè tại các quận khu vực trung tâm (quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận) bị hư hỏng khoảng 100 tuyến. Việc vỉa hè bị bong tróc tại nhiều vị trí do nhiều nguyên nhân: xuống cấp qua thời gian dài sử dụng không được bảo trì kịp thời, người dân chạy xe trên vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán - họp chợ, việc thi công ngầm hóa điện, viễn thông và đường ống cấp nước, thoát nước, công trình ngầm.
Hiện, công tác quản lý, sửa chữa vỉa hè được phân cấp cho UBND các quận. Quận sử dụng nguồn kinh phí được giao hàng năm để duy tu, sửa chữa các vị trí bị hư hỏng, bong tróc. Đối với vỉa hè hư hỏng do các công trình ngầm hóa điện, viễn thông và lắp đặt hệ thống cấp thoát nước (liên quan đến chất lượng tái lập công trình) thì đơn vị thi công công trình đó có trách nhiệm sửa chữa trong thời gian bảo hành công trình. Bên cạnh đó, trong thời gian tới sẽ lắp đặt các thanh chắn để hạn chế tình trạng xe máy chạy lên vỉa hè trên các tuyến đường khu vực trung tâm.
- Trong chức năng quản lý Nhà nước, Sở có kênh tiếp nhận phản ánh vỉa hè bị hư hỏng không, và quy trình xử lý thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, công tác rà soát - xác định các vị trí vỉa hè bị hư hỏng được thực hiện qua các nguồn thông tin như sau: Đối với quận huyện thì người dân phản ánh trực tiếp với phường xã hoặc thông qua tổ dân phố, khu phố. Ngoài ra, lực lượng thanh tra xây dựng và trật tự đô thị thường xuyên tuần tra tình trạng sử dụng vỉa hè, cũng kịp thời phát hiện và báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện. Còn Sở GTVT thì phát hiện, tiếp nhận qua công tác tuần tra, quản lý hạ tầng giao thông của các Khu QLGTĐT và các đường dây nóng của Sở GTVT, Kênh 1022, phần mềm phản ánh sự cố, trang Facebook của Sở GTVT, báo chí...
Khi tiếp nhận được thông tin, Khu QLGTĐT phản ánh trực tiếp đến UBND các quận để kiểm tra, yêu cầu sửa chữa, đảm bảo an toàn cho người bộ hành. Bên cạnh đó, việc hư hỏng của vỉa hè có liên quan đến chất lượng tái lập vỉa hè của các đơn vị thi công công trình ngầm hóa điện lực, viễn thông, cấp thoát nước... Khu QLGTĐT phối hợp với UBND các quận, chủ đầu tư, Thanh tra Sở GTVT phối hợp kiểm tra, xử phạt và yêu cầu đơn vị thi công khắc phục ngay, hoàn trả phần vỉa hè theo như hiện trạng ban đầu.
- Nhiều bạn đọc Báo Công an TPHCM phản ánh, tuyến đường mới đưa vào khai thác, được mệnh danh là đại lộ đẹp nhất thành phố là đường Phạm Văn Đồng lại xảy ra tình trạng vỉa hè bị sụp lún, hư hỏng. Sở cho biết nguyên nhân và hướng khắc phục?
- Vỉa hè đường Phạm Văn Đồng hiện nay do Khu QLGTĐT số 1 quản lý. Qua công tác kiểm tra hạ tầng thường xuyên, Sở GTVT nhận thấy tuyến Phạm Văn Đồng đã thống kê, hiện có 30 vị trí vỉa hè bị hư hỏng. Nguyên nhân chính là do ôtô - xe tải, xe máy lưu thông trên vỉa hè, nạn buôn bán lấn chiếm, để vật tư, kinh doanh ăn uống xả nước trực tiếp lên vỉa hè... Đối với các vị trí hư hỏng còn trong thời gian bảo hành, chúng tôi đã chỉ đạo Khu QLGTĐT số 1 đề nghị Công ty GSSD và Công ty GS E&C sửa chữa trước ngày 15-1-2017; đối với các vị trí hư hỏng đã hết thời gian bảo hành thì Khu QLGTĐT số 1 đưa vào kế hoạch tháng 1-2017 để sửa chữa.
- Thông qua Báo CATP, đã có người dân hiến kế Sở GTVT nên lập một “biệt đội” chuyên xử lý những vỉa hè hư hỏng với tính cơ động cao, giảm thiểu tối đa quy trình xin - duyệt. Quan điểm của Sở về vấn đề này như thế nào?
- Theo phân cấp quản lý như đã nói ở trên thì vỉa hè do UBND quận - huyện quản lý và đặt hàng cho các đơn vị công ích quận huyện vệ sinh, sửa chữa vỉa hè, thời gian xử lý các vị trí vỉa hè bị hư hỏng cũng khá nhanh. Quan điểm của Sở là ủng hộ và mong muốn nhận được nhiều góp ý, hiến kế trong công tác quản lý, bảo trì và sửa chữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông; việc chuyên môn hóa, hiện đại hóa thiết bị, máy móc và nhân lực trong công tác bảo trì sửa chữa vỉa hè (kể cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật) hiện nay là cần thiết, để đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của người dân được an toàn, mỹ quan đô thị. Đặc biệt, tại những tuyến của trung tâm thành phố, nơi có nhiều người dân và du khách qua lại, Sở sẽ phối hợp với UBND các quận này để khẩn trương khắc phục, bảo đảm mỹ quan đô thị. Về một “biệt đội” sửa chữa vỉa hè thì đó cũng là ý kiến hay. Sở xin ghi nhận và đang tham khảo cách làm của một số nước, khi hội đủ điều kiện sẽ tham mưu cho lãnh đạo thành phố.
- Xin cảm ơn ông.
(CATP) Như Báo CATP đăng bài “TP.Hồ Chí Minh: Vỉa hè hư hỏng, không ai sửa?” phản ánh tình trạng rất nhiều vỉa hè các tuyến đường, đặc biệt là khu trung tâm TP.HCM, bị bong tróc, hư hỏng thời gian dài mà không có đơn vị chức năng nào tiến hành sửa chữa.