Giải quyết ùn tắc giao thông
Vấn đề ùn tắc giao thông là nỗi bức xúc của người dân TP.HCM cho suốt nhiều năm qua. Dù TP đã có nhiều cố gắng trong đầu tư nhằm giải quyết tình trạng này nhưng do lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh khiến cho tình hình kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay, tại TP.HCM trung bình mỗi ngày có có 800 xe máy, 200 ôtô đăng ký mới và hơn 10 triệu lượt xe lưu thông trên đường. Mật độ đường dành cho giao thông đạt 1,98km/km2 chưa bằng 1/5 so với quy chuẩn xây dựng Việt Nam.
Kẹt xe là nỗi ám ảnh với người dân TP.HCM
Theo Sở GTVT TP.HCM, trên địa bàn TP hiện có đến 37 điểm kẹt xe, tăng 11 điểm so với năm 2015. Trong đó, có những điểm nóng về kẹt xe gây bức xúc lớn trong người dân như khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Cảng Cát Lái và các tuyến đường kết nối ngoại thành với nội thành.
Để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, bên cạnh triển khai nhiều dự án đầu tư hạ tầng như triển khai 6 dự án với tổng vốn đầu tư 1.380 tỷ đồng nhằm kéo giảm tình trạng kẹt xe tại các tuyến đường vào sân bay; 14 dự án với tổng số vốn đầu tư là 4.995 tỷ đồng nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc khu vực kết nối cảng Cát Lái… TP.HCM còn nghiên cứu lên phương án tổ chức học lệch giờ để giảm áp lực kẹt xe.
Ngập nước vẫn chưa được giải quyết
Dù đã được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để chống ngập nhưng mỗi khi có mưa lớn hay triều cường, nhiều nơi tại TP.HCM người dân vẫn phải bì bõm lội nước. Theo số liệu thống kê của Trung tâm điều hành chống ngập TP.HCM, năm 2008, cả TP có 126 điểm ngập. Đến năm 2015, con số này giảm xuống còn 23 điểm ngập. Tuy nhiên, đến năm 2016, số điểm ngập lại tăng lên tới 59 điểm.
Nhiều tuyến đường tại TP.HCM vẫn ngập sâu mỗi khi triều cường hoặc mưa lớn
Trong thực tế con số các điểm thường xuyên bị ngập lụt có thể còn cao hơn. Một số tuyền đường bị ngập nặng mỗi khi mua lớn hay triều cường như Huỳnh Tấn Phát Q.7, Lê Văn Lương (Nhà Bè), Lương Định Của (Q.3), Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh (Q. Bình Thạnh)… Trong năm 2016, ngay cả sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị ngập nặng, ảnh hưởng đến quá trình khai thác và hoạt động cả các hãng bay.
Để giải quyết vấn đề ngập nước, TP.HCM triển khai dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng do công ty Trung Nam thực hiện theo hình thức BT từ 2016-2018 do. Đồng thời, Thành phố cũng tập trung triển khai nhiều dự án xây mới và cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét các tuyến kênh...
Con nghiện vẫn tràn lan
Theo thống kế của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trong năm 2016 toàn TP phát hiện thêm thêm 9.000 người sử dụng ma túy, nâng tổng số người nghiện lên hơn 20.000 người. Tuy nhiên, đây chỉ là con số phát hiện vì số người tình nghi sử dụng ma túy lên tới gần 28.000 người. Đáng lo ngại, tình hình người nghiện trên địa bàn TP.HCM đang có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy mới như cỏ mỹ, tem giấy…
Nhiue62 loia5 ma túy mới như "Cỏ Mỹ" được giới trẻ sử dụng
Trong năm 2016, Công an TP.HCM khám phá gần 1.600 vụ liên quan đến ma túy, bắt giữ hơn 3.200 người. Tuy nhiên, tình hình vận chuyển và buôn bán trái phép chất ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn đều có yếu tố xuyên quốc gia, xuyên biên giới ngày càng chuyên nghiệp, tổ chức chặt chẽ, manh động sẵn sàng sử dụng vũ khí chống trả lực lượng chức năng.
Việc con nghiện tran lan khiến người dân cảm thấy bất an vì có tới 80% đối tượng cướp giật, trộm cắp là những con nghiện. Bên cạnh đó, nhiều con nghiện lên cơn ngáo đá dẫn đến đốt nhà, giết người… xảy ra trong thời gian qua khiến mọi người càng thêm hoang mang.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trấn áp tội phạm
Lực lượng công an TP.HCM đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh trấn áp tội phạm theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, kết quả thu được là khả quan nhưng tình hình trộm cắp và cướp giật vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017 của TP HCM diễn ra ngày 30-12, Trung tướng Lê Đông Phong – Giám đốc công an TP.HCM cho biết thống kê của Công an TP cho thấy năm 2016 có đến gần 84% số vụ phạm pháp hình sự thuộc nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản. Trong đó, tội phạm trộm cắp và cướp giật chiếm vị trí hàng đầu.
Trộm cắp và cướp giật khiến người dân bất an
Để giải quyết vấn đề trên, Công an TP đang chuẩn bị triển khai đề án tổ chức lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm theo một cấp. Sắp tới, dự kiến sẽ triển khai thí điểm thành lập một đội CSHS đặc nhiệm phụ trách 5 quận tại TP gồm quận 7, quận 8, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè. Sau khi triển khai thí điểm từ 1 đến 2 năm sẽ tổng kết đánh giá để Bộ nghiên cứu, xem xét cho nhân rộng ra toàn TP.
Ngoài ra, Công an TP.HCM cũng đẩy nhanh đầu tư trang bị các trang thiết bị hiện đại trong tổng thể đề án xây dựng thành phố thông minh như kết nối hệ thống camera về hệ thống trung tâm chỉ huy của Công an thành phố, tăng cường việc phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động, 113, cảnh sát giao thông... để thực hiện trấn áp hiệu quả các loại tội phạm.