(CATP)Tết Nguyên đán Đinh Dậu đang cận kề, TPHCM đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình để
người dân vui xuân, đón năm mới đầy hứng khởi.
Chưa kể việc phân cấp quản lý vỉa hè xuống cho các quận, huyện hiện nay cũng bộc lộ nhiều bất cập, thiếu sót, dẫn đến tình trạng quản lý vỉa hè chưa thật sự hiệu quả.
Sau khi Báo đăng, nhiều người dân cùng đại diện cơ quan Nhà nước đã gọi điện cho Báo, đóng góp ý kiến để việc sửa chữa vỉa hè được nhanh chóng, bảo đảm lối bộ hành đồng thời là không gian công cộng trên địa bàn thành phố được an toàn, thông thoáng, sạch đẹp. Báo CATP trích đăng một số ý kiến quan trọng để các cơ quan chức năng xem xét, tiếp thu và vận dụng vào việc quản lý vỉa hè một cách hiệu quả.
Thạc sĩ Lê Minh Tiến (giảng viên xã hội học Đại học Mở TPHCM):
“Về chuyện vỉa hè bong tróc, chúng ta thấy trước nhất là vấn đề lãng phí. Trước đây chúng ta đã đầu tư làm vỉa hè tốn kém cũng nhiều, nay thấy rõ chất lượng có vấn đề, cộng với việc trước đây làm vỉa hè, nhưng không tính tới việc làm hệ thống ngầm cho điện, nước trong một tổng thể. Sau đó phải đào vỉa hè lên, làm hệ thống điện, nước.
Thứ hai là chuyện người dân thành phố ít vận động quá, một trong những lý do là vì người ta không có chỗ để đi. Vỉa hè như thế thì lấy chỗ đâu để đi, mà đi xuống lòng đường thì rất nguy hiểm. Một mặt muốn người dân phải vận động nhiều hơn, vì tình trạng béo phì, tình trạng bệnh tật ngày càng có xu hướng tăng. Nhưng vỉa hè là nơi người ta đi thì lại không được quan tâm, chăm sóc đàng hoàng, do đó không thể nói tới chuyện thể dục, thể thao hay là tập luyện gì ở đây. Vỉa hè cần thiết, quan trọng như thế, nhưng việc đầu tư, quản lý vỉa hè thì không có sự đồng bộ”.
Ông Cao Thanh Bình - Phó ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM:
“Qua phản ánh của người dân về tình trạng một số vỉa hè bị bong tróc, hư hỏng, nhưng không thấy sửa chữa, mới đây UBNDTP đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung rà soát, sửa chữa các tuyến đường, vỉa hè, công trình giao thông để đảm bảo an toàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện của một số đơn vị, địa phương còn chậm.
UBNDTP cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, các đơn vị, địa phương cần tập trung sửa chữa, nâng cấp kịp thời để người dân đi lại an toàn, vỉa hè, lòng đường thông thoáng, sạch đẹp. Cần kiểm tra và xử lý nghiêm những đơn vị, địa phương chậm triển khai thực hiện, rà soát vỉa hè hư hỏng không kỹ, thiếu tinh thần trách nhiệm”.
Ông Lê Văn Thân (78 tuổi, ngụ P12Q.Phú Nhuận):
“Báo CATP đăng bài “TP.Hồ Chí Minh: Vỉa hè hư hỏng, không ai sửa?” là đúng quá rồi! Tôi sinh trưởng và lớn lên ở TPHCM này, tôi biết khá nhiều về giao thông, vỉa hè. Trước đây, thời chế độ cũ có quỹ trùng tu, sửa sang công lộ, vỉa hè. Quỹ này có cái lợi là đường sá, vỉa hè vừa hư là sửa liền, vá liền, dặm liền, chứ không đợi thành lập dự án.
Sửa chữa nhỏ thì phải có quỹ trùng tu, như hàm răng của mình bị sâu chỗ nào phải sửa ngay chỗ đó, chứ không phải đợi hư hết rồi nhổ toác hoác cả hàm sao được? Chuyện này đáng lẽ các ông quản lý công chánh phải biết, cái nào dự án là dự án, cái nào trùng tu là trùng tu. Việc trùng tu từ cái nhỏ đến cái lớn, chứ không phải đợi cho nó hư hỏng nặng rồi mới gỡ vỉa hè lên làm dự án. Nhiều con đường quá tệ hại, lề đường hư hỏng quá mà không lo sửa, lại lo đợi lập dự án sao? Theo tôi, thành phố nên ra quy định mới đi! Trùng tu, sửa sang, vun vén lại để đường và vỉa hè xài được lâu, chứ để hư rồi làm lớn tốn tiền, để hư tiếp làm lớn tiếp lại tốn tiền tiếp. Hư ít hổng sửa, để hư nhiều mới sửa, tôi thấy ngộ quá! Các nước khác không ai làm như vậy cả”.
Ông Trần Văn Út Nhỏ (ngụ Q12):
“Bài viết của Báo CATP phản ánh đúng thực trạng hiện nay trên một số tuyến đường. Chuyện vỉa hè bị bong tróc, sụp lún không chỉ riêng ở Q12 mà tại nhiều nơi trên thành phố này. Tôi ngạc nhiên là mặc dù chúng ta lập ra khá nhiều bộ phận, ban bệ có chức năng, thẩm quyền liên quan việc quản lý vỉa hè, như: ở phường có cán bộ quản lý trật tự đô thị, ở quận có phòng quản lý đô thị, ở thành phố thì có Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải, các tông ty dịch vụ công ích..., vậy mà chuyện vỉa hè bị hư lại không một ai biết đến hay sao?
Một trong những tiêu chí để đo được sự hài lòng của người dân về công tác quản lý đô thị, bắt nguồn từ việc xử lý các vấn đề như thế này. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng của thành phố cần sớm có phương án tổng thể, rà soát lại tất cả những nơi có vỉa hè hư hỏng để khắc phục ngay. Làm được điều đó, không chỉ sửa lại hình ảnh xấu mà còn đáp ứng được sự mong mỏi của người dân”.
Anh Lê Chung Thiện (ngụ Q.Thủ Đức):
“Sáng nay, tôi có đọc bài của Báo CATP. Thật sự câu chuyện vỉa hè xuống cấp, hư hỏng bị “rơi vào lãng quên” lâu nay đã trở thành nỗi lo lắng chung của người dân thành phố. Tôi thấy có những con đường mới đưa vào sử dụng, được mệnh danh là “đại lộ đẹp nhất thành phố” như đường Phạm Văn Đồng, vậy mà một số đoạn vỉa hè đã nứt toác, sụp lún, nhìn rất xấu.
Lúc trước tôi công tác bên Nhật Bản nên hiểu được cách xử lý những vấn đề này của họ. Khi có bất kỳ sự cố nào về đô thị (nhất là đường sá) xảy ra, họ lập tức cử lực lượng đến nơi giải quyết. Vị trí bị hư hỏng đó khi được khắc phục xong thì nhiều năm sau vẫn không hề hấn gì. Sở dĩ làm được như vậy là nhờ tinh thần làm việc của họ. Khi thấy “lỗ hổng” ở bất kỳ đâu, họ “đắp” lại ngay. Họ có một lực lượng chuyên trách cho việc đó, không cần phải xin ý kiến hay chờ đợi gì cả.
Còn ở Việt Nam, theo tôi được biết, chúng ta vẫn có lực lượng đảm trách việc khắc phục sự cố về vỉa hè, nhưng quy trình thì không hề đơn giản. Để xây dựng TPHCM trở nên văn minh hơn như tiêu chí được lãnh đạo thành phố đề ra, điều đầu tiên là chúng ta nên tinh gọn quy trình để giúp cho “biệt đội” sửa chữa vỉa hè bị hư hỏng có thể xử lý vấn đề nhanh nhất, cơ động và hiệu quả nhất”.
Duy Luân - Huỳnh Hùng (thực hiện)