(CAO) Tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài được hoàn thành; đưa vào sử dụng cầu Phú Hữu; đường sách Nguyễn Văn Bình trở thành nơi hội tụ văn hoá đọc... là những công trình nổi bật của TP.HCM được hoàn thành trong năm 2016.
Hoàn thành toàn tuyến tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài
Ngày 30-8, hai nhánh đường Hồng Hà và Bạch Đằng (Q.Tân Bình) chính thức thông xe. Như vậy, tuyến đường nội đô đẹp nhất TP.HCM là Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài hoàn thành toàn tuyến
Việc thông xe tuyến đường này sẽ giúp giảm tải tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông trước cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
Trên tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài có 13 nút giao thông và nhiều cầu như: các cầu Bình Lợi, Gò Dưa, Rạch Lăng, cầu cạn vượt Quốc lộ 13. Tổng mức đầu tư hơn 186 triệu USD
Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài có tổng chiều dài 13,6km, đi qua 4 quận: Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức
Kết nối hoàn chỉnh dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, giúp người dân khu vực phía Đông thành phố, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai ra vào sân bay Tân Sơn Nhất được thuận lợi hơn
Điểm đầu tuyến đường này là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và điểm cuối kết nối tại nút giao thông Linh Xuân (Q.Thủ Đức)Cầu Phú Hữu kết nối giao thông từ cầu Phú Mỹ đến Xa lộ Hà Nội
Ngày 30-1, cầu Rạch Chiếc 2 trên đường Vành đai Đông (Q.9, TP.HCM) chính thức được khánh thành và sử dụng. Sau 11 tháng thi công, dự án hoàn thành vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch
Tuyến đường này kết nối Vành đai phía Đông với Khu Công nghệ cao và Xa lộ Hà Nội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội thành phố
Đến ngày 21-4, kỳ họp thứ 21 của HĐND TP.HCM thông qua tờ trình của UBND TP về việc đặt tên cho cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía Đông. Để tránh sự trùng lắp gây hiểu nhầm, UBND TP.HCM kiến nghị đặt tên cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai Đông là cầu Phú Hữu
Theo thiết kế, chiều dài cầu 540,9m, phần cầu chính gồm 3 nhịp vòm ống thép nhồi bê tông, phần cầu dẫn mỗi bên gồm 5 nhịp dầm bê tông; đường dẫn 2 đầu cầu có tổng chiều dài 322m. Cầu được xây dựng với tổng mức đầu tư 871,285 tỷ đồng
Cầu đưa vào sử dụng khiến cả tuyến đường Vành đai phía Đông của TP.HCM - từ cầu Phú Mỹ đến Xa lộ Hà Nội sẽ thông suốt, giúp rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hóa từ Khu công nghệ cao TP.HCM về Tân Cảng Cát Lái từ 14km hiện nay (đi đường vòng ra xa lộ Hà Nội) còn khoảng 8km
Đồng thời giúp giảm bớt lượng xe đi qua khu vực trung tâm và giảm tải cho Xa lộ Hà Nội, hạn chế ùn tắc giao thông ở khu vực phía Đông thành phốĐường sách Nguyển Văn Bình là nơi hội tụ văn hoá đọc
Ngày 9-1, tuyến đường Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) chính thức trở thành đường sách TP.HCM, đánh dấu sự thành công của ý tưởng thực hiện một con đường sách cho công chúng TP
Đường sách là nét đẹp của văn hóa đọc và là mô hình đầu tiên trong cả nước thể hiện ý tưởng, nguyện vọng của người làm xuất bản, in ấn, phát hành về một không gian độc đáo và mới lạ, tạo địa điểm ổn định lâu dài cho việc phát triển văn hóa đọc, tạo sự gắn kết giữa sách, người làm sách và bạn đọc
Đường Nguyễn Văn Bình nằm trong không gian của nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.HCM và UBND Q.1 với những mảng màu và kiểu thức kiến trúc xưa
Toàn bộ khu vực 20 gian hàng sách nằm trên lề đường sau lưng UBND Q.1, phía lề đường đối diện là không gian cà phê sách. Đường sách còn có ba kiôt ở lề đường mé trước Bưu điện TP, bày bán sách, báo, tạp chí, vật phẩm văn hóa...
Đến ngày 15-10, sau 5 tháng thi công, ngọn hải đăng biểu tượng của chủ quyền biển đảo cao 7,4m, đường kính 1,4m, trọng lượng 1,2 tấn được khánh thành sáng trên đường sách Nguyễn Văn Bình
Từ khi ra mắt, đường sách không chỉ là nơi hội tụ văn hoá đọc mà còn là địa điểm được nhiều bạn trẻ chọn để tham quan, chụp ảnh