Cùng Bộ Y tế nhìn lại những thành tượu nổi bật của ngành Y trong năm 2016

Thứ Năm, 29/12/2016 00:21

|

(CAO) Lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công vaccine sởi-rubella, kỹ thuật mang thai hộ, lần đầu tiên thực hiện phẫu thuật nội soi bằng Robot cho người lớn,... là những thành tượu nổi bật của ngành Y tế trong năm 2016.

1. Việt Nam sản xuất thành công vaccine phối hợp sởirubella

Ngày 8-11, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (Bộ Y tế) cho biết đã thử nghiệm lâm sàng thành công vaccine phối hợp sởi-rubella.

Đây là vaccine sởi-rubella đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam. Dự kiến, loại vaccine này sẽ được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2017.

2. Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ

Lúc 7 giờ 20 ngày 22-1, em bé đầu tiên trong ca mang thai hộ đã chào đời tại BV Phụ sản Trung ương, đánh dấu thành công kỹ thuật mang thai hộ thực hiện theo đúng Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2015.

Cặp song sinh nhờ mang thai hộ đầu tiên Việt Nam chào đời tại BV Từ Dũ
 

Đến nay, cả nước có 3 đơn vị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là BV Phụ sản Trung ương, BV Từ Dũ (TP.HCM) và BV Trung ương Huế.

3. Lần đầu tiên thực hiện phẫu thuật nội soi bằng Robot cho người lớn

Ngày 10-12-2016, BV Bình Dân (TP.HCM) thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bằng robot và khánh thành khu phẫu thuật bằng robot. Đây là hệ thống robot phẫu thuật thứ hai được Bộ Y tế cấp phép điều trị tại Việt Nam.

Robot phẫu thuật tại BV Bình Dân là hệ thống robot daVinci do Mỹ sản xuất. Đây là hệ thống Robot phẫu thuật hiện đại nhất hiện nay, cho phép các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nhiều bộ phận với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác, hiệu quả an toàn vượt trội, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục.

Khánh thành khu phẫu thuật bằng Robot trên người lớn đầu tiên tại Việt Nam
 

Phẫu thuật nội soi bằng robot ở người lớn tại BV Bình Dân được thực hiện trong điều trị cho nhiều loại bệnh lý ngoại khoa phức tạp như mổ các khối u tiền liệt tuyến, cắt dạ dày, cắt gan, cắt phổi, cắt u trung thất, cắt tử cung, phẫu thuật lồng ngực, tim mạch.

Đặc biệt, hệ thống Robot phẫu thuật rất hiệu quả đối với điều trị u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, thận ứ nước, teo đường mật, bắc cầu động mạch vành, chỉnh sửa van tim...

Trước đó, năm 2013 BV Nhi Trung ương đã thực hiện kỹ thuật này cho trẻ em.

4. Triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Cụ thể, ngành Y tế đã triển khai các công việc cụ thể như tập huấn cán bộ, mở nhiều kênh để nhận thông tin từ phía người dân như đường dây nóng, hòm thư góp ý, facebook, zalo...

Một số bệnh viện tuyến huyện bước đầu cũng đã có những biến chuyển, làm giảm thời gian chờ đợi của người dân khi đi khám bệnh.

Bệnh viện phải là nhà thương!
 

Việc xây dựng cơ sở y tế xanh sạch đẹp cũng được cụ thể hóa bằng các tiêu chí như nhà vệ sinh sạch, hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế.

Năm qua, ngành Y tế cũng đã tăng cường quản lý các dịch vụ đầu vào như bảo vệ, gửi xe, căng tin, siêu thị hay những người dọn vệ sinh... nhằm nâng cao hiệu quả và chuyên nghiệp hoá cung cấp dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo sự hài lòng cho người bệnh…

5. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế tăng 9 bậc so với năm 2015 (xếp thứ 17/19 lên 8/19 bộ, ngành do Chính phủ công bố năm 2016).

Ngày 17-8-2016, Chính phủ đã công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế với tổng điểm là 86,58/100 đứng ở vị trí số 8/19 bộ, ngành vượt 09 bậc so với kết quả 17/19 được công bố năm 2015.

Kết quả trên có được là do Bộ Y tế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp: Cải cách thể chế ngành y tế, cải cách trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, thiết lập thực hiện đường dây nóng, giảm tải bệnh viện, đổi mới phong cách thái độ… tỷ lệ hài lòng của người dân ngày được nâng cao.

6. Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở

Đề án đã góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Cụ thể, Bộ Y tế đã triển khai rất hiệu quả Đề án bệnh viện vệ tinh để chuyển giao công nghệ cao, kỹ thuật và chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới. Nhờ đó, một số tỉnh như Bắc Giang, Hòa Bình trước khi chuyển tuyến 100% thì nay chỉ còn từ 5 đến 30% bệnh nhân chuyển tuyến.

Bên cạnh đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin đã đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 hay 4, giảm thời gian chi phí của cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ đã làm tăng thêm tính minh bạch và rất hiệu quả trong quản lý.

7. Đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Hiện nay, đã có 36 tỉnh thành thực hiện việc đưa tiền lương vào giá dịch vụ. Điều đó làm cho việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân đã có những con số vượt trội.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về các giải pháp đẩy mạnh thực hiện BHYT
 

Cụ thể, hơn 80,3% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao (năm 2016 Chính phủ giao 79%).

8. Đấu thầu thuốc tập trung, tránh chênh lệch giá

Bộ Y tế đã trình Chính phủ phê duyệt và sắp ký ban hành Đề án Đấu thầu thuốc tập trung giúp quản lý giá tốt hơn, tránh chênh lệch giá giữa các vùng miền. Có những danh mục đấu thầu trung ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và tại từng các bệnh viện. Một trong những điểm mới là bên cạnh việc đấu thầu công khai là việc đàm phán giá, giúp cho giá thuốc có thể giảm tới 50%.

Năm 2016 cùng với Luật Dược sửa đổi, đưa ra một loạt đổi mới làm cho quản lý thuốc và giá cả, công nghiệp dược, quản lý dược liệu chặt chẽ hơn, cung ứng thuốc cho người dân an toàn và hợp lý.

9. Xã hội hóa và đầu tư cho Y tế

Ngành Y tế tăng cường xã hội hóa bằng các biện pháp như liên kết với các nhà máy; khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập vay vốn ngân hàng để xây dựng cơ sở khang trang hơn, mua thiết bị... kết hợp và kêu gọi xã hội cho việc phát triển cơ sở hạ tầng.

Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở y tế đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa để phát triển ngành y tế, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân và người dân được sử dụng dịch vụ chất lượng cao.

10. Việt Nam đã được bầu vào Ban Chấp hành (Executive Board) của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, WHO) nhiệm kỳ ba năm, từ năm 2016 đến 2019.

Đại diện cho khối các nước ASEAN trong khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, Việt Nam sẽ góp thêm tiếng nói từ các quốc gia đang phát triển với các hệ thống y tế đang trong quá trình chuyển đổi. Những thách thức và khó khăn trong phát triển y tế của Việt Nam và các nước sẽ được quan tâm nhiều hơn trong quá trình thế giới và khu vực xây dựng và thực thi các chính sách y tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang