Bệnh nhân nước ngoài chây ì viện phí, bệnh viện dở khóc dở cười

Thứ Tư, 28/12/2016 06:37  | Ngô Đồng

|

(CAO) Không ít trường hợp chiêu trò tìm cách trì hoãn, tránh né, “quỵt” tiền viện phí; thậm chí có trường hợp không may không qua được bệnh cảnh, thân nhân không đến nhận xác, bệnh viện phải lo mọi hậu sự.

Thời gian qua, bệnh nhân là người nước ngoài đến các bệnh viện (BV) công trên địa bàn TP.HCM khám và điều trị ngày một gia tăng, một phần là nhờ các dịch vụ y tế đã tạo được uy tín, điều này góp phần tăng nguồn thu cho ngành y tế cả nước nói chung, tại TP.HCM nói riêng.

Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp chiêu trò tìm cách trì hoãn, tránh né, thậm chí “quỵt” tiền viện phí, khiến bệnh viện dở khóc dở cười.

Mỗi ngày bệnh viện Chợ Rẫy đón nhận hàng ngàn lượt đến khám và chữa trị, trong đó có cả bệnh nhân quốc tịch nước ngoài. Ảnh: NĐ

Chữa bệnh xong mới nói “tôi không có tiền trả!”

Thông thường, du khách nước ngoài hay người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam đến bệnh viện khám chữa bệnh phải có bảo hiểm du lịch, hoặc người đại diện bảo lãnh; do đó việc thu hồi viện phí không có gì phiền toái. Nhưng cũng không ít trường hợp “tay không” đến bệnh viện: không passport, không visa, không bảo hiểm du lịch, không người bảo lãnh,…

BS CKII Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, BV cũng thường xuyên gặp trường hợp bệnh nhân là người nước ngoài “quỵt” viện phí. Tuy nhiên hiện nay bệnh viện cũng chưa có biện pháp gì để khắc phục.

Đang nằm điều trị tại BV Chợ Rẫy là một người quốc tịch Đài Loan (SN 1954), ông nhập viện hôm 22-11-2016 vì bị tai biến. Ông nói với bác sĩ, hiện ông tạm trú ở quận 7, TP.HCM, nhưng không có người thân bên cạnh, ông có vợ nhưng đã li dị, 2 con hiện ở Đài Loan.

"Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân này đã ổn định, có thể xuất viện; nhưng vì bệnh nhân bị tai biến có biến chứng nên khi xuất viện thì phải có người thân chăm sóc mới được; nhưng không ai đón về, bệnh viện lại không thể bỏ bệnh nhân, do đó vẫn cứ phải để bệnh nhân nằm ở bệnh viện và các điều dưỡng vẫn phải chăm sóc", bác sĩ Việt nói.

Để 'cò bệnh viện' không còn đất sống!
 

Bác sĩ Việt cho biết thêm: "Lúc bệnh nhân nhập viện, vợ cũ của bệnh nhân có đến thăm và tạm ứng khoảng 20 triệu tiền viện phí, nhưng số tiền điều trị hiện đã vượt qua số tạm ứng, nhưng người vợ cũ nói là chỉ có khả năng bấy nhiêu. Chúng tôi cố gắng nhờ lãnh sự quán liên lạc với con cái ông và họ luôn rất nhiệt tình và có trách nhiệm. Tuy nhiên, họ chỉ hỗ trợ mình phần liên lạc, còn chi phí viện phí, chăm sóc cho bệnh nhân nọ kia thì bệnh viện vẫn phải lo. Hiện tại vẫn không thấy con cái ông qua đón, để mặc ông cho bệnh viện”.

Một trường hợp khác, một người quốc tịch Anh (SN 1946), nhập viện tại Chợ Rẫy hôm 20-11-2016 vì nhồi máu cơ tim. Dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi. Điều đáng nói là, vợ của ông có đến bệnh viện, nhưng chỉ với mục đích nhờ bệnh viện xác nhận giấy báo tử để bổ sung các thủ tục cho phía ngân hàng; còn tiền viện phí hơn 40 triệu trong thời gian chạy chữa tại bệnh viện bà không đả động gì tới.

“Hiện tại gia đình không nhận xác, phía bệnh viện lại phải lo bảo quản xác và làm các thủ tục với phía đại sứ quán. Tiền viện phí thì vẫn chưa được thanh toán”, bác sĩ Việt cho biết.

Việc thân nhân bệnh nhân người nước ngoài xù viện phí và không đến nhận xác, sau đó bệnh viện phải lo mọi hậu sự cho đến hỏa táng không phải là trường hợp hi hữu. Trước đây cũng có một trường hợp tương tự.

Bệnh viện dở khóc dở cười

Mỗi ngày bệnh viện Chợ Rẫy đón nhận hàng ngàn lượt đến khám và chữa trị, trong đó có cả bệnh nhân quốc tịch nước ngoài.

Mỗi bệnh nhân vào chữa trị đều phải đóng một khoản tiền tạm ứng. Ngoài ra, người bệnh cần phải trình đủ giấy tờ tùy thân, đối với bệnh nhân người nước ngoài thì có người bảo lãnh.

Nhưng với những trường hợp bệnh nhân cấp cứu mà không có giấy tờ tùy thân, người bảo lãnh, hay tiền bạc thì đòi hỏi bác sĩ phải lựa chọn giữa lợi ích chung và đạo đức nghề nghiệp. Các bác sĩ không thể thấy bệnh nhân trong tình trạng đau ốm, không có tiền và giấy tờ tùy thân mà không cứu.

Biết là có tình trạng du khách có hiện tượng quỵt tiền, bỏ trốn nhưng cũng không thể phân biệt, không thể không chữa bệnh được. Như thế lại sợ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. Với những khách không có giấy tờ tùy thân, người bảo lãnh thì bệnh viện vẫn tiến hành cấp cứu như bình thường, sau đó chỉ biết báo cáo tình trạng này lên Lãnh sự quán/ Đại sứ quán.

Theo BS CKII Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy TP.HCM, du khách đến bệnh viện đa phần là những trường hợp cấp cứu như tai biến, bị tim mạch, nhồi máu,… Bác sĩ thì không thể bỏ bệnh nhân được. Khi bệnh nhân đến cấp cứu thì chúng tôi cũng nhanh chóng tiến hành các biện pháp hỗ trợ. Khi họ tỉnh táo lại sẽ yêu cầu làm thủ tục nhập viện, cung cấp tên tuổi, địa chỉ, hộ chiếu.

Tuy nhiên một số bệnh nhân nói họ không có mang hộ chiếu theo người, một số thì hết hạn, không có bảo hiểm du lịch, không có người thân, nếu có cũng đến viện một lúc rồi cũng tìm cách lảng tránh, trốn đi. Bệnh nhân sau đó viện các lý do khác nhau để rời khỏi bệnh viện. Họ không có giấy tờ, không có thông tin cá nhân đầy đủ nên việc đòi viện phí là điều hết sức khó khăn.

BV cũng đã liên hệ với các lãnh sự quán và họ rất có trách nhiệm giúp đỡ BV trong việc liên hệ với thân nhân nhưng việc chi trả viện phí thì họ không thể giúp bệnh viện.

 

Hiện tại, tại BV Chợ Rẫy, còn 18 trường hợp bệnh nhân là người nước ngoài chưa chi trả viện phí cho bệnh viện. Số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng.

“Trong số 18 trường hợp, có 12 trường hợp là bệnh nhân người Campuchia, họ đến Việt Nam khám chữa bệnh vì họ tin tưởng vào y học nước mình và họ có mang theo tiền; nhưng vì họ mang theo không đủ hoặc do bệnh nặng, nhiều chi phí phát sinh nên thiếu tiền chứ không phải họ cố tình quỵt tiền viện phí. Họ có đóng tạm ứng đàng hoàng. Một số được lãnh sự quán xác nhận là hoàn cảnh thật sự khó khăn, nên bệnh viện chỉ còn cách vận động mạnh thường quân giúp đỡ, số tiền giúp đỡ cũng được khoảng 93 triệu đồng/ gần 204 triệu đồng tiền thiếu”, bác sĩ Việt cho hay.

Bệnh viện phải là nhà thương!
 

Trong số những bệnh nhân nước ngoài còn nợ viện phí còn có nhiều quốc tịch khác nhau, có cả quốc tịch ở Châu Âu; đa phần họ là người hưu trí, người có thu nhập thấp, thất nghiệp, nên sau khi chữa bệnh họ không có khả năng chi trả nên việc đòi viện phí rất khó khăn. Trong số đó có một người gốc Việt mang quốc tịch Mỹ, nợ bệnh viện hơn 14 triệu đồng viện phí nhưng đã tự ý xuất viện và hiện BV cũng chưa đòi được viện phí.

Theo bác sĩ Việt, bệnh viện hiện nay không có cách nào để giải quyết việc chây ì viện phí này và để bù vào khoản viện phí khám chữa bệnh cho du khách, các cán bộ y, bác sĩ đều phải tự bỏ tiền lương cá nhân ra bù vào. Bệnh viện có quỹ ủng hộ “một ngày lương”. Số tiền trong quỹ này được BV dùng vào các khoản cứu trợ, giúp đỡ bệnh nhân nghèo và những khoản khác như việc bệnh nhân trốn viện phí. Khi số tiền trong quỹ này hết thì các bộ, công nhân viên tiếp tục đóng góp để duy trì quỹ. Ngoài ra, BV cũng có Phòng công tác xã hội, nơi kêu gọi sự chung tay đóng góp của mạnh thường quân, giúp đỡ những trường hợp đặc biệt khó khăn.

Quy định về bảo hiểm du lịch thông thoáng cũng tiềm ẩn rủi ro

Luật du lịch Việt Nam quy định: “Khách du lịch được hưởng bảo hiểm du lịch và các loại bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật” (trích điều 35, chương V quy định về quyền của khách du lịch trong Luật du lịch Việt Nam năm 2005). Như vậy có thể hiểu rằng việc mua bảo hiểm du lịch được xem là quyền của du khách.

Thông thường với du khách đi theo tour trọn gói, việc mua bảo hiểm sẽ được các công ty du lịch mua và tính kèm trong giá tour hoặc tặng kèm trong dịch vụ. Riêng với du khách đi du lịch tự túc như du lịch bụi, phượt… việc mua bảo hiểm là tự nguyện, không bắt buộc. Cũng chính là nguyên nhân này mà hiện nay việc tham gia bảo hiểm du lịch trong nước vẫn chưa được quan tâm.

Mặc dù chi phí dành cho việc mua bảo hiểm du lịch chiếm một phần rất nhỏ trong giá thành tour/ du lịch nhưng lại được đánh giá là có vai trò cốt yếu khi du khách phải đối mặt với những sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, không phải lúc nào loại hình bảo hiểm này cũng hấp dẫn du khách và doanh nghiệp lữ hành nào cũng nhìn nhận đúng vai trò của nó.

Có thể chính sách không bắt buộc mua bảo hiểm du lịch sẽ thu hút được khách du lịch nhiều hơn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, không chỉ cho du khách mà còn thêm gánh nặng cho các cơ sở y tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang