"Hạt nêm 3 không" lại tái xuất

Thứ Sáu, 23/12/2016 09:45  | P.V

|

(CAO) Sau một thời gian tạm lắng khi báo chí thông tin và sự kiểm tra gắt gao của lực lượng chức năng, "hạt nêm 3 không" lại tái xuất đe doạ vệ sinh an toàn thực phẩm mùa cuối năm.

Bán vì lời nhiều hơn

Sau nhiều loạt bài liên tục phản ánh việc các chợ truyền thống bán tràn lan loại hạt nêm đóng bịt nhỏ, không nhãn mác tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng, Ban quản lý các chợ và quản lý thị trường liên tục kiểm tra, tịch thu, xử phạt các hộ kinh doanh loại hạt nêm này.

Sự việc trầm lắng một thời gian thì gần đây, theo quan sát của phóng viên, "hạt nêm 3 không" lại tái xuất bởi lợi nhuận mà nó mang lại cho người bán tốt hơn bán hạt nêm có thương hiệu rõ ràng.

Trong vai người đi kiếm nguồn hàng về bán tạp hoá tại nhà, phóng viên đến chợ Cầu tìm hiểu. Chợ Cầu (quận 12) là một dạng chợ tự phát nhưng có lượng khách hàng và người kinh doanh khá lớn. Tại đây có ít nhất 9 điểm kinh doanh tạp hoá có bán loại hạt nêm 3 không. Với giá bán chỉ từ 15.000 đến 18.000 đồng tuỳ điểm bán cho một bịt hạt nêm không nhãn mác có khối lượng nửa kilogam.

Theo bà Lân - chủ tiệm tạp hoá khá lớn M.L trong chợ thì khách hàng mua không nhiều nhưng “chúng tôi vẫn bán bởi giá cung cấp giảm hơn, lợi nhuận cao hơn”. Bà Lân phân tích, nếu bán một bịt hạt nêm loại 450g có tên hiệu rõ ràng...thì chỉ lãi được 200 đồng, trong khi mua 1 bao lớn 10 kg hạt nêm 3 không này chia bịt bán ra thì lãi được khoảng 20.000 đến 25.000 đồng, cao hơn rất nhiều.

3 bịch hạt nêm 3 không trong tiệm tạp hoá M.L của bà Lân

Bà Lân cũng cho biết nghe nhân viên bán hàng nói loại hạt nêm này họ nhập khẩu, họ đóng bao lớn để tiết kiệm chi phí, với lại họ nói họ không quảng cáo nên giảm chi phí đầu vào nên bán ra rẻ như vậy!

3 bịch hạt nêm 3 không trong tiệm tạp hoá M.L của bà Lân

Chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình –TP.HCM) nơi mà trước đây báo chí đã đưa tin có nhiều tiểu thương buôn bán loại hạt nêm này, sau một thời gian tạm lắng nay nhiều sạp trong chợ đã bán “hạt nêm 3 không” trở lại.

Bà H.T – một tiểu thương trong chợ cho biết vẫn có nhiều người hỏi mua nên bán bình thường. Chúng tôi cố gắng tìm hiểu vì sao bà chủ này biết hàng độc hại, bị cấm buôn bán mà vẫn bán thì bà H.T phân trần rằng bán các loại gia vị đóng bịch kiểu này lời hơn loại khác, biết là không nên nhưng tình hình kinh doanh ngày một khó khăn nên bà và các tiểu thương khác vẫn bán để kiếm sống!

Tại chợ Thủ Đức, lượng hàng hoá được trưng bày rất nhiều để chuẩn bị cho mùa bán hàng Tết. Các mặt hàng gia vị cũng được các tiểu thương nhập về nhiều, đa dạng nhiều sự lựa chọn. Bên cạnh những hàng hoá có thương hiệu, đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ…vẫn có vài mặt hàng “3 không”. Khi chúng tôi hỏi mua loại hạt nêm đóng bịt không nhãn mác, một chủ tiệm sai người làm vào phía trong lôi ra một thùng chứa 5 bịt loại 500g hạt nêm không nhãn mác. Giá bán loại hạt nêm này khá rẻ, chỉ 12.000 đồng một bịch, mua bao nhiêu cũng có.

Chúng tôi thắc mắc vì sao phải giấu loại hàng này bên trong mà không đưa ra ngoài trưng bày? Chủ tiệm cho biết loại hàng này chỉ bán cho khách quen, chứ dân ít mua. Với lại sợ bị quản lý thị trường tịch thu vì hàng ko có nhãn mác, rồi báo chí đưa tin không hay!

Kiên quyết xử lý

Trao đổi với PV, chị Tạ Thị Kim Anh - Trưởng ban quản lý chợ Thủ Đức cho biết thời gian qua liên tục kiểm tra hoạt động kinh doanh của các tiểu thương. BQL kiên quyết không để bất cứ một sản phẩm nào không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán trong chợ. Nếu hộ kinh doanh nào không chấp hành, BQL chợ sẽ phối hợp với quản lý thị trường của quận xử lý nghiêm.

Loại hạt nêm 3 không trước đây bán nhiều, nhưng sau khi báo chí phản ánh, BQL chợ đã kiểm tra và yêu cầu các tiểu thương ngưng bán để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, mỗi hộ kinh doanh hàng trăm mặt hàng nên BQL khó mà kiểm đến hết được. Việc buôn bán loại hàng kém chất lượng này cần đến ý thức, trách nhiệm với sức khoẻ cộng đồng của người kinh doanh nữa.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. HCM Phan Hoàn Kiếm cho biết: “Trước phản ánh của báo chí, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và xử lý mạnh tay hàng loạt tiểu thương kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, xử phạt, một số tiểu thương chuyển từ hình thức bán công khai sang buôn bán lén lút gây khó khăn trong việc kiểm soát, xử lý. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ra quân xử lý rốt ráo thực trạng này”.

Tác hại của việc sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với sức khoẻ là khôn lường. Mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm đang đến gần, hy vọng các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý để người dân được đón một năm mới an vui, khoẻ mạnh.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về An toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực từ ngày 31/12/2013. Theo đó, Nghị định 178 quy định rõ mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi VPHC về ATTP là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.

Ngoài mức phạt tiền như trên, đối với các hành vi VPHC về ATTP có tính chất nghiêm trọng như: Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh để sản xuất, chế biến thực phẩm,… thì mức tiền phạt được tính bằng 3,5 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với cá nhân hoặc 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với tổ chức vi phạm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang