(CAO) Nghề y là một nghề đặc biệt. Đối tượng phục vụ của nghề y là bệnh nhân, những người thường xuyên phải chịu đựng đau đớn vì bệnh tật, sức khỏe yếu. Bởi vậy, hơn ai hết, họ cần được chăm sóc bằng cả tình yêu thương, sự thấu hiểu.
Lấy lòng người bệnh...
Những ngày này, thời tiết nắng nóng nên khi có mặt tại các cơ sở y tế tại TP.HCM, lượng bệnh nhân đến khám cũng tăng một cách đột biến vì bệnh tật. Người già đột quỵ, trẻ nhỏ thì viêm hô hấp,...
Theo thống kê của BV Chợ Rẫy, những ngày này, trung bình mỗi ngày có khoảng 6.000 lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh (trước đó chưa đến 5.000 bệnh nhân).
Tính riêng ngày 20-4-2016 có 5.477 lượt bệnh nhân (cùng ngày tuần trước là 4.552 bệnh nhân) với 2.672 bệnh nhân khám BHYT (chiếm 53,8%), trong đó tại khoa khám bệnh chiếm 4.202 bệnh nhân, bệnh nhân nhập khoa cấp cứu là 329 trường hợp.
Mặc dù bệnh nhân tăng đột biến, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, từng người bệnh đã có thể cảm nhận được phong cách phục vụ, sự cảm thông, chia sẻ từ những cán bộ y tế. Ở từng vị trí từ nhân viên hộ lý, chị tạp vụ, tới anh bảo vệ đã ân cần hơn, làm việc có trách nhiệm hơn.
Trong khu vực khám bệnh, không còn cảnh người bệnh mệt mỏi nằm ngủ trên ghế ở khu vực chờ khám, mà tại đây có rất nhiều những chiếc ghế nhựa đã được lực lượng bảo vệ đặt sẵn ngay ngắn, bệnh nhân, thân nhân ngồi chờ thứ tự. Có khá nhiều các màn hình LCD để ở nơi phù hợp để người bệnh ngồi đợi mà không thấy nhàm chán.
Có khá nhiều các màn hình LCD để ở nơi phù hợp để người bệnh ngồi đợi mà không thấy nhàm chán. Ảnh: Ngô Đồng
Tương tự, tại các BV như BV Hùng Vương, Từ Dũ, Nhân dân 115, BV quận Thủ Đức, BV Nhi Đồng 1, BV Đại học Y Dược,… cũng có nhiều thay đổi. Khoa khám bệnh đã trang bị các bảng điện tử ở vị trí thuận tiện nhất cho người bệnh theo dõi được các thông báo.
Thời gian gần đây, tại nhiều BV ở TP.HCM cũng đã triển khai một đội ngũ nhân viên chuyên hướng dẫn người bệnh cũng như thân nhân bớt lúng túng khi tới BV làm thủ tục khám chữa bệnh, tư vấn cho người bệnh về các chương trình chính sách xã hội như BHYT, trợ cấp xã hội,…
Nụ cười, sự ân cần đã xuất hiện nhiều hơn. Ảnh: Ngô Đồng
Ngay cả những chi tiết nhỏ như sạc pin điện thoại, photocopy giấy tờ, wifi miễn phí,… cũng đã được nhiều bệnh viện triển khai, báo hiệu một “làn gió mới” cho ngành y tế thành phố.
Các bệnh viện đã và đang “nóng” lên bởi các hoạt động triển khai “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Ngay cả một BV tuyến dưới, như BV quận Thủ Đức cũng có nhiều thay đổi. Bệnh viện cũng đang triển khai thí điểm việc quản lý an ninh bệnh viện bằng camera tại khoa Cấp cứu nhằm đảm bảo khoa Cấp cứu luôn trong tình trạng được kiểm soát và xử lý kịp thời khi có sự cố…
...để bệnh viện thực sự là nhà thương!
Không ai mong muốn mình phải đến bệnh viện, ai đến đó cũng đang bị bệnh tật, đớn đau rất đáng thương và cần lắm sự thương yêu của các thầy thuốc. Người bình thường ai cũng muốn được sống trong sự yêu thương, chia sẻ và cảm thông của mọi người. Người bệnh còn khát khao được nhiều hơn thế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân. Ảnh: Ngô Đồng
Cảm giác khi bước chân đến bệnh viện như được đến nhà thương, được các nhân viên và y bác sĩ đón tiếp trong tình yêu thương, lo lắng, được điều trị khỏi bệnh thật sự không còn gì tuyệt vời, hạnh phúc bằng.
Thầy thuốc thăm hỏi bệnh nhân. Ảnh: Ngô Đồng
Nụ cười, sự ân cần đã xuất hiện nhiều hơn. Người bệnh và thân nhân có lúc đã cảm thấy mình thật sự là “thượng đế”, là “khách hàng” cùng đồng hành với sự phát triển của ngành y tế.
Nhiều bệnh nhân nghèo còn được các đơn vị bảo trợ xã hội trong bệnh viện tìm kiếm mạnh thường quân hỗ trợ, bệnh viện chữa trị miễn phí. Đã có những bệnh nhân sau khi xuất viện còn được một số vốn mang về để lo kế sinh nhai, vượt qua bệnh khổ.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1982, ngụ tại Tuy Phong, Bình Thuận), một trong những bệnh nhân được bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành ghép giác mạc từ người cho chết não chia sẻ: "Tôi thật sự rất vui mừng, như được hồi sinh sau 10 năm gần như sống trong lờ mờ của bóng tối".
Anh Nguyễn Văn Tuấn
Được ghép giác mạc sáng mắt nhưng do hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ cận nghèo, vợ anh đi mua ve chai mưu sinh, anh còn mẹ già nên đã được Ban giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy miễn toàn bộ viện phí cho cuộc ghép giác mạc này.
Từ xưa đến nay, chưa có cơ quan, đơn vị, ngôi nhà nào… được gọi là nhà thương, trừ bệnh viện. Do đó, ngành y tế đang đổi mới từng ngày để bệnh viện thực sự trở thành một ngôi nhà đầy ắp tình thương yêu đồng loại với trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh.