Bệnh nhân nghèo vơi bớt khó khăn nhờ Bệnh viện vệ tinh

Thứ Bảy, 08/08/2015 08:15  | N. Đồng

|

(CAO) Vấn đề quá tải bệnh viện làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh. Do đó, thêm một giường bệnh là thêm một người bệnh đỡ vất vả.

Để giải quyết bài toán quá tải bệnh viện, ngày 9-1-2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 đến 2020. Với mục tiêu giảm tải ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, nâng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Một trong những trọng tâm để thực hiện đề án trên là thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh.

Bệnh viện vệ tinh và câu chuyện 3 năm nhìn lại

Sau gần 3 năm thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh (từ năm 2013 - 2015), mạng lưới bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh đang dần đi vào “guồng”.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, ngành y tế đã triển khai được 46 bệnh viện vệ tinh thuộc 5 chuyên khoa: tim mạch, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình, ung bướu ở 38 tỉnh thành.

Các kỹ thuật chuyên môn sâu được chuyển giao gồm: ung bướu 38; tim mạch 28, nhi 34 sản 28 và nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu về chuyên ngành Chấn thương Chỉnh hình.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị triển khai đề án BV vệ tinh tại TP.HCM

Nhờ được chuyển giao kỹ thuật, nhiều bệnh viện tuyến cơ sở đã thực hiện tốt các kỹ thuật khó, tình trạng quá tải bệnh viện cũng đã được cải thiện rõ rệt, 2/3 bệnh viện tuyến trung ương đã cam kết không còn bệnh nhân nằm ghép sau 24 giờ hoặc sau 48 giờ, hoặc sau 72 giờ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến cuối năm 2016, tất cả các tỉnh, thành trong cả nước phải thực hiện bệnh viện, khoa vệ tinh.

Cụ thể, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã thực hiện thành công 1 ca ghép thận; sắp tới sẽ thực hiện tiếp 2 ca, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Bệnh viện cũng đã thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên khoa sâu như: Chẩn đoán, sàng lọc ung thư sớm, điều trị ung thư bằng phẫu trị, hóa trị, xạ trị...

Hay Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa, trước khi chưa có đề án này một năm chỉ đủ năng lực mổ cho 5 trường hợp bệnh nhân ung thư, nhưng sau khi thực hiện đề án, đã thực hiện được 200 ca/năm.

Nhờ chuyển giao nhân lực và công nghệ từ các bệnh viện hạt nhân, tỷ lệ chuyển tuyến cũng đã giảm rõ rệt: Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ giảm số bệnh nhân tim mạch chuyển tuyến từ 40% xuống chỉ còn 0,9%; Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận đã giảm tỷ lệ chuyển viện đối với bệnh nhân chấn thương sọ não từ 3% xuống 2,5%...

Chỉ chưa đến 3 năm, các BV vệ tinh đã thay đổi rõ rệt, đặc biệt là về chất lượng KCB. Những kết quả đó đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt ngành y tế.

Theo Bộ Y tế, ngoài 5 chuyên khoa nóng nhất, tới đây, Bộ Y tế sẽ mở rộng đề án BV vệ tinh ở một số chuyên khoa khác, như hô hấp, nội tiết,…

Bệnh nhân nghèo vơi bớt khó khăn

Những bệnh viện đang được xem là quá tải hiện nay ở TP.HCM như: Nhi đồng 1, Ung Bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Nhi đồng 2… đều có bệnh viện vệ tinh, phòng khám vệ tinh tại các bệnh viện tuyến dưới. Điều này phần nào giúp bệnh nhân nghèo vơi bớt khó khăn trong việc khám chữa bệnh như nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Thêm một giường bệnh là thêm một người bệnh đỡ vất vả".

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Thêm một giường bệnh là thêm một người bệnh đỡ vất vả"

Là bệnh viện hạt nhân tuyến trung ương, bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển giao thành công 30 gói kỹ thuật của 6 chuyên khoa cho 4 bệnh viện vệ tinh. Các chuyên khoa đó bao gồm: Chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, chuyên khoa ngoại thần kinh, chuyên khoa ngoại tiêu hóa, chuyên khoa nội tim mạch, chuyên khoa tim mạch can thiệp và chuyên khoa phẫu thuật tim. Bốn bệnh viện vệ tinh bao gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa.

Theo PGS TS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, một bệnh nhân nếu cần can thiệp tim mạch có thể không nhất thiết phải khăn gói lên tận Chợ Rẫy, mà có thể tới bệnh viện vệ tinh là Bệnh viện Thống nhất Đồng Nai hoặc Bệnh viện tim mạch An Giang,... Giá viện phí như nhau, áp dụng theo khung giá Bệnh viện Chợ Rẫy.

BV vệ tinh được mở rộng, tình trạng quá tải, nằm ghép ở tuyến trên sẽ được cải thiện

Ngoài ra, ung bướu là chuyên khoa có tình trạng quá tải nghiêm trọng nhất và chủ yếu tập trung vào tuyến trên, nhất là Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, thì nay qua triển khai bệnh viện vệ tinh, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã có thể điều trị ung bướu. Một phần của kết quả đó nhờ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã đào tạo, chuyển giao 16 kỹ thuật cho 7 bệnh viện vệ tinh khác ở Khánh Hòa, Cần Thơ, Bình Định, Đồng Nai, Kiên Giang, Cà Mau,...

Theo đánh giá của PGS TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh: "Nếu trước đây nói đến ung bướu chỉ nói đến Bệnh viện K Hà Nội hay Ung bướu TP.HCM thì nay đã có 18 đơn vị điều trị được ung bướu".

Về vấn đề chi trả viện phí, nhiều bệnh nhân lo ngại khi khám ở bệnh viện vệ tinh có được thanh toán BHYT không?. Theo thông tư 41/2014 liên bộ Bộ Y tế và Bộ Tài chính thì bệnh nhân ở tuyến dưới được thanh toán bảo hiểm y tế.

Tất cả những việc làm trên với mục đích giảm lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại những bệnh viện nói trên; đồng thời cũng giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí, giảm phiền hà, tâm lý bức xúc cho người bệnh khi phải khám và điều trị ở nơi quá tải. Điều này cũng góp phần làm giảm áp lực rất lớn về mặt chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ.

TS Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh: Giai đoạn 2013 - 2015, đề án Bệnh viện vệ tinh chưa có bệnh viện tư nhân tham gia. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2020, đề án này sẽ mở rộng ra 63 tỉnh thành phố, gồm cả bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang