Khi bệnh nhân bức xúc thái độ thầy thuốc và trách nhiệm của ngành y

Thứ Bảy, 23/01/2016 05:50

|

(CAO) Kê toa khủng, tai biến khiến sản phụ tử vong, bệnh nhân dài cổ chờ mua thuốc, bắt cóc trong bệnh viện,… là những tồn tại của ngành y tế nói chung trong cả nước, cũng như tại TP.HCM nói riêng thời gian qua, gây phiền hà và bức xúc cho người bệnh.

Mỗi người không may khi mắc bệnh phải đến bệnh viện bao giờ cũng mong muốn người thầy thuốc thật sự quan tâm, chia sẻ với họ, từ khi tiếp xúc đến cả quá trình điều trị lâu dài, nhất là đối với những trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo.

Bức xúc thái độ thầy thuốc

Trao đổi với báo chí, TS BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nhiều bệnh viện tại TP.HCM vẫn chưa làm bệnh nhân hài lòng.

Trong thang điểm tối đa Sở Y tế TP.HCM đưa ra để đánh giá sự hài lòng của người bệnh là 4 điểm, không có một bệnh viện nào đạt được số điểm trên. Ngược lại những bệnh viện ở mức tạm chấp nhận được, chứ chưa làm bệnh nhân hài lòng, lại rất nhiều, đặc biệt là ở khối điều trị ngoại trú.

Mỗi người không may khi mắc bệnh phải đến bệnh viện bao giờ cũng mong muốn người thầy thuốc thật sự quan tâm, chia sẻ với họ. Ảnh: Ngô Đồng

Ở cả khối bệnh viện trực thuộc Sở Y tế và bệnh viện quận - huyện, mức độ hài lòng của bệnh nhân trong điều trị ngoại trú luôn thấp hơn so với điều trị nội trú.

Đối với các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, vẫn còn đến 10,3% bệnh viện có điểm trung bình trong điều trị ngoại trú dưới 3 điểm.

Riêng các bệnh viện quận - huyện, nơi được xem là không xảy ra tình trạng quá tải, nhưng vẫn còn đến 3,4% bệnh viện có điểm dưới 3.

Ngay cả các bệnh viện tư nhân, cũng còn đến 2,7% bệnh viện có điểm trung bình nội trú dưới 3.

Một trong những điểm yếu lớn nhất khiến người bệnh không hài lòng là chất lượng dịch vụ, kế đến là cơ sở vật chất, thái độ cán bộ nhân viên của bệnh viện.

Để nhận được sự hài lòng của người bệnh khi đến khám chữa bệnh, các bệnh viện cần có nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan. Nhưng thực tế hiện nay, sự hài lòng của người bệnh nhiều khi không được đáp ứng kịp thời, từ tinh thần, thái độ của nhân viên y tế đến việc thiếu thốn cơ sở vật chất, tình trạng quá tải phải nằm ghép…

Bệnh nhân được coi là... khách hàng

Trao đổi với báo chí từ góc độ quản lý nhà nước về chất lượng hoạt động khám chữa bệnh, TS bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận vấn đề giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế còn bị phản ánh khá nhiều qua đường dây nóng của Sở và Bộ.

Bên cạnh đó, theo BS Thượng, tai biến điều trị vẫn còn xảy ra, gây bức xúc cho người dân. Ngoài ra, vấn đề an ninh trật tự trong bệnh viện cũng chưa thật sự an toàn cho người bệnh và cả nhân viên y tế.

Nguyên nhân khách quan của thực trạng trên, theo bác sĩ Thượng, vẫn là chuyện quá tải và điều này nằm ngoài khả năng giải quyết của các bệnh viện. Bên cạnh đó, còn một lý do nữa đó là việc cơ sở hạ tầng chậm phát triển so với tốc độc phát triển kỹ thuật chuyên môn của các bệnh viện.

Công tác quản lý bệnh viện chịu nhiều áp lực từ rất nhiều phía. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, những nguyên nhân chủ quan mà BS Thượng đưa ra mới thực sự đáng lo là bệnh viện vẫn chưa thật sự xem người bệnh là khách hàng!

Người bệnh đến với bác sĩ không chỉ một lần mà có thể nhiều lần trong đời, vì thế, phải làm thế nào để người bệnh tin tưởng khi quay lại. Nhưng rõ ràng, chẳng có người nào thích đến bệnh viện, chỉ vì ốm đau, bệnh tật mà buộc lòng họ phải đến…

Vì vậy, ngoài việc cung cấp cho người bệnh những dịch vụ chuyên môn, người thầy thuốc còn có nghĩa vụ và trách nhiệm phải đem đến cho họ thêm cả một số thứ khác, từ cách thức tổ chức khoa phòng đến tạo những điều kiện cơ sở vật chất, thái độ đối xử, sự gần gũi như với người thân của chính mình.

Nhìn rõ và khắc phục những hạn chế đó, ngành y tế xây dựng và triển khai Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” như một bước đột phá của ngành.

Bắt đầu từ năm 2016 trở đi sẽ tổ chức bình chọn giải thưởng chất lượng khám, chữa bệnh. Trong các tiêu chí để các bệnh viện được bình chọn đạt giải thưởng đều hướng đến sự hài lòng của người bệnh, như: giảm nguy cơ tai biến trong điều trị, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, tăng hiệu quả điều trị…

Hi vọng với quyết tâm và cách làm bài bản, bước đột phá mới đó của ngành y tế sẽ đem lại kết quả, như những giải pháp quyết liệt nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; giảm tải bệnh viện; đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng bệnh viện…

Công việc của ngành y tế không giống như các ngành nghề khác. Áp lực của nhân viên y tế là tính mạng người bệnh. Vì thế, về phía người bệnh cũng cần hiểu được công việc đặc thù đó của cán bộ y tế, từ đó có sự chia sẻ và hợp tác cùng nhân viên y tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang