(CAO) Trung bình hàng ngày trên cả nước có khoảng 25 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó 40% số vụ liên quan tới người uống rượu bia và số người tử vong trong các vụ tai nạn liên quan đến cồn là 11%.
Ngày 15-1, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại BV Chợ Rẫy TP.HCM. Đoàn do ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia làm trưởng đoàn.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân bị tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại BV Chợ Rẫy TP.HCM
Dịp này, đoàn cũng trao quỹ hỗ trợ 10 triệu đồng cho Công đoàn của bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, hầu hết các ca tai nạn giao thông chuyển đến Chợ Rẫy đều nặng, trong đó hơn 65% các ca bị chấn thương sọ não sau tai nạn.
Hơn 65% các ca bị chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông
Đặc biệt vào các dịp lễ, tết, số ca TNGT mà bệnh viện tiếp nhận điều trị cũng tăng, phần lớn là từ các tỉnh chuyển về, trong đó không ít ca tai nạn do người điều khiển uống rượu bia.
Theo báo cáo về tình hình “Rượu bia và tai nạn giao thông năm 2015” (TW Đoàn, TW Hội LHTNVN phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức), trung bình hàng ngày trên cả nước có khoảng 25 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó 40% số vụ liên quan tới người uống rượu bia và số người tử vong trong các vụ tai nạn liên quan đến cồn là 11%. Điều đó tương đương với, mỗi ngày có khoảng 3 người không về nhà do tai nạn giao thông vì uống rượu bia và lái xe.
Điều đáng quan tâm là có đến 80% nạn nhân bị tai nạn giao thông nằm trong độ tuổi lao động, từ 18-55 tuổi, riêng độ tuổi thiến niên chiếm đến 40%.
Theo các bác sĩ, uống rượu bia sẽ giết chết khả năng lái xe của bạn. Ngay khi chỉ uống một lượng vừa phải (0,2‰) cồn trong máu, tương đương 0,3 lít bia hoặc 100ml rượu vang, cồn đã có tác động đến hệ thống thần kinh và đặc biệt lên não.
Do đó nó khiến người ta mất khả năng xử lý những tình huống phức tạp, mất khả năng xử lý khối cơ, phản ứng chậm chạp, dễ rối trí... dẫn đến lái xe gây tai nạn.
Nguy hiểm hơn, các chất có trong rượu bia tồn tại trong cơ thể suốt 24 giờ và gây ra các tác động đến cơ thể như hưng phấn, kích thích, lúng túng, sững sờ đến bất tỉnh hoặc tử vong.
Mặc dù luật giao thông nghiêm cấm người sử dụng xe máy, ô tô khi hơi thở có nồng độ cồn, nhưng việc xử phạt tất cả những người vi phạm là không thể với lực lượng cảnh sát giao thông, vì điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông.
Đáng báo động là đối tượng sử dụng rượu bia tại Việt Nam đang dần trẻ hóa. Cụ thể, 1/3 số người uống rượu bia bắt đầu từ trước tuổi 20. Tỷ lệ có uống rượu trong độ từ 14 - 17 tuổi là 34% và từ 18 - 21 tuổi là 57%.