Những cuộc giành giật với 'thần chết' để giữ lại mạng sống cho bệnh nhân

Thứ Bảy, 09/01/2016 12:14

|

(CAO) Rất nhiều trường hợp trẻ bị hàng xóm đâm thủng bụng, trẻ là nạn nhân trong các vụ cuồng sát, tai nạn giao thông nguy kịch... đã được các bác sĩ cứu sống trong đường tơ kẽ tóc.

Những ca bệnh để đời

Sự hồi sinh kỳ diệu của bé trai 11 ngày tuổi bị đâm thấu sọ được các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhân Dân 115 cứu sống không chỉ mang lại niềm vui cho gia đình cháu bé mà còn đem đến rất nhiều cảm xúc cho những ai quan tâm đến sức khỏe cháu bé.

Bé trai bị dao đâm xuyên não lúc nhập viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nói về việc cứu sống ngoạn mục cháu bé này, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã chia sẻ: Ngoài sức sống mãnh liệt của chính cháu bé còn do bệnh viện đã xây dựng và thực hiện "Quy trình báo động đỏ”.

Bé trai bị dao đâm xuyên não được theo dõi sau phẫu thuật

Nhờ quy trình, rất nhiều trường hợp đã được cứu sống trong đường tơ kẽ tóc. Cụ thể như trường hợp bé L.T.P (2 tuổi, ngụ quận 5 TP.HCM). Trước khi nhập viện 1 giờ, bé bị người hàng xóm đâm nhiều nhất vào bụng, ngực, 2 tay, ruột xổ ra ngoài, mất nhiều máu. Bé được đưa đến bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM.

Nhận thấy đây là một ca nguy kịch, nên bệnh viện đã phát động ngay "Quy trình báo động đỏ". Ca mổ kéo dài 2 giờ 45 phút đã cứu sống bé. Bé đã xuất viện sau 2 tuần nằm viện.

Hay như trường hợp 2 bé Lợi và Phụng (2 tuổi, TP.HCM) là nạn nhân trọng vụ cuồng sát.

Trong khi cùng bạn bè chơi trước nhà, Lợi bị một thanh niên sống cùng chung cư rượt đuổi và đâm nhiều nhát trên người. Sau đó, hung thủ quay sang túm lấy bé Phụng núp gần đó rồi đâm tiếp.

Sau khi chuyển đến cấp cứu tại BV An Bình, hai bé được chuyển sang BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng sốc do mất máu nghiêm trọng, ruột lòi hẳn ra ngoài.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 không thể quên ca bệnh này, lúc đó bác sĩ Hiếu đang trên đường tan sở về nhà thì điện thoại nhắn quy trình báo động đỏ được kích hoạt. Vội vàng quay lại bệnh viện, bác sĩ Hiếu mới biết có 2 bé trai bị hàng xóm chém nhiều nhát, lòi cả nội tạng ra ngoài, khi vào viện mạch và huyết áp của bé bằng 0.

Cái khó của ca này không phải vì bệnh nhi nguy kịch mà cùng lúc phải cấp cứu và chuẩn bị mổ cho cả 2 bé. Một ekip báo động đỏ khác lập tức được triệu tập, chỉ sau 5-10 phút, hai cháu bé đã được đưa thẳng vào phòng mổ và được cứu sống kịp thời.

Trường hợp của bé Nguyễn Quốc Huy, thai nhi văng khỏi bụng mẹ xa tới 7 mét trong vụ tai nạn giao thông vào cuối năm 2014 cũng là một trong những trường hợp được cứu sống giữa lằn ranh sinh tử như thế.

Bé Huy thoát cửa tử ngoạn mục

Mới đây nhất là 20-10-2015, một bé gái 10 tuổi bị xe buýt cán trúng, bé nhập viện tại BV Thủ Đức trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, vỡ lách, rách cơ hoành, rách động mạch vùng chậu, đứt hoàn toàn cơ thắt lưng chậu trái, dập thận trái và tràn máu màng phổi trái. Bé cũng được cứu sống sau 4 giờ phẫu thuật nhờ "Quy trình báo động đỏ" liên viện.

Cứu sống hơn 10 trường hợp "thập tử nhất sinh"

"Quy trình báo động đỏ" do bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đưa ra cách đây gần 5 năm, khi ông còn là Giám đốc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Quy trình áp dụng cho các ca được đánh giá là thập tử nhất sinh, sinh hiệu gần như bằng 0.

Một ca mổ được thực hiện theo Quy trình báo động đỏ tại BV Nhi Đồng 1. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trong quy trình này, mỗi khi khoa cấp cứu tiếp nhận một ca nguy kịch cần đến can thiệp của phẫu thuật, bộ phận này phát lệnh báo động cho toàn bộ quy trình cấp cứu khẩn cấp gồm: các chuyên khoa cấp cứu, hồi sức, ngoại khoa, gây mê, hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, ngân hàng máu, xét nghiệm... Tất cả các bộ phận này đều vào quy trình, phối hợp nhịp nhàng và bằng mọi cách phải cứu sống bệnh nhân với khả năng cao nhất.

Bệnh nhân phải được chuyển đến phòng mổ nhanh nhất. Từ lúc bệnh nhân vào cấp cứu cho đến khi chuyển vào phòng mổ không quá 10 phút. Tất cả y bác sĩ được huấn luyện thực hiện lệnh này như một phản xạ.

Đối với "Quy trình báo động đỏ" liên viện, trong trường hợp này nếu bệnh viện không đủ lực để xử trí nhưng nếu chuyển viện thì qua "thời gian vàng" cấp cứu cho bệnh nhân. Khi đó "Quy trình báo động đỏ" phát lệnh thông báo, các bác sĩ ở các bệnh viện sẽ có sự hỗ trợ. Như trường hợp một bé 10 tuổi nhập viện tại BV Thủ Đức, đã có sự hỗ trợ của bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1, mổ cấp cứu cứu sống bệnh nhân.

Tính tới nay, có hơn 10 bệnh nhân được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ này.

Quy trình báo động đỏ được áp dụng đầu tiên tại BV Nhi Đồng 1 và có thể được áp dụng ở mọi cơ sở y tế, tùy thuộc vào nguồn lực tại chỗ của cơ sở đó, mục tiêu cao nhất là giữ được tính mạng cho bệnh nhân.

Quy trình này nếu được áp dụng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện xa trung ương thì càng tốt bởi cấp cứu tại chỗ bao giờ cũng có tác dụng nhiều hơn là chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Cuộc giành giật với “thần chết” để giữ lại mạng sống cho bệnh nhân luôn đòi hỏi phải có những sự sáng tạo như "Quy trình báo động đỏ”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang