(CAO) TP.HCM là địa phương có nhiều đơn vị sản xuất nước đá nhất cả nước; tuy nhiên có gần 80% cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh nước đá.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM Sở Y tế TP.HCM (ATVSTP) cho biết, trong tổng số 547 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá trên địa bàn TP.HCM, chỉ có 115 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh. Còn lại 432 cơ sở, chủ yếu là kinh doanh, chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Một cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn quận 1 TP.HCM
Riêng về các cơ sở sản xuất, theo kết quả kiểm tra mới đây của Chi cục ATVSTP TP.HCM và các đoàn kiểm tra ATVSTP ở các quận, huyện cho thấy, trong tổng số 193 cơ sở sản xuất nước đá thì chỉ có 79 cơ sở sản xuất nước đá sử dụng nước máy (trong đó có 27 cơ sở chưa xác minh được nguồn nước máy sử dụng), còn lại là 114 cơ sở trực tiếp bơm nước giếng để sán xuất đá.
Đáng nói, trong 114 cơ sở sử dụng nước giếng để sản xuất đá chỉ có 37 cơ sở thực hiện xét nghiệm nguồn nước đầy đủ các tiêu chí; 13 cơ sở có xét nghiệm một vài chỉ tiêu thông thường; ngoài ra có đến 64 cơ sở không thực hiện xét nghiệm nguồn nước.
Trong khi, theo quy định, cơ sở phải xử lý đạt 109 chỉ tiêu mới được đưa vào sản xuất nước đá.
Một cơ sở sản xuất nước đá viên và đá cây trông rất nhếch nhác
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất nước đá còn vướng hàng loạt vi phạm khác như điều kiện về sức khỏe, thiết bị dụng cụ, bảo quản, công bố thực phẩm...
Điều kiện về nguồn nước, nhà xưởng sản xuất nước đá đa số chưa đạt, vận chuyển nước đá bằng phương tiện chưa phù hợp, mẫu bao bì đựng sản phẩm không đạt chuẩn… cũng khiến cho sản phẩm nước đá dù được quảng cáo là “tinh khiết” vẫn nhiễm hàng chục loại vi khuẩn.
Việc vận chuyển không đảm bảo vệ sinh cũng góp phần làm nước đá nhiễm bẩn
Chi cục ATVSTP đã thực hiện nhiều xét nghiệm các mẫu nước đá trên địa bàn. Trong số đó, các mẫu do cơ sở tự xét nghiệm và các quận, huyện thực hiện đều đạt chỉ tiêu, nhưng các mẫu do Chi cục thực hiện thì có tới 54,5% mẫu bị nhiễm khuẩn (E.coli, Coliforms, Feacal Streptoccoc và Pseudomonas aeruginosa…), không đạt chỉ tiêu.
Việc vận bảo quản đảm bảo vệ sinh cũng góp phần làm nước đá nhiễm bẩn
Theo các chuyên gia y tế, sử dụng nước nhiễm vi sinh (E.coli và Coliforms, Feacal streptoccoc) có thể gây bệnh về đường ruột, tiêu chảy cấp, một số có thể gây suy thận, nhiễm khuẩn huyết. Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... sẽ gây chết người.
Với các cơ sở sản xuất nước đá chưa xử lý nguồn nước, còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (thủy ngân, chì, asen, kẽm...), nhiều loại có khả năng gây ung thư cho người dùng.
Lãnh đạo Chi cục ATVSTP TP.HCM khuyến cáo người dân nên tự sản xuất nước đá từ tủ lạnh tại nhà. Khi ra ngoài nên dùng thức uống ướp lạnh thay vì uống trực tiếp nước đá để tránh nguy cơ ngộ độc.
Chi cục ATVSTP cũng tiến hành chặn đầu ra của nước đá bẩn bằng việc buộc các cơ sở dịch vụ ăn uống phải sử dụng nước đá từ những cơ sở bảo đảm quy định.
Hàng trăm cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm vi phạm
Ngoài thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá. Trong năm 2015, Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành thanh tra 1.400 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và ban hành quyết định xử phạt 279 cơ sở. Riêng tháng 12-2015, Thanh tra 115 cơ sở, phát hiện 18 cơ sở vi phạm.
Từ đầu năm 2015 đến nay, đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 268 người mắc, may mắn là không có trường hợp nào tử vong.
TP.HCM kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2016
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi Cục ATVSTP TP.HCM cho biết, theo kế hoạch của UBND TP.HCM, từ 30-12-2015 đến hết 25-3-2016, thành phố sẽ thành lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành về đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa Lễ hội xuân năm 2016.
Hoạt động kiểm tra nhằm ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không an toàn lưu thông ngoài thị trường, giải quyết dứt điểm việc lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, đồng thời, ngăn chặn kịp thời đối với mẫu ngưỡng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; hóa chất, kháng sinh trong thịt heo, thịt gà, thủy sản nuôi ô nhiễm vi sinh vật...
TP.HCM phấn đấu không để ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán; nâng cao nhận thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm cũng như nâng cao kiến thức của người tiêu dùng trong lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm.