Quảng cáo... "trên trời" - trò lố bịch cần lên án:

Kỳ cuối: Cần "liều thuốc đặc trị” cho "bệnh nổ" bất chấp tính mạng

Chủ Nhật, 25/05/2025 14:16

|

(CATP) Sau màn "diễn" QC "nổ", đến nay đã có hàng chục nghệ sĩ (NS), ca sĩ (CS), người dẫn chương trình (MC), người nổi tiếng (NNT) lên tiếng xin lỗi. Tuy nhiên, với những tác động tiêu cực đối với xã hội, nhất là vấn đề sức khỏe và niềm tin của công chúng vào giới NS, CS, người nổi tiếng bị bào mòn, dư luận xã hội mong muốn cơ quan chức năng cần có một "liều thuốc đặc trị” để chữa... "bệnh nổ", chứ không thể lặp đi lặp lại điệp khúc: QC lố xin lỗi là xong!

Không dừng lại ở "xin lỗi"

Trong số những NNT lên tiếng xin lỗi là NS Quyền Linh, đã được Chuyên đề Công an TPHCM phản ánh (bài "NS Quyền Linh lại... xin lỗi (!)" đăng ngày 16/4/2025). Tiếp đến là NS Hồng Vân, NS Cát Tường, hoa hậu Mai Phương Thúy, CS Phương Mỹ Chi (nổ "kẹo ngậm trắng da"), NS Diệu Nhi (SP "giảm cân cấp tốc")...

Mới nhất là 3 trường hợp liên quan đến QC sữa. Trước phản ứng của dư luận, ngày 15/4/2025, biên tập viên (BTV) Quang Minh gửi lời xin lỗi chân thành tới khán giả, những người luôn dõi theo, yêu mến và đặt niềm tin vào mình. Đến tối 18/4/2025, nam BTV đăng trên trang cá nhân thông tin về buổi làm việc với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH và TTĐT) liên quan đến video QC sữa mà ông tham gia. Nam BTV khẳng định không QC sữa giả và không liên quan đến bất kỳ nhãn hiệu sữa nào trong đường dây 573 loại sữa giả bị Bộ Công an triệt phá.

Tương tự, tối 18/4, MC Vân Hugo cũng gửi lời xin lỗi và rút kinh nghiệm sâu sắc liên quan đến QC sữa. Trước đó, tối 16/4, NS Doãn Quốc Đam gửi lời xin lỗi đến người tiêu dùng, những người chịu tổn thất và ảnh hưởng vì vô tình xem video QC sữa, có sự xuất hiện của nam NS.

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước

Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngày 21/4, ông Lê Quang Tự Do (Cục trưởng Cục PTTH và TTĐT) cho biết, qua làm việc với các NS, NNT, cơ quan chức năng nhận thấy nhận thức của họ về QC chưa cao. Nhiều NS QC một cách dễ dãi, vô tội vạ, không quan tâm nhiều đến nội dung người QC cung cấp có đúng, có phù hợp hay không, dẫn đến việc rất dễ vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, trong quá trình QC, nhiều NS có xu hướng nói quá sự thật, QC thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng sản phẩm; hoặc sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên của các đơn vị, cơ quan y tế, bác sĩ, dược sĩ, thư cảm ơn của người bệnh... Đây là hồi chuông cảnh báo đối với NS, NNT, những người QC và cả với người dân.

Theo ông Do: "NS QC sai sự thật phải xin lỗi công chúng và khắc phục lỗi do mình gây ra, nghiêm túc chấp hành xử phạt theo quy định của pháp luật và cam kết không được tái phạm". Đồng quan điểm với ông Do, NSND Xuân Bắc (Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) nhấn mạnh, bất kỳ công dân nào, dù là NNT hay không, nếu QC sai sự thật, kinh doanh hàng giả... đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngày 28/4/2025, Cục PTTH và TTĐT ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với BTV Quang Minh và MC Vân Hugo, do có sai phạm trong hoạt động QC. Cụ thể: BTV Quang Minh có 2 hành vi: QC SP dinh dưỡng Hiup 27 không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định tại giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố SP và QC Hiup 27 sử dụng tên của bác sĩ, vi phạm điểm a khoản 2 và điểm a khoản 4 Điều 52 Nghị định (NĐ) số 38/2021/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và QC được sửa đổi, bổ sung bởi NĐ số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ). Tổng tiền phạt là 37,5 triệu đồng.

Ông Lê Quang Tự Do (Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) thông tin về QC sai sự thật

MC Vân Hugo có hành vi vi phạm ở mức độ nặng hơn: QC Hiup 27 gây nhầm lẫn về công dụng của SP đã công bố, vi phạm khoản 5 Điều 34 NĐ số 38/2021/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi NĐ số 129/2021/NĐ-CP. Mức phạt 70 triệu đồng. Ngoài ra, BTV Quang Minh và MC Vân Hugo phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là xóa QC và buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm. Như vậy, dù đã gửi lời xin lỗi chân thành, rút kinh nghiệm sâu sắc, nhưng BTV Quang Minh và MC Vân Hugo vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính nặng.

Ngoài xin lỗi, một số NS còn cho rằng hiện có một số đối tượng cắt ghép hình ảnh và lời nói của họ khiến nội dung QC bị sai lệch. Trước ý kiến này, để bảo đảm tính khách quan, trung thực, người dân cho rằng nếu nhận thấy video QC của mình bị cắt ghép thì NS cần đưa những video ấy đi giám định. Sự việc có thể chưa dừng lại ở đây...

Chế tài nghiêm ngặt

Cũng liên quan đến QC thổi phồng sự thật, sáng 10/5, tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu (ĐB) Quốc hội thảo luận ở hội trường một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật QC. Nhiều ĐB kiến nghị cần xử lý nghiêm những trường hợp QC sai sự thật, tăng chế tài xử phạt, người QC sai phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, đồng thời phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành vi QC sai của mình.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM

ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết, khi một sản phẩm đưa ra QC, người tiêu dùng chỉ chú ý đến người truyền tải. Còn người kinh doanh, có dịch vụ sản phẩm gần như không được quan tâm. Từ thực tế này, ĐB đề nghị siết hoạt động QC đối với NNT, người có ảnh hưởng trong xã hội. Chỉ người nào có trình độ, năng lực liên quan đến sản phẩm mới được tham gia QC.

ĐB Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) góp ý, trong sửa đổi luật lần này, Chính phủ cần sớm nâng cao mức phạt để bảo đảm tính răn đe, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản và quyền lợi của người tiêu dùng, tạo môi trường QC lành mạnh. Liên quan đến thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm..., nữ ĐB cho rằng: "Việc quản lý QC với nhóm sản phẩm này phải đặt trong mối liên hệ bảo vệ sức khỏe cộng đồng với an toàn xã hội, tránh lợi dụng kẽ hở của pháp luật để QC sai lệch, nhất là trên các nền tảng truyền thông mới theo hướng căn cứ theo hợp đồng QC để tính tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính".

ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết, qua các vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị phát hiện, các công ty sản xuất sữa, thực phẩm chức năng giả đều có giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm... Nhưng qua điều tra, cơ quan chức năng xác định các sản phẩm của những công ty này là hàng giả. Nữ ĐB cũng đề nghị xem xét, bổ sung quy định về kiểm soát, quản lý trong hoạt động QC đối với các nền tảng truyền hình, các trang tin tức, thông tin điện tử. Cần có chế tài xử lý nghiêm đối với các trang tin điện tử đăng tải QC sai sự thật, những người nổi tiếng QC thổi phòng sản phẩm gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ngoài ra, nữ ĐB còn đề xuất, người QC phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành vi QC sai của mình.

NSND Xuân Bắc (Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) chia sẻ tại họp báo thường kỳ quý I/2025

Góp ý tại cuộc họp ở tổ về sửa đổi Bộ luật Hình sự, ĐB Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM (đoàn TPHCM) cho rằng, cần phải giữ án tử hình để răn đe và tránh tình trạng luật bị "trói tay" trong tương lai. Nữ ĐB nhấn mạnh: "Một bác sĩ dở có thể gây hại cho một bệnh nhân nhưng một dược sĩ làm thuốc giả có thể giết hàng loạt người, việc này không khác gì giết người hàng loạt. Đừng nói là không biết, khi nhận lợi nhuận, họ đều biết rõ. Hành vi này phải bị trừng trị thích đáng".

Trước đó, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ ba, khóa X diễn ra sáng 17/4, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Doan (nguyên Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần làm rõ trách nhiệm quản lý thực phẩm, nhất là mặt hàng sữa.

Thủ tướng ra công điện

Nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân, ngày 15/5/2025, Thủ tướng Chính phủ có Công điện (CĐ) số 66/CĐ-TTg "mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ". Trong đó có nội dung QC sai sự thật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: "Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về sở hữu trí tuệ để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, nhất là trên môi trường số, thương mại điện tử, hoàn thiện các quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về công bố, QC sai sự thật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý những cơ quan đề nghị QC, cơ quan thực hiện việc QC, những cá nhân, NS, NNT lợi dụng uy tín của mình để có hành vi QC sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội".

Trước đó, ngày 17/4/2025, Thủ tướng Chính phủ có CĐ số 40/CĐ-TTg "xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả” và CĐ số 41/CĐ-TTg "xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe". Đến ngày 02/5/2025, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có CĐ số 55/CĐ-TTg "tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả”.

Với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những tổ chức, cá nhân, trong đó NS, NNT nếu QC sai sự thật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Vụ án "kẹo Kera" của nhóm Quang Linh Vlogs - Hằng Du Mục - hoa hậu Thùy Tiên vừa được Bộ Công an khám phá là một bằng chứng sống...

Kỳ 4:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang