Dấu ấn Phật giáo đồng hành cùng dân tộc:

Bài 17: Hòa thượng Thích Bửu Đăng - người thắp lửa từ bi giữa chiến khu kháng chiến

Thứ Bảy, 24/05/2025 19:26

|

(CATP) Lịch sử dân tộc Việt Nam là bản hùng ca của những con người bất khuất, mang trong mình khát vọng tự do, độc lập. Trong đó, những vị cao tăng Phật giáo đã âm thầm góp ngọn lửa của tâm linh hòa vào dòng thác Cách mạng và Hòa thượng Thích Bửu Đăng chính là một trong số đó. Là vị thiền sư hiền hòa, nghiêm mật giới luật, nhưng khi đất nước lâm nguy đã trở thành người chiến sĩ giữa đời thường, đem cả cuộc đời phụng sự đạo pháp và dân tộc, để lại dấu ấn bất diệt trong lòng Nhân dân và lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Mầm non từ bi nảy lộc giữa vùng đất Gia Định

Hòa thượng Thích Bửu Đăng, thế danh là Trần Ngọc Lang, sinh năm 1904 tại xã Bình Mỹ, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định - vùng đất thuần nông, hiền hòa, nơi những mái chùa và ruộng lúa gắn bó chan hòa với đời sống người dân, thân sinh là cụ Trần Văn Thểnh và cụ Phạm Thị Hoài, một gia đình trung hậu, thuần thành đạo Phật.

Ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Ngọc Lang đã được gửi vào chùa tu học, tiếp thụ không khí thiền môn tĩnh lặng và tình thương bao la của nhà Phật. Dưới sự dẫn dắt của Bổn sư Chánh Hòa tại chùa Vạn Đức (Gò Vấp), chú tiểu Hồng Lang (pháp danh khi xuất gia) sớm bộc lộ tư chất thông minh, nghiêm cẩn, chuyên tu giới hạnh. Chính những năm tháng ấu thời với tiếng chuông mõ và kinh kệ đã đặt nền móng vững chắc cho cuộc đời hành đạo, cứu dân của ngài sau này.

Năm 1924, tại giới đàn chùa Giác Viên - ngôi cổ tự nổi tiếng ở Chợ Lớn, ngài được Bổn sư cho thọ Cụ túc giới, chính thức trở thành vị tỳ kheo với pháp hiệu Bửu Đăng, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Thọ giới xong, ngài trở về chùa Vạn Đức giữ chức thủ tọa, điều hành tất cả Phật sự suốt 8 năm liền. Sự nghiêm túc trong giới luật, tận tụy trong giáo hóa khiến ngài được chư tôn đức và phật tử mến trọng. Mặc dù vậy, trái tim của ngài không chỉ dành cho kinh kệ mà còn trăn trở trước vận mệnh non sông.

Ban thờ Hòa thượng Thích Bửu Đăng tại chùa Linh Sơn Hải Hội

Năm 1932, được sự hỗ trợ của quan tri phủ Lương Sơ Khai - một phật tử thuần thành, ngài khai sơn chùa Hải Hội tại làng Bình Hòa. Suốt 9 năm, đây không chỉ là trung tâm tu học mà còn là nơi gầy dựng tinh thần dân tộc trong lòng Phật giáo. Ngài được phong Giáo thọ - danh hiệu thể hiện sự uyên thâm về giáo lý và khả năng dìu dắt tăng chúng.

Biến nhà chùa thành chiến khu, tăng lữ thành chiến sĩ

Khi chiến cuộc ngày càng ác liệt, năm 1941 Hòa thượng Thích Bửu Đăng quyết định cùng quan tri phủ Lương Sơ Khai di dời chùa Hải Hội về làng An Hội - nơi địa thế hiểm trở hơn, thuận tiện cho việc hoạt động bí mật. Chùa mới lấy tên là Linh Sơn Hải Hội, không chỉ mang nét thanh tịnh thiền môn, mà còn là căn cứ kháng chiến trá hình dưới lớp áo tu hành.

Chính nơi đây, với danh xưng "Thủ tọa Lân", ngài thành lập Hội Lân quy tụ thanh niên tập võ, rèn luyện thể lực, nhưng thực chất là huấn luyện lực lượng bán vũ trang cho tổ chức Việt minh. Những buổi múa lân chính là tấm bình phong để che mắt địch, còn phía sau là khí thế sục sôi của những người con Phật yêu nước.

Nhà sư ấy không chỉ thuyết pháp trên bục giảng, mà còn cùng các nghĩa sĩ bàn bạc kế hoạch, chuyển lương thực, tiếp tế thuốc men, giữ gìn mạng lưới liên lạc giữa vùng căn cứ và nội thành. Linh Sơn Hải Hội trở thành một trong những trung tâm hậu cần quan trọng của Cách mạng ở Nam Bộ.

Hội trưởng Phật giáo Cứu quốc - danh xưng khắc vào lịch sử

Sau khi Pháp trở lại Đông Dương và âm mưu tái chiếm ba kỳ, Phong trào Toàn quốc kháng chiến được phát động. Năm 1946, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ ra đời và ngay lập tức, Chi hội Gia Định được thành lập do Hòa thượng Thích Bửu Đăng phụ trách. Trụ sở hội đặt tại chùa Tường Quang ở xã An Phú Đông, quy tụ những vị cao tăng yêu nước như Hòa thượng Pháp Dõng, Bửu Ý, Thiện Hào...

Dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Bửu Đăng, Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Định trở thành chiếc cầu nối giữa đạo và đời, giữa tăng lữ và chiến sĩ, giữa thiền môn và chiến khu. Những lớp học Phật pháp được tổ chức song song với các buổi huấn luyện chính trị. Các ngôi chùa trở thành nơi cất giấu tài liệu, nuôi giấu cán bộ, góp phần bảo vệ mạng lưới liên lạc và tuyên truyền cho Cách mạng.

Tháng 8/1948, sau một cuộc họp tại trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc ở chùa Tường Quang, trên đường trở về Linh Sơn Hải Hội, Hòa thượng Thích Bửu Đăng bị mật thám Pháp phục kích bắt giữ tại khu vực cầu Tham Lương - Hóc Môn. Dù bị tra khảo tàn khốc nhưng ngài vẫn giữ vững khí tiết, nhất quyết không khai bất cứ thông tin gì về tổ chức Cách mạng. Bị đòn roi, cùm kẹp, ngài vẫn lặng im, giữ trọn lời thề: "Nguyện đem thân này báo đáp bốn ân, cứu khổ muôn loài". Ba hôm sau, đúng vào ngày Quốc khánh 02/9, giặc Pháp xử bắn ngài tại nơi bắt giữ.

Sau đó, quân giặc còn đốt phá các ngôi chùa xung quanh như chùa Giác Ân (Tân Bình) để răn đe. Nhưng chính hành động ấy lại khiến lòng dân càng căm phẫn, ngưỡng mộ vị sư can trường. Nhục thân Hòa thượng Thích Bửu Đăng được đồng bào vớt từ rạch cầu Tham Lương đưa về chùa Linh Sơn Hải Hội và xây tháp tôn trí ngay trong khuôn viên chùa. Nơi đây đã trở thành điểm đến linh thiêng, nơi bao thế hệ phật tử về thắp nén hương tri ân một vị Bồ Tát thị hiện giữa thời loạn.

Ngọn đuốc giữa hai bờ đạo và đời

Sau ngày độc lập, Hòa thượng Thích Bửu Đăng được truy phong danh hiệu liệt sĩ và truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì - phần thưởng cao quý dành cho những người dấn thân vì dân tộc, dâng trọn cuộc đời cho lý tưởng Cách mạng.

Với giới Phật giáo, ngài được tôn xưng là một trong những vị anh hùng áo nâu tiêu biểu của thế kỷ XX. Ngày nay, tên ngài được đặt cho một con đường ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh như một lời nhắc nhở về tinh thần nhập thế, yêu nước của Phật giáo Việt Nam.

Cuộc đời Hòa thượng Thích Bửu Đăng là minh chứng sống động cho tinh thần "Phụng đạo yêu nước" và lời nguyện "Phật pháp bất ly thế gian pháp". Ngài không chỉ là một vị trụ trì nghiêm giới, mà còn là một chiến sĩ Cách mạng, một nhà tổ chức kháng chiến, một người không tiếc thân mình vì độc lập, tự do cho dân tộc.

Giữa những tháng ngày nước mất nhà tan, người dân Việt Nam đã có một vị thiền sư dũng cảm khoác áo cà sa mà tâm hồn bừng bừng khí phách Bà Trưng, Bà Triệu. Ngài không chọn ẩn tu giữa rừng sâu, mà chọn hành đạo giữa chiến khu, nơi tiếng bom rơi đạn nổ để khẳng định đạo Phật là đạo nhập thế, là ánh sáng giữa màn đêm lịch sử.

Hòa thượng Thích Bửu Đăng đã sống trọn 44 năm sáng chói niềm tin, lý tưởng và hiến dâng. Ngài ra đi nhưng ánh sáng để lại vẫn mãi chiếu rọi, làm ngọn hải đăng dẫn đường cho hàng ngàn chư tăng, phật tử và cả những người con đất Việt hôm nay tiếp bước hành trình "Đạo pháp và Dân tộc" giữa thời đại mới.

Cung rước Xá lợi Đức Phật về ngôi chùa cổ hơn 400 năm tuổi tại Bắc Giang

Ngày 23/5, Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - bảo vật quốc gia Ấn Độ đã được cung rước về ngôi chùa cổ Phúc Sơn tại xã Cao Xá, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Tại địa phương, đoàn cung rước Xá lợi Đức Phật di chuyển qua các tuyến đường chính của TP.Bắc Giang, sau đó đi chuyển đến Quảng trường Lương Văn Nắm, huyện Tân Yên, điểm đến tiếp theo là chùa Phúc Sơn. Tại đây sẽ tổ chức các nghi thức cung rước Xá lợi Phật nhập Bảo tháp Phúc Sơn và được tôn trí an vị tại bảo tháp, nơi lưu giữ pho tượng ngọc Phật hoàng Trần Nhân Tông - tác phẩm Phật giáo độc đáo nhất Việt Nam.

Bảo tháp chùa Phúc Sơn

Theo kế hoạch, Xá lợi Phật được tôn trí tại chùa Phúc Sơn đến 11 giờ ngày 25/5 và mở cửa xuyên đêm để phục vụ phật tử, Nhân dân cùng du khách thập phương đến chiêm bái. Sự kiện thu hút hàng chục ngàn người dân trong và ngoài tỉnh Bắc Giang nghênh đón long trọng, chiêm bái suốt hành trình cung rước.

Chùa Phúc Sơn là ngôi cổ tự hơn 400 năm tuổi ở xã Cao Xá, nằm trên núi Phượng Hoàng, có thế núi tựa hình chim phượng đang sải cánh, vị trí chùa nằm trên lưng chim. Điểm nhấn của công trình là Bảo tháp cao 13 tầng, bên trong có Phật ngọc quý hiếm. Đây là tượng ngọc Phật hoàng Trần Nhân Tông độc đáo nhất Việt Nam, được tạo tác từ khối đá ngọc bích có nguồn gốc ở dãy núi Cassiar (Canada) rước về ngự tại tháp chùa Phúc Sơn.

Được xây dựng từ năm 1680 dưới thời Lê, chùa Phúc Sơn là công trình văn hóa Phật giáo tiêu biểu của vùng Kinh Bắc xưa. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa từng là nơi họp bàn kế hoạch du kích, làm trạm xá và nơi trú ẩn cho quân dân. Dù đã trải qua nhiều lần tu bổ, chùa vẫn lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu Phật giáo quý giá. Năm 2009, chùa Phúc Sơn cùng đình Ngô Xá được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

HỒNG TRÚC

Bình luận (0)

Lên đầu trang