Việt Nam đang già hóa dân số với tốc độ nhanh chưa từng có

Thứ Ba, 05/01/2016 07:14  | Ngô Đồng

|

(CAO) Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với những thách thức lớn. Số người cao tuổi tăng nhanh đòi hỏi sự chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần rất lớn.

Sáng 23-12, Chi Cục dân số kế hoạch hóa gia đình TP.HCM tổ chức buổi mít tinh hưởng ứng tháng hành động Quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12 với chủ đề “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”.

Theo Chi Cục dân số kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, Việt Nam chính thức bước vào thời kì "Già hóa" từ năm 2011. Số người dưới 14 tuổi và nhóm “dân số vàng” 15-64 tuổi đang giảm dần trong lúc số dân trên 65 tuổi tiếp tục tăng.

Dân số Việt Nam đang “già” đi rất nhanh với tốc độ rất nhanh

Theo thống kê, dân số Việt Nam đang “già” đi rất nhanh với tốc độ chưa từng có trong lịch sử, nhanh nhất ở châu Á. Thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 18 - 20 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia đi trước như: Pháp 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Hoa Kỳ 70 năm, Nhật Bản 26 năm,...

Theo Chi Cục dân số kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, thời kì già hóa đem lại những tiềm năng bao gồm cơ hội đầu tư, tăng cường chất lượng lao động và kiến thức, đem lại các lợi ích kinh tế.

Tuổi thọ cao là thành tựu của ngành y tế - dân số và kết quả của sự phát triển kinh tế xã hội và nhiều mặt. Nhưng đồng thời, cũng đặt ra những thách thức to lớn đòi hỏi phải có những phương thức tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu, lương hưu, thay đổi sự tương tác trong xã hội và mối qua hệ liên thế hệ.

Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện người cao tuổi ở Việt Nam chiếm 10,5% dân số cả nước. Điều đáng nói là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng cao nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp. Chỉ có khoảng 5% người cao tuổi của cả nước có sức khỏe tốt, còn lại 95% không khỏe mạnh và mang trong mình nhiều thứ bệnh như: tăng huyết áp, viêm khớp, bệnh phổi - phế quản tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, sa sút trí tuệ…

Đa số người cao tuổi nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ

Trong khi đó, đa số người cao tuổi nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn.

Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của người cao tuổi. Các chuyên gia về dân số khẳng định, rõ ràng già hóa dân số sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế xã hội và mọi mặt của đời sống. Nếu không có sách lược đối phó kịp thời, kể cả điều chỉnh các chính sách về dân số, lao động, việc làm, an sinh xã hội… phù hợp thì nó sẽ trở thành gánh nặng, áp lực lớn cho nhà nước lẫn từng tế bào xã hội.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang