(CAO) Trả lời báo chí về diễn biến “khát” vắc xin dịch vụ trong những ngày qua, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu quan điểm, đây chính là bài học cho ngành y tế trong vấn đề quản lý cũng như công tác truyền thông cho vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Để dân thức đêm chờ vắc xin là lỗi lớn của ngành y tế
Bà Lan bộc bạch: “Nhìn cảnh giữa đêm cha mẹ la liệt đợi chờ, con nhỏ phải nằm ngủ ngoài đường, tôi rất cảm thông. Thực sự, việc để xảy ra vấn đề này là lỗi rất lớn của ngành y tế. Chúng tôi phải xin lỗi người dân về việc không ai muốn này”.
“Cũng may mắn là ở trong TP.HCM không xảy ra cảnh chen lấn, giành giật, mọi người trật tự xếp hàng. Không "vỡ trận” như từng xảy ra ở Hà Nội. Hơn nữa, việc nhiều trẻ cùng chờ đợi để được tiêm vắc xin cũng gây tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho trẻ”, bà Phong Lan cho biết thêm.
PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Theo bà Lan, việc khan hiếm vắc xin dịch vụ là trách nhiệm của Cục Quản lý dược. Và tư cách là người tham gia công tác quản lý của ngành, bà cho rằng đây cũng là trách nhiệm của địa phương.
“Trong năm qua, chúng tôi đã nhận thấy tình hình thiếu vắc xin này. Chúng tôi cũng đã họp với các công ty cung ứng vắc xin để tìm hiểu. Trong một chừng mực nào đó, nếu như đứng về phía cấp quốc gia mà chưa được, thì TP.HCM phải chủ động đi tìm nguồn, không thể phó mặc cho thị trường. Đây là một bài học cho ngành y tế trong công tác hoạch định chính sách, trong công tác lập kế hoạch đối với số lượng trẻ sơ sinh ra đời hằng năm và nhu cầu về vắc xin”, bà Lan nói.
Vấn đề khan hiếm vắc xin dịch vụ, theo bà Lan, còn liên quan đến nhiều cơ chế: “Vì sao các doanh nghiệp không mặn mà trong việc nhập vắc xin? Vì sao ở Việt Nam thiếu nhưng các nước xung quanh thì không? Bởi người ta có công tác hoạch định và đặt hàng tốt”, bà Lan nhận định.
Để dân mất niềm tin cũng là lỗi lớn
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho rằng việc xảy ra tình trạng người dân không mặn mà vắc xin Quinvaxem là do công tác tuyên truyền của ngành về sự an toàn của vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia chưa hiệu quả. Từ đó, nảy ra tâm lý tiêm vắc xin dịch vụ bằng được, dẫn đến tình trạng kham hiếm.
“Việc để dân mất niềm tin cũng là lỗi của chúng tôi”, bà Lan thừa nhận.
“Tôi hoàn toàn thông cảm và rất chia sẻ với sự lo lắng của phụ huynh. Ai cũng mong muốn tìm cái tốt nhất, an toàn nhất cho con em mình. Tuy nhiên, cũng xin nhắc lại, về bản chất, tất cả các loại vắc xin đều có những tác dụng và hạn chế như nhau”, bà Lan nói.
“Cần làm sao để sự thật vẫn là sự thật. Tránh vì cảm tính mà chúng ta quá thiên về một cái hướng nào đó, bởi bất cứ cái gì cực đoan cũng có hại. Trách nhiệm chính vẫn thuộc ngành y tế. Chúng tôi có nhiệm vụ phải làm cho người dân hiểu và tin, nếu người chưa tin chúng tôi đó là lỗi của chúng tôi”, bà Lan quả quyết.
“Chúng tôi rất hiểu tâm lý của phụ huynh, luôn muốn dành điều tốt nhất cho con. Thực tế, việc tiêm chủng vắc xin Quinvaxem từ trước đến nay vẫn hiệu quả, an toàn. Thành phố đã tiêm hơn 300.000 liều Quinvaxem theo chương trình tiêm chủng mở rộng và hầu như không có tai biến”, bà Lan chia sẻ.
Đăng kí tiêm vắc xin qua tổng đài 1080:
Để giảm thiểu tình trạng phải xếp hàng đợi chờ, giảm phiền hà cho người dân; từ ngày 29-12, Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp với nhà mạng VNPT thực hiện việc đăng ký tiêm ngừa qua tổng đài 1080.
Sau khi gọi điện đăng kí, nhân viên 1080 sẽ tham vấn cho phụ huynh giờ tiêm, điểm tiêm chủng thuận tiện nhất cho phụ huynh và em bé. Sau khi đăng ký thành công, phụ huynh sẽ nhận được tin nhắn vào điện thoại để nhắc nhở ngày, giờ, địa điểm tiêm chủng.
Trước đó, vào sáng ngày 28-12, Zalo chính thức của Bộ Y tế cũng đã gửi thông báo hướng dẫn tra cứu các điểm tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 Pentaxim gần nơi ở của người dân. Chọn chức năng Nhắn tin cho Bộ Y tế, sau đó chọn “Điểm tiêm chủng”. Hệ thống sẽ tự trả về danh sách các địa điểm gần nơi ở kèm địa chỉ và số điện thoại để người dân tiện liên hệ.
Chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ:
Hiện nay thành phố đã và đang tiêm vắc xin 5 trong 1 của Chương trình Tiêm chủng mở rộng của Quốc gia là Quinvaxem (gồm Bạch hầu - Uống ván - Ho gà - Viêm gan B - viêm màng não mủ HiB) được tiêm chủng miễn phí tại các Trung tâm y tế phường, xã và các Bệnh viện (13 bệnh viện) của TP.HCM với số lượng cấp ổn định, đầy đủ.
Vắc xin 5 trong 1 dịch vụ là Pentaxim (gồm Bạch hầu - Uống ván - Ho gà - viêm màng não mủ HiB - bại liệt), vừa mới có lại sau một thời gian dài khan hiếm.
Trong đợt 1 này, TP.HCM được cung cấp 16.640 liều vắc xin Pentaxim, trong đó Viện Pasteur TP.HCM trực thuộc Bộ Y tế được cấp số lượng 5.000 liều, các đơn vị còn lại 11.640 liều.
(Ngô Đồng)