“Cơn sốt” thiếu vắc xin đã khiến không ít bậc cha mẹ lo lắng, thậm chí đặt niềm tin vào các cơ sở không liên quan gì đến vắc-xin.
Cơn sốt “khát” vắc xin dịch vụ
Theo Bộ Y tế, vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” (ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib) và “6 trong 1” (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ do Hib).
Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ, không cấm, không hạn chế về số lượng nhập khẩu của bất kỳ doanh nghiệp nào. Song, nhà sản xuất không có hàng để đáp ứng, nguyên nhân do các hãng chỉ sản xuất vắc xin theo đơn đặt hàng lớn từ cách đây 2-3 năm, vì vậy, không có đủ vắc xin để cung cấp cho Việt Nam.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện đã có khoảng 40.000 liều vắc xin dịch vụ được nhập về Việt Nam đang chờ kiểm định. Dự kiến, vào ngày 25-12, số vắc xin trên sẽ được phân phối cho các địa phương trên cả nước.
Đánh trúng vào tâm lý “khát” vắc-xin, công ty Cổ phần vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn đã căng băng rôn quảng cáo rao bán vắc xin Pentaxim. Ảnh: Nam Anh
Thời gian qua phần lớn những vụ việc liên quan đến phản ứng phụ, tai biến sau tiêm Quinvaxem dù được xác định là do bệnh lý nền đi kèm ở trẻ gây ra, nhưng phụ huynh có con nhỏ đều hoang mang, lo ngại cho sự an toàn của con em mình.
Quay lưng với vắc xin miễn phí, các ông bố, bà mẹ lao vào cuộc chạy đua, quay cuồng tìm kiếm nguồn vắc xin dịch vụ 5 trong 1 (Pentaxim) và 6 trong 1 (Infanrix Hexa). Nhiều phụ huynh vì lo lắng cho sức khỏe của con em mình đã phải ra nước ngoài, cụ thể là Singapore, để tiêm vắc xin cho trẻ.
Lợi dụng sự khủng hoảng niềm tin của cộng đồng đối với vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, mới đây công ty Cổ phần vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn đã ngang nhiên căng băng rôn quảng cáo rao bán vắc xin Pentaxim với giá “cắt cổ” 2 triệu đồng liều (tại địa chỉ 461 đường Cộng Hòa, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM), cao gấp 3 lần so với thị trường khi có vắc xin dịch vụ để hưởng lợi. Vậy nhưng nhiều người dân đã chen chân đăng ký mua mà không biết thực hư về chất lượng, nguồn gốc của vắc xin này ra sao.
Theo TS bác sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, quyền lựa chọn tiêm vắc xin dịch vụ là của mọi người dân. Tuy nhiên, người dân nên chọn tiêm chủng mở rộng ở những nơi nhà nước cho phép. Không có vắc xin nào là an toàn tuyệt đối và không có phản ứng phụ, và không thể khẳng định vắc xin dịch vụ thì ít tai biến hay vắc xin chương trình là tai biến nhiều, người dân không nên hoang mang.
Có hay không tình trạng ‘ghim’ vắc xin để trục lợi?
Liên quan đến vụ việc rao bán vắc xin công khai, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành thanh kiểm tra việc Công ty cổ phần Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn.
Theo đó, công ty này không có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Trong khi đó, tại thời điểm thanh tra, ngoài phát hiện 30 trường hợp đăng ký mua vắc xin Pentaxim tại công này, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM còn phát hiện công ty này có ký hợp đồng mua 230 liều vắc xin Pentaxim với Công ty Dược phẩm DTH Việt Nam (có trụ sở tại Hà Nội). Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ có văn bản gửi đến Sở Y tế Hà Nội để cùng xem xét tính pháp lý của Công ty Cổ phần Dược phẩm DTH Việt Nam.
Công ty cổ phần vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn không có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thuốc
Dù hợp đồng này không có giá trị pháp lý, do Công ty cổ phần vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn không có pháp nhân trong việc kinh doanh vắc xin, nhưng nhà cung cấp vắc xin Pentaxim cho công ty này là có thật.
Vậy nguồn vắc xin Pentaxim này Công ty Dược phẩm DTH Việt Nam lấy ở đâu ra để bán cho Công ty cổ phần vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn?. Một số lãnh đạo các cơ sở tiêm chủng tỏ ra hoài nghi về nguồn gốc của vắc xin này, không loại trừ khả năng vắc xin dịch vụ 5 trong 1 bị ghim hàng, chờ cho thị trường không còn vắc xin này, tạo nên một cơn sốt vắc xin rồi sẽ đẩy ra cho các cơ sở tư nhân bán với giá cao.
TS BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng thừa nhận, trong lúc các cơ sở tiêm chủng thông báo hết vắc xin dịch vụ 5 trong 1, thì nhiều thông tin cho rằng vẫn có nguồn vắc xin này bán với giá cao để chích ngừa cho trẻ, thậm chí râm ran có tin là có "vắc xin xách tay". Việc chích ngừa được “nhờ vả” tại các cơ sở y tế hoặc gọi y bác sĩ đến chích tại nhà. Thanh tra tìm mọi cách tiếp xúc những nguồn tin này nhưng chưa được.
Trong khi đó, các loại vắc xin đều được bảo quản đúng quy trình nghiêm ngặt vì chỉ cần sai sót một chút về nhiệt độ sẽ dễ xảy ra biến chứng sau tiêm. Ngoài ra, nếu người tiêm không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không đủ các phương tiện cấp cứu nên trong trường hợp xảy ra phản ứng thì rất nguy hiểm.
Riêng về giá vắc xin, theo ông Trạng, hiện nay chưa có quy định nào khống chế giá bán vắc xin đối với các đơn vị tư nhân. Việc đưa ra giá bán bao nhiêu là quyền của đơn vị, miễn có công khai niêm yết giá.
Đó là lý do giá vắc xin dịch vụ 5 trong 1 tại các cơ sở tiêm chủng chỉ khoảng 700 nghìn đồng/liều, nhưng cơ sở tư nhân này bán cho khách hàng với giá cao gấp 3 lần lên đến 2 triệu đồng/liều. Họ đã đánh trúng vào tâm lý và nhu cầu của các phụ huynh để trục lợi trên xương máu con trẻ nhờ mức giá chênh lệch lớn. Nếu chờ đến khi vắc xin dịch vụ có mặt trên thị trường thì họ sẽ không thể bán được với mức giá trên.
Trước dư luận về việc một số đối tượng, cơ sở y tế lợi dụng tình hình khan hiếm vắc xin để kiếm lợi, Thanh tra Sở Y tế cũng đã tiến hành kiểm tra việc phân phối vắc xin nhập khẩu tại TP.HCM.
Cụ thể, Thanh tra tập trung vào việc làm rõ khâu phân bổ nguồn vắc-xin nhập khẩu đến các cơ sở y tế. Song song đó, sở cũng tiến hành đối chiếu ở các cơ sở tiêm phòng được chỉ định có tiêm đủ cho người dân hay còn giữ lại để sử dụng cho mục đích khác để trục lợi.
Nhu cầu vắc xin của trẻ là thực tế và đòi hỏi về sự an toàn trong tiêm chủng cũng là vấn đề chính đáng. Song việc bất chấp để có vắc xin bằng mọi giá thì cộng đồng cần xem xét lại bởi việc bảo quản và chủng ngừa nếu không thực hiện theo đúng quy trình thì mong muốn điều tốt của cha mẹ cho con trẻ sẽ vô tình gây ra hậu quả khó lường.