Vụ quảng cáo bán vắc xin: Công ty hoạt động 'chui', phóng viên bị đuổi khi tiếp xúc

Thứ Năm, 17/12/2015 04:24

|

(CAO) Khi phóng viên có mặt để cập nhật thông tin về vụ công ty Cổ phần Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn, nơi treo biển quảng cáo bán vắc xin, thì bị người tự xưng là đại diện của công ty đuổi ra ngoài.

Sáng 16-12, liên tiếp hai đoàn thanh kiểm tra liên ngành thuộc phường 15 quận Tân Bình và Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã đến kiểm tra công ty Cổ phần Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn, nơi treo biển quảng cáo bán vắc xin. Phóng viên cũng có mặt để cập nhật thông tin thì bị lãnh đạo của đơn vị này đuổi ra ngoài.

Lãnh đạo cơ sở đuổi phóng viên ra ngoài

Khoảng 9 giờ ngày 16-12, đại diện ngành y tế phướng 15 quận Tân Bình và công an phường, công an quận Tân Bình đã đến làm việc tại số 461 Cộng Hòa, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM là địa chỉ của Công ty Cổ phần Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn, nơi treo biển quảng cáo bán vắc xin.

Nhiều phóng viên báo đài cũng có mặt tại đơn vị này để tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc đơn vị này nhận cung cấp vắc xin 5 trong 1 cho trẻ. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được tham dự thì người tự xưng là đại diện công ty đã chỉ đạo bảo vệ quyết liệt ngăn cản với lý do, đại diện công ty đang bận không tiếp báo chí được.

Bảo vệ ngăn không cho phóng viên vào

Khi đoàn thanh tra thứ nhất chưa hoàn thành việc kiểm tra thì khoảng 10 giờ cùng ngày, Thanh tra Sở y tế TP.HCM cũng đến thanh kiểm tra.

Cùng thời điểm này, phóng viên của nhiều báo có mặt tại công ty một lần nữa xin vào ghi nhận thông tin, nhưng phía công ty vẫn từ chối. Một người tự xưng là đại diện công ty đã tiếp tục chỉ đạo bảo vệ đuổi hàng chục phóng viên ra ngoài.

Như chúng tôi đã thông tin, liên tục trong khoảng 2 ngày gần đây, trên mạng xã hội facebook lan truyền thông tin về một địa chỉ tiếp nhận đăng kí chích vắc xin dịch vụ. Đó là tòa nhà ở địa chỉ 461 Cộng Hòa, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM.

Trước tòa nhà có hẳn một băng rôn với dòng chữ: “Điểm đăng kí dịch vụ tiêm vắc xin 5 trong 1” và 2 số điện thoại để liên lạc. Đơn vị này nhận đăng ký dịch vụ tiêm vắc xin 5 trong 1 Pentaxim với giá 2 triệu đồng/liều.

Phụ huynh có nhu cầu phải đặt cọc 500 ngàn đồng/liều và được công ty hứa sẽ tiêm vào đầu tháng 1-2016 tại Viện Pasteur, Trung tâm Y tế dự phòng hoặc bệnh viện Phụ sản MêKông.

Băng rôn quảng cáo. Ảnh: Nam Anh

Sau khi báo chí phản ánh thông tin về việc nhận cung ứng vắc xin với giá “trên trời” tại cơ sở trên, sáng 16-12, băng rôn quảng cáo đã được tháo xuống, thay vào đó là bảng thông báo với nội dung: “Công ty cổ phần vật tư y tế Sài Gòn thông báo, chúng tôi cam kết, các khách hàng đã đăng ký mua vắc xin tại công ty sẽ được tiêm tại các cơ sở y tế có chức năng tiêm vắc xin, từ ngày 5 đến ngày 10-1-2016. Nếu khách hàng không tin tưởng vui lòng đem biên nhận đến chúng tôi nhận lại tiền. Chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Băng rôn quảng cáo đã được tháo xuống, thay vào đó là bảng thông báo

Tuy nhiên, ghi nhận tại hiện trường, bảng thông báo trên cũng được nhân viên của công ty gỡ xuống khi các đơn vị thanh tra đang làm việc.

Cơ sở hoạt động chui

Liên quan đến vụ việc, chiều 16-12, TS bác sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra ở Y tế TP.HCM cho biết, về mặt pháp lý, Công ty Cổ phần Vật tư Tiêu hao Y tế Sài Gòn được Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cấp phép hoạt động từ 6-7-2015 với nhiều ngành nghề, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bán lẻ thuốc, trang thiết bị, mỹ phẩm.

Tuy nhiên, đây là ngành kinh doanh có điều kiện nên nếu muốn hoạt động lĩnh vực này, công ty phải tiến hành đăng ký giấy phép của Sở Y tế TP.HCM; song đến nay công ty cũng chưa được ngành y tế TP.HCM cấp phép.

Sở Y tế cho biết đến thời điểm hiện tại, công ty Cổ phần Vật tư Tiêu hao Y tế Sài Gòn không có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thuốc

Tại thời điểm tiến hành thanh tra, có khoảng 30 người đăng ký sẽ tiêm vắc-xin Pentaxim với giá 2 triệu đồng (đặt cọc 500 ngàn đồng). Công ty đã tiến hành thu tiền được 27 người, nhưng khi thanh tra đến, công ty đã trả tiền cọc cho 2 người.

Theo ông Bùi Minh Trạng, phía công ty khẳng định chưa kết hợp với cơ sở y tế nào để tiêm vắc xin cho người dân, cũng chưa có trẻ nào được tiêm.

Còn phía 3 cơ sở y tế được Công ty CP Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn cho rằng đã “kết hợp” để tiêm vắc xin cũng phủ nhận thông tin có liên quan đến công ty này.

Trước thông tin được công ty trên cung cấp cho khách hàng sẽ liên kết với bệnh viện Phụ sản MêKông thực hiện việc chích ngừa, ông Nguyễn Văn Ảnh, Giám đốc điều hành bệnh viện phụ sản MêKông khẳng định:

“Bệnh viện không liên kết với bất kỳ đơn vị nào để thực hiện việc chích ngừa. Chúng tôi chỉ tiếp khách đến đăng ký, tổ chức khám và chủng ngừa những loại vắc xin hiện có tại bệnh viện. Việc công ty Cổ phần Vật tư Tiêu hao Y tế Sài Gòn nói ký kết với chúng tôi rõ ràng là hành vi lừa đảo người bệnh. Bệnh viện MêKông đã trình báo vụ việc lên cơ quan công an địa phương, đề nghị điều tra làm rõ thông tin được báo chí phản ánh.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Ảnh, giá vắc xin dịch vụ 5 trong 1 được bệnh viện thực hiện chích ngừa cho bệnh nhi là 750.000 đồng. Mức giá 2 triệu đồng do đơn vị trên công bố và yêu cầu khách hàng đặt cọc cao gấp gần 3 lần so với giá thị trường. Đây là một trong những hành vi lợi dụng sự căng thẳng của vắc xin để trục lợi bất chính.

Bác sĩ Trạng cho biết: “Rất may là chưa có trẻ em nào được tiêm. Trước mắt chúng tôi yêu cầu Công ty CP Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn dừng mọi hoạt động thu tiền, trả lại cho người dân. Sau đó sẽ xem xét để tiến hành xử lý hành vi vi phạm; đồng thời cũng kiến nghị Giám đốc Sở Y tế TP có văn bản gửi các cơ sở tiêm vắc xin để quản lý tốt hơn nữa việc tiêm, ngăn chặn mọi hành vi tiêm giùm, tiêm nhờ vắc xin nếu thực sự có tình trạng này xảy ra”.

Cẩn trọng với vắc xin “xách tay”

Bên cạnh việc tiến hành các biện pháp xử lý với Công ty CP Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn, thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng cảnh báo tình trạng hiện nay có nhiều người dân tìm đến các dịch vụ quảng cáo tiêm vắc xin 5 trong 1, vắc xin 6 trong 1 qua con đường “không chính quy”.

Theo bác sĩ Trạng, dư luận vẫn có người tìm được tiêm vắc xin với giá cao, vắc xin quảng cáo là hàng “xách tay”, chúng tôi đã tìm mọi cách tiếp xúc những nguồn tin này nhưng chưa được. Vì vậy, hiện Sở Y tế TP.HCM đang có những động thái tích cực để tìm hiểu và ngăn chặn nguồn vắc xin này.

Cụ thể, Sở Y tế tiến hành kiểm tra xem xét khi các đơn vị nhập khẩu về có phân bổ đủ số lượng cho các cơ sở tiêm hay không. Song song đó, sở cũng tiến hành đối chiếu ở các cơ sở tiêm phòng được chỉ định có tiêm đủ cho người dân hay còn giữ lại để sử dụng cho mục đích khác. Việc kiểm tra song song này đã được tiến hành vài tuần nay.

Riêng vấn đề hàng “vắc xin xách tay”, theo bác sĩ Trạng, các loại vắc xin đều được bảo quản đúng quy trình nghiêm ngặt vì chỉ cần sai sót một chút về nhiệt độ là sẽ xảy ra biến chứng khi tiêm. Vì vậy quý phụ huynh cần tỉnh táo vì cứ tin vào hàng xách tay vì có thể sẽ mang lại nguy hiểm cho con em mình.

“Ngoài ra, việc các cơ sở được chỉ định tiêm vắc xin cũng rất quan trọng, các cơ sở y tế phải được thẩm định, đáp ứng đạt yêu cầu mới được cho phép. Vì vậy, sắp tới chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ các cơ sở tiêm vắc xin, nghiêm cấm mọi hành vi tiêm giùm, tiêm nhờ hay đến tận nhà để tiêm như dư luận đã rộ lên thời gian qua”, bác sĩ Trạng nói.

TS bác sĩ Bùi Minh Trạng: "Tại TP.HCM đã tiêm trên 300.000 liều. Tất cả cơ sở được thực hiện tiêm vắc xin đều được thẩm định về quy trình bảo quản và được tập huấn rất kỹ về việc ứng phó với phản ứng phụ khi xảy ra. Vì vắc xin là sản phẩm sinh học nên khả năng xảy ra phản ứng phụ là có, quan trọng là chúng ta xử trí phản ứng phụ đó như thế nào. Hầu hết các ca tai biến xảy ra sau tiêm vắc xin, sau khi thẩm định thì nguyên nhân chính không phải là do vắc xin mà do những bệnh lý đi kèm".

Bình luận (0)

Lên đầu trang