(CAO) Chỉ vì sự thiếu hiểu biết và chủ quan, trong thời gian gần đây nhiều trẻ bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay được gia đình nhập viện quá trễ. Điều này khiến việc phẫu thuật trở nên khó khăn, nhiều trẻ đã bị liệt cánh tay suốt đời.
Chỉ ít ngày sau khi cậu con trai chào đời, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương, ngụ tại Gia Lai phát hiện cánh tay trái của con là Trần Quang Vinh gần như không cử động được.
Chị Hương cho biết thêm, con chị sinh ra bị vướng vai trái, bác sĩ phải hỗ trợ kéo thai.
Tại bệnh viện địa phương, cháu được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân của tình trạng trên là do bệnh nhi bị liệt đám rối dây thần kinh.
“Bác sĩ nói với gia đình tôi, về nhà tập vật lý trị liệu và bệnh của bé bình phục dần theo thời gian, song từ khi ra đời đến nay (bé đã 26 tháng tuổi) tình trạng yếu liệt tay trái của bé không thấy dấu hiệu cải thiện”, Chị Hương cho biết.
Không nỡ nhìn con sống cảnh đời tật nguyền, vợ chồng chị Hồng đã đưa con xuống bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM nhờ bác sĩ tìm giải pháp hỗ trợ.
Bé Vinh trong vòng tay bố mẹ sau ca mổ nối bó thần kinh cánh tay trái tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: Nam Anh
BS Đặng Khải Minh, khoa Chấn thương Chỉnh hình cho hay: “Bé Vinh được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng bàn tay trái còn co duỗi nhưng cánh tay không nhấc lên được. Ngay sau đó, bệnh viện đã tiến hành can thiệp phẫu thuật nối dây thần kinh bị đứt cho bệnh nhi".
"Tuy nhiên, so với những ca khác thì bé Vinh là trường hợp nhập viện trễ, để bình phục hoàn toàn là rất khó, đến nay khả năng vận động cánh tay trái của bé mới đạt khoảng 50% so với tay phải", bác sĩ Minh cho hay.
Bác sĩ Đặng Khải Minh cho biết, trước đây, bệnh lý đứt gây liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh chỉ được điều trị bảo tồn bằng vật lý trị liệu. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, bác sĩ người Pháp Alain Gilbert đã mở ra hướng điều trị mới bằng can thiệp ngoại khoa. Chính vị bác sĩ này đã trực tiếp đến hỗ trợ Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện vi phẫu trên 100 trường hợp liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh từ năm 2010 đến nay, với tỷ lệ 70-80% trẻ phục hồi tốt.
Nguyên nhân gây bệnh lý trên thường gặp ở các ca sinh khó, xảy ra tình huống trẻ bị vướng vai hoặc bác sĩ sử dụng thủ thuật kéo hỗ trợ người mẹ lúc sinh… gây các sang chấn sản khoa là nguyên nhân khiến trẻ sinh ra bị đứt đám rối thần kinh cánh tay. Trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến chức năng vận động vai, cổ, tay, nặng hơn có thể liệt một phần hay toàn bộ cánh tay.
“Điều quan trọng để phẫu thuật thành công là trẻ phải được theo dõi và điều trị càng sớm càng tốt. Thời điểm thích hợp nhất để phẫu thuật là từ 3 đến 12 tháng tuổi. Sau thời gian vàng này, việc can thiệp phẫu thuật sẽ không đạt hiệu quả cao”, bác sĩ Minh nói.
Hiện do thiếu thông tin, hoặc chủ quan đợi cho trẻ lớn hơn, “cứng cáp” hơn, nên phần lớn phụ huynh và cả cơ sở y tế đã không giúp trẻ tiếp cận điều trị sớm, đánh mất cơ hội hồi phục chức năng vận động cho trẻ. Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 5-6 ca liệt đám rối thần kinh cánh tay. Trong đó, nhiều ca đến bệnh viện quá muộn.