(CAO) Gần 1 năm phải chịu đau nhức với khối u ở vùng bẹn, đến khi khối u to như quả trứng gà, không thể chịu đựng được, người này mới nhập viện phẫu thuật.
Bệnh nhân là ông Phạm Văn Ch. (SN 1933, ngụ tại quận 11, TP.HCM).
Ông Ch. cho biết, cách đây 1 năm, ông cảm thấy bị đau ở vùng bẹn bên phải, sau đó chỗ đau dần dần nổi lên một u nhỏ, sờ vào thấy đau. Khi nằm xuống hoặc lấy tay đẩy thì khối u xẹp xuống, khi đứng thì nó phồng lên.
Cứ nghĩ là không có vấn đề nghiêm trọng nên ông Ch. không đi khám, đến khi chỗ u to lên bằng quả trứng gà, gây đau nhức, khó khăn trong đi đứng thì ông Ch. mới đến bệnh viện khám.
Bác sĩ Đoàn Văn Lộc, Trưởng Khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Quận 11 TP.HCM cho biết, bệnh nhân Ch. nhập viện ngày 13-4 vừa qua trong tình trạng có khối u gây đau nhức vùng bẹn bên phải.
Qua kết quả thăm khám và hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Quận Thủ Đức, kết luận bệnh nhân bị thoát vị bẹn bên phải và cần phải phẫu thuật.
Sau đó bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp đặt tấm lưới nhân tạo. Ca mổ kéo dài hơn 2 giờ và thành công tốt đẹp.
Bác sĩ Đoàn Văn Lộc thăm khám lại cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật
Theo bác sĩ Lộc, thoát vị bẹn là bệnh lý thường gặp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, tâm lý bệnh nhân, nhưng nhiều người vẫn chưa biết rõ bệnh lý này nên chủ quan hoặc ngại đi khám, đến khi gặp thầy thuốc thì đã quá muộn dẫn đến tỉ lệ tái phát cao và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt.
Thoát vị bẹn gặp ở mọi lứa tuổi, chủ yếu ở nam giới, do bẩm sinh hoặc do mắc phải (trẻ em, người lao động nặng, đặc biệt ở người có tuổi do thành bụng yếu hoặc táo bón lâu ngày).
Thoát vị bẹn xuất hiện khi có khối phồng lên ở vùng bẹn, thường diễn ra từ từ, cảm giác đau, nặng và khó chịu ở vùng bẹn, đó là dấu hiệu sớm nhất của bệnh. Dấu hiệu này ngày càng rõ, kèm theo việc xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn khi áp lực ổ bụng tăng lên (làm việc nặng, ho, rặn, chạy, nhảy...). Càng về sau khối thoát vị càng lớn và xuất hiện thường xuyên khi đứng, nhưng có thể biến mất khi nằm, nghỉ ngơi hoặc người bệnh hoặc người nhà (với trẻ em) tự đẩy khối thoát vị lên. Chính vì lý do này mà người bệnh hoặc người nhà của trẻ chủ quan.
Nếu không được điều trị sớm thì các biến chứng như teo tinh hoàn, sa tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, rối loạn cảm giác vùng bìu có thể xảy ra.